MỘT SỐ CHÍNH SÁCH LỚN TRONG DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC – KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP (Phần 1)

I. Vấn đề chính sách 1: Không quy định là công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước); bỏ quy định áp dụng Luật CBCC chức đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước.


1. Căn cứ:
- Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL: “không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị SNCL (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước)”
- Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: “Thực hiện việc tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức.”. 

2. Vấn đề bất cập
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 4 và Điểm c Khoản 1 Điều 32 Luật CBCC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 quy định những người là công chức. Theo đó, công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:
- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.
- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc các Ban và cơ quan tương đương của Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; tỉnh ủy, thành ủy; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh ủy; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Người giữ các vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Đối với đội ngũ người đứng đầu của các doanh nghiệp nhà nước, căn cứ vào khoản 3 Điều 84 Luật CBCC,Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, thôi việc, kỷ luật… đối với viên chức lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước được thực hiện như đối với công chức.
Việc quy định như trên dẫn đến các bất cập sau đây trong thực tiễn:
- Mặc dù Luật Viên chức và các Nghị định đã quy định tương đối chi tiết nhưng trên thực tế số lượng đơn vị SNCL rất lớn, đa dạng về loại hình, lĩnh vực hoạt động và cách thức tổ chức quản lý nên còn cách hiểu khác nhau về “bộ máy lãnh đạo, quản lý” dẫn đến việc áp dụng gặp nhiều khó khăn.
- Thực tế hiện nay, do đơn vị sự nghiệp không được thực hiện chức năng quản lý nhà nước và không thực hiện hoạt động công vụ (trừ một số đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước) nên công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý lý đơn vị sự nghiệp công lập không được hưởng phụ cấp công vụ và hầu hết các đơn vị sự nghiệp cũng không được giao biên chế công chức. Mặt khác, trong số công chức thuộc bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và thực hiện hoạt động nghề nghiệp thì rất ít trường hợp chuyển sang giữ ngạch công chức. Điều này dẫn đến những vướng mắc, không thống nhất trong việc thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý đối với những người này.
- Một số đối tượng như Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp theo quy định của Luật cũng áp dụng các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, thôi việc, kỷ luật tương tự như đối với công chức. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động của doanh nghiệp khác với cơ quan hành chính nên trong quá trình thực hiện các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, thôi việc, kỷ luật đối với viên chức lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp còn những vướng mắc, chưa phù hợp; chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trong thời kỳ mới. Điều này cũng dẫn đến những bất cập trong thực tế triển khai thực hiện do bản chất thực hiện công vụ khác với hoạt động kinh doanh nên không thể áp dụng chế độ đối với những đối tượng này như với đội ngũ công chức.
- Trong thời gian qua, Đảng đã ban hành hiều chủ trương về tách bạch giữa quản lý nhà nước với doanh nghiệp, cụ thể là: “thu hẹp và tiến tới không còn chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, UBND tỉnh, thành phố đối với DNNN” (Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X); “tách bạch vai trò của Nhà nước với tư cách là bộ máy công quyền quản lý toàn bộ nền kinh tế - xã hội với vai trò chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước” (Hội nghị Trung ương 6 khóa X). Ngoài ra, Nghị quyết số 42/2009/QH12 ngày 27/11/2009 Quốc hội khóa XII nêu rõ: “Thực hiện triệt để hơn việc tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước, tách bạch rõ ràng thực hiện quyền chủ sở hữu và quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của doanh nghiệp. Hoàn thiện cơ chế phân cấp việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo nguyên tắc có một đầu mối chịu trách nhiệm chính, thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quản sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt”. Vì vậy, công tác quản lý, sử dụng những người trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập cũng như việc áp dụng pháp luật đối với người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước cũng cần phải được đổi mới để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên.
Năm 2008 Quốc hội đã ban hành Luật Cán bộ, Công chức và năm 2010 thông qua Luật Viên chức. 2 Luật này đã phân biệt đội ngũ cán bộ, công chức với đội ngũ viên chức. Nếu Quốc hội thông qua chủ trương tách bạch hẳn, không quy định những người làm lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức nữa trong lần sửa đổi này thì đây cũng là một bước tiến lớn, phù hợp với sự phát triển và xu thế hội nhập. Ở đây, xin khẳng định lại quan điểm rằng, không phải quy định đội ngũ các đồng chí lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập không phải là công chức là thể hiện quan điểm phân biệt đối xử công chức với viên chức, ai quan trọng hơn ai. Ở đây chỉ khẳng định về vị trí, địa vị pháp lý tách bạch giữa công chức và viên chức. Khi công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập thì là viên chức; khi các đồng chí phục vụ trong hệ thống các cơ quan dân cử, cơ quan hành chính nhà nước thì là cán bộ, công chức. Quy định về “chế độ” ở đây không phải là chế độ chính sách mà là “chế độ pháp lý”, “tư cách pháp lý” của viên chức. Sự rành mạch rõ ràng như vậy sẽ giúp cho công tác quản lý ngày càng công khai, minh bạch, đồng thời cũng bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các đồng chí trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm. Nội dung này cũng đã được thể hiện tại điều 37 về liên thông trong công tác cán bộ.
 Trong quá trình soạn thảo đã xin ý kiến bằng phiếu các thành viên Chính phủ (có 21/27 ý kiến tán thành trong tổng số 22 ý kiến trả lời bằng văn bản; 1 ý kiến không tán thành, 5 đồng chí đi công tác nên không có ý kiến biểu quyết).

3. Đề xuất sửa đổi, bổ sung
- Sửa đổi, bổ sung quy định khoản 2 Điều 4 và điểm c khoản 1 Điều 32 để tách bạch giữa khu vực hành chính với khu vực SNCL và khu vực doanh nghiệp; bỏ quy định tại khoản 3 Điều 84.
- Bỏ quy định tại khoản 3 Điều 84; bổ sung quy định giao Chính phủ quy định việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng đối tượng là người quản lý doanh nghiệp nhà nước.

(Còn tiếp)

Cập nhật : 14:53 - 25/09/2020
In trang này Click here to Print it!