HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 4 – SỐ 4

Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về tài liệu lưu hành tại kỳ họp Hội đồng nhân dân xã?
Trả lời:
Tài liệu lưu hành trong kỳ họp Hội đồng nhân dân xã là các tài liệu liên quan trực tiếp đến chương trình kỳ họp như Tờ trình, dự thảo nghị quyết, báo cáo thẩm tra, báo cáo công tác…. các tài liệu tham khảo liên quan đến dự thảo nghị quyết do Ủy ban nhân dân trình; các tài liệu có tính chất tham khảo khác.
Theo Điều 92 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định những tài liệu được lưu hành tại kỳ họp Hội đồng nhân dân:
- Tài liệu kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã phải được gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là 05 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm thực hiện quy định về sử dụng, bảo quản tài liệu trong kỳ họp; không được tiết lộ nội dung tài liệu mật, nội dung các phiên họp kín của Hội đồng nhân dân;
- Nghị quyết, văn bản, các tài liệu khác của mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về Thư ký kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã?
Trả lời:
Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 có quy định về thư ký kỳ họp Hội đồng nhân dân, theo đó, Hội đồng nhân dân các cấp đã bầu thư ký kỳ họp là đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019 không quy định chức danh Thư ký kỳ họp Hội đồng nhân dân.
Theo Hướng dẫn số 1138/HD-UBTVQH13, ngày 03 tháng 06 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về một số nội dung tổ chức kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, công tác thư ký phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân gồm các nội dung như sau:
- Nội dung công việc:
+ Lập danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân có mặt, vắng mặt trong các phiên họp và trong kỳ họp;
+ Ghi biên bản phiên họp, kỳ họp;
+ Tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến phát biểu của đại biểu tại cuộc họp Tổ đại biểu và phiên họp toàn thể;
+ Tham mưu cho Chủ tọa kỳ họp trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục tại kỳ họp;
+ Giúp Chủ tọa kỳ họp cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền về kỳ họp.
- Trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thư ký: Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thư ký phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã.
Cũng theo Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân, công tác thư ký phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã được quy định như sau:
- Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã lựa chọn 01 hoặc 02 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã để thực hiện công tác thư ký kỳ họp và báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định tại phiên họp trù bị (nếu có) hoặc tại phiên khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.
- Công tác thư ký kỳ họp của Hội đồng nhân dân bao gồm các nội dung sau đây:
+ Lập danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân có mặt, vắng mặt trong các phiên họp và trong kỳ họp;
+ Ghi biên bản phiên họp, kỳ họp;
+ Tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến của đại biểu tại phiên họp toàn thể và tại cuộc họp Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân;
+ Giúp Chủ tọa kỳ họp trong việc thực hiện quy trình, thủ tục tại kỳ họp, cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền về kỳ họp;
+ Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tọa kỳ họp.

Câu hỏi: Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã được quy định trong những văn bản pháp luật cơ bản nào?
Trả lời:
Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã được quy định tại Điều 87 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015. 

Câu hỏi: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định về nội dung gì trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã?
Trả lời:
Về phạm vi điều chỉnh, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp (trong đó có Hội đồng nhân dân cấp xã), Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.

Câu hỏi: Giám sát là gì?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Giám sát là việc chủ thể giám sát (bao gồm Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân) theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Câu hỏi: Chủ thể nào có quyền giám sát?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Chủ thể giám sát bao gồm Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Mỗi chủ thể tiến hành giám sát lại sử dụng phương thức giám sát, cách thức giám sát khác nhau và thẩm quyền giám sát khác nhau.

Câu hỏi: Hội đồng nhân dân cấp xã giám sát bằng những hình thức nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 57 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Hội đồng nhân dân cấp xã giám sát thông qua các hoạt động sau:
- Xem xét báo cáo công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã và các báo cáo khác theo quy định;
- Xem xét việc trả lời chất vấn của những người bị chất vấn (Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân cấp xã);
- Xem xét quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã khi phát hiện có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã.
- Giám sát chuyên đề.
- Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.

Tham khảo:
1. Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.
2. Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019.
3. Hướng dẫn số 1138/HD-UBTVQH13, ngày 03 tháng 06 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về một số nội dung tổ chức kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
4. Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân.
5. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015

Cập nhật : 15:54 - 25/09/2020
In trang này Click here to Print it!