HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 4 – SỐ 2

Câu hỏi: Thời gian triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:

Theo khoản 1, khoản 2 Điều 80 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Khoản 31 Điều 2 Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019, thời gian triệu tập  kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã được quy định như sau:
* Đối với kỳ họp thứ nhất được triệu tập chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; đối với địa phương có bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc lùi ngày bầu cử thì thời hạn triệu tập kỳ họp thứ nhất được tính từ ngày bầu cử lại, bầu cử thêm.
* Đối với các kỳ họp thường lệ, quyết định triệu tập được gửi tới đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
* Đối với kỳ họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, quyết định triệu tập được gửi tới đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

Câu hỏi: Việc triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã có phải công khai hay không?
Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 80 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Khoản 31 Điều 2 Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019,  việc triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã là công khai.
Quyết định triệu tập kỳ họp và dự kiến chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 03 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.

Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về khách mời tham dự kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp xã ?
Trả lời:

Để đảm bảo tính công khai, dân chủ trong hoạt động của Hội đồng nhân dân, các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp xã luôn có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau. Ngoài các đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, những thành phần được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã theo quy định tại Điều 81 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 bao gồm:
 - Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp trên được bầu tại địa phương;
 - Thành viên Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân được mời tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân; có trách nhiệm tham dự các phiên họp toàn thể của Hội đồng nhân dân khi thảo luận về những vấn đề có liên quan đến ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách.
 - Đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội được mời tham dự các phiên họp công khai của Hội đồng nhân dân khi bàn về các vấn đề có liên quan.
 - Đại diện đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, khách quốc tế, cơ quan báo chí và công dân có thể được tham dự các phiên họp công khai của Hội đồng nhân dân.

Câu hỏi: Người được mời dự họp Hội đồng nhân dân có quyền phát biểu và biểu quyết hay không?
Trả lời:

Theo Khoản 2 Điều 81 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, người được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân được phát biểu ý kiến về vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách nếu được chủ tọa phiên họp đồng ý hoặc có trách nhiệm phát biểu ý kiến theo yêu cầu của Hội đồng nhân dân xã hoặc chủ tọa phiên họp.
 Người được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân không được tham gia biểu quyết. Chỉ đại biểu Hội đồng nhân dân mới có quyền biểu quyết.

Câu hỏi: Thế nào là chủ tọa phiên họp Hội đồng nhân dân cấp xã? Ai có quyền chủ tọa phiên họp và trách nhiệm của chủ tọa phiên họp Hội đồng nhân dân cấp xã được quy định  như thế nào?
Trả lời:

Chủ tọa phiên họp là người điều hành phiên họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã là người có quyền chủ tọa phiên họp Hội đồng nhân dân cấp xã. Theo quy định tại Điều 82 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm khai mạc và bế mạc kỳ họp, chủ tọa phiên họp Hội đồng nhân dân, bảo đảm thực hiện chương trình kỳ họp và những quy định về kỳ họp Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã giúp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã trong việc điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã.
Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Hội đồng nhân dân cấp xã, người tiến hành triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân là Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa trước sẽ khai mạc kỳ họp và chủ tọa các phiên họp Hội đồng nhân dân cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa mới.

Câu hỏi: Trong nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân cấp xã có được bầu lại, bầu bổ sung các chức danh hay không?
Trả lời:

Trong nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân cấp xã, việc bầu lại, bầu bổ sung các chức danh được quy định như sau:
- Theo quy định tại khoản 10 Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Hội đồng nhân dân cấp xã tổ chức bầu lại chức danh khi các kết quả bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân không được Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn.
- Căn cứ Khoản 2 Điều 32 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Khoản 10 Điều 2 Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019: Thường trực Hội đồng nhân dân gồm một Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân xã; Theo Điều 34 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Khoản 12 Điều 2 Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019, cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân xã gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an. Ủy ban nhân dân xã loại I, loại II có không quá hai Phó Chủ tịch; xã loại III có một Phó Chủ tịch.
Trong nhiệm kỳ, nếu khuyết chức danh (do mất, bị kết án bởi bản án có hiệu lực của tòa án, xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã thì đương nhiên thôi chức danh mà buộc phải là đại biểu Hội đồng nhân dân …) thì Hội đồng nhân dân cấp xã xem xét bầu bổ sung các chức danh khi người có thẩm quyền trình;
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 135 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, trường hợp số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở các đơn vị hành chính mới không đủ hai phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định của Luật này và thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 18 tháng thì tiến hành bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật về bầu cử. Hội đồng nhân dân cấp xã sau khi đã được bầu bổ sung đại biểu tiến hành bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật và hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới được bầu ra.

Tham khảo:
1. Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.
2. Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019.

Cập nhật : 14:59 - 25/09/2020
In trang này Click here to Print it!