Thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng - Những nguyên tắc cơ bản

Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng là một điều ước quốc tế đa phương do đó việc thực thi Công ước cũng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của điều ước quốc tế. Trong số các nguyên tắc thực hiện điều ước quốc tế, nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia và tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế là những nguyên tắc cơ bản quan trọng nhất trong việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Tham nhũng là hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng thường liên kết một cách tinh vi, chặt chẽ với các tội phạm khác, đặc biệt của tội phạm có tổ chức và tội phạm kinh tế, gây ra những hậu quả nguy hại, khó lường. Không nằm ngoài tiến trình toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, tham nhũng đã vượt ra khỏi phạm vi biên giới một quốc gia, trở thành một hiện tượng mang tính khu vực và quốc tế. Vì vậy, chống tham nhũng đang trở thành một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, đòi hỏi nỗ lực chung của toàn bộ cộng đồng quốc tế. Trong đó, yêu cầu trước tiên và cơ bản nhất đó là phải thiết lập được một công cụ pháp lý quốc tế toàn diện, đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao làm cơ sở cho việc đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống tham nhũng tại mỗi quốc gia cũng như hoạt động hợp tác giữa các quốc gia. 

Trong bối cảnh đó, ngày 4 tháng 12 năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ban hành Nghị quyết số 55/61, trong đó: xác định yêu cầu cấp thiết cần phải có một văn kiện pháp lý quốc tế riêng, toàn diện hữu hiệu về chống tham nhũng; thành lập ủy ban soạn thảo công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, công ước đã được xây dựng. Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng là một điều ước quốc tế đa phương quy định các biện pháp phòng, chống tham nhũng hữu hiệu và hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, được đúc kết từ những biện pháp và kinh nghiệm của rất nhiều quốc gia trên thế giới và cần thiết cho việc phòng, chống tham nhũng hiệu quả ở từng quốc gia cũng như cho việc hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Thực thi công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng là quá trình nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng để điều chỉnh, hướng dẫn chi tiết, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với công ước và yêu cầu của tình hình thực tiễn đặt ra về phòng, chống tham nhũng; phân công trách nhiệm cho các tổ chức, cơ quan theo dõi, triển khai thực hiện; tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp, các quy định về phòng, chống tham nhũng đã ban hành; kiểm tra, sơ kết đánh giá việc thực hiện; nghiên cứu thiết lập đầu mối phối hợp mở rộng hợp tác quan hệ với các nước tham gia ký kết công ước để trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về tổ chức, biện pháp, phương tiện và sử dụng trang thiết bị có hiệu quả việc phòng, chống tham nhũng nhằm tác động tích cực, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. 

Quá trình thực thi công ước yêu cầu và đòi hỏi tính khoa học, tính minh bạch của pháp luật được rà soát, nội luật hóa trước lúc nó ra đời, và cả sức nặng của các tác nhân thực tiễn đối với một quy phạm khi nó được áp dụng. Trên thực tế, nhất là đối với đa số người dân, pháp luật với khả năng điều chỉnh và giá trị xã hội thường chỉ được nhìn nhận trên bình diện thực tiễn, và không phải ai cũng biết đầy đủ, cụ thể về các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, thực thi công ước dù hiểu theo nghĩa là một quá trình hay theo nghĩa là kết quả của quá trình đó đều đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành ý thức pháp luật và văn hóa pháp luật tại quốc gia thành viên.

Công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng là một điều ước quốc tế đa phương do đó việc thực hiện công ước cũng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của điều ước quốc tế. Trong số các nguyên tắc thực hiện điều ước quốc tế, nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia và tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế là những nguyên tắc cơ bản quan trọng nhất trong việc thực thi công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng.

1. Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia
Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia là một trong những nguyên tắc cơ bản được thừa nhận rộng rãi của luật quốc tế hiện đại và được ghi nhận rộng rãi trong nhiều văn bản quốc tế quan trọng. Trong quan hệ quốc tế, nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia được biểu hiện qua những quan điểm sau:
Thứ nhất, tất cả các quốc gia đều bình đẳng về mặt pháp lý.
Thứ hai, tất cả các quốc gia đều có những quyền, nghĩa vụ quốc tế cơ bản như nhau.
Thứ ba, tất cả các quốc gia đều có quyền như nhau được tôn trọng về quốc thể, sự toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị độc lập.
Thứ tư, mỗi quốc gia có quyền được tự do tham gia vào việc giải quyết vấn đề liên quan đến lợi ích của họ.
Thứ năm, khi giải quyết những vấn đề quốc tế trong phạm vi các tổ chức và các hội nghị quốc tế mỗi quốc gia đều sử dụng một lá phiếu có giá trị ngang nhau.
Thứ sáu, các quốc gia ký điều ước với nhau phải trên cơ sở bình đẳng, không một quốc gia nào có quyền áp đặt những điều kiện không bình đẳng đối với các quốc gia khác.

Xuất phát từ những nguyên tắc nêu trên, các quốc gia đồng thời có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ và thiện chí mọi nghĩa vụ quốc tế mà mình đã tự nguyện cam kết. Theo đó, đối với nhiều nước thành viên công ước, trước hoặc sau khi gia nhập công ước đều có các biện pháp lập pháp để thực thi công ước. Việc thực hiện các biện pháp luật pháp theo nghĩa vụ thực thi công ước tùy thuộc vào quy trình lập pháp của quốc gia, nhưng điều cốt lõi trước tiên là phải nội luật hóa hoặc chuyển hóa để thực hiện các yêu cầu bắt buộc thực hiện đúng theo công ước. Sau đó là các yêu cầu và các biện pháp của công ước mà quốc gia thành viên được cân nhắc thực hiện tùy thuộc vào tình hình cụ thể. 

Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia được thể hiện ngay ở lời nói đầu của công ước, nhấn mạnh các quốc gia thành viên công ước thể hiện sự quyết tâm phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng bằng hệ thống các biện pháp toàn diện nhất, đa dạng và hữu hiệu nhất trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, phù hợp với khả năng cụ thể của quốc gia thành viên. Đồng thời, các quốc gia thành viên công ước cũng khẳng định việc việc ngăn ngừa và xóa bỏ tham nhũng là trách nhiệm của các quốc gia và các quốc gia phải cùng nhau hợp tác, với sự hỗ trợ và tham gia của các cá nhân và các nhóm ngoài khu vực công như các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng nếu nỗ lực của họ trong lĩnh vực này có hiệu quả; khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác quốc tế với nhau về chống tham nhũng thông qua hợp tác điều tra, truy tố, trao đổi thông tin, thu hồi tài sản, trợ giúp kĩ thuật, gồm cả hỗ trợ tăng cường năng lực xây dựng thể chế. Điều này cũng có nghĩa, các quốc gia thành viên công ước sẽ phấn đấu để thực thi không chỉ các yêu cầu bắt buộc theo đúng công ước mà còn cả các yêu cầu và các biện pháp khác của công ước khi tình hình, điều kiện cụ thể của quốc gia thành viên công ước cho phép.

2. Nguyên tắc tận tâm/thiện chí thực hiện cam kết quốc tế
Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản, bao trùm trong lý luận về việc thực hiện điều ước quốc tế. Do đó, đây cũng là nguyên tắc cơ bản trong việc thực thi công ước của liên hợp quốc về chống tham nhũng. Nguyên tắc này có lịch sử phát triển lâu đời nhất so với lịch sử hình thành và phát triển của các nguyên tắc cơ bản khác của luật quốc tế hiện đại. Nguyên tắc này cũng là nền tảng của pháp luật quốc tế hiện đại và bảo đảm cho việc các điều ước quốc tế được thực hiện. 

Theo đó, các quốc gia phải có nghĩa vụ tận tâm thực hiện hết khả năng các cam kết quốc tế của mình. Nguyên tắc tận tâm thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 2 với tư cách là một nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc 1945: “Tất cả các nước thành viên phải làm tròn những nghĩa vụ mà họ phải đảm nhận theo Hiến chương này”. Điều 26 Công ước viên năm 1969 về Luật điều ước quốc tế cũng đã khẳng định tính phổ cập của nguyên tắc này. Theo đó mỗi điều ước quốc tế hiện hành đều ràng buộc các bên phải tham gia và phải được các bên thực hiện một cách thiện chí. Tuyên bố năm 1970 về các nguyên tắc của luật quốc tế đã mở rộng hơn nữa phạm vi áp dụng của nguyên tắc. Theo đó mỗi quốc gia phải thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế do Hiến chương đặt ra, các nghĩa vụ phát sinh từ các quy phạm và nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật quốc tế. Khi nghĩa vụ theo điều ước quốc tế trái với nghĩa vụ của thành viên Liên hợp quốc theo Hiến chương thì nghĩa vụ theo Hiến chương có giá trị ưu tiên.

Theo các văn kiện pháp lý quốc tế hiện hành, nguyên tắc này chỉ được áp dụng đối với các điều ước quốc tế có hiệu lực, tức là đối với những điều ước quốc tế được ký kết một cách tự nguyện trên cơ sở bình đẳng. Mọi quốc gia đều có nghĩa vụ thực hiện tự nguyện, có thiện chí, trung thực và đầy đủ các nghĩa vụ điều ước quốc tế của mình. 

Thứ nhất, mọi quốc gia tuyệt đối tuân thủ việc thực hiện nghĩa vụ điều ước quốc tế một cách triệt để không phụ thuộc vào các sự kiện trong nước hay quốc tế.
Thứ hai, các quốc gia thành viên điều ước quốc tế không được viện dẫn các quy định của pháp luật trong nước để coi đó là nguyên nhân và từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình ( quy định tại Điều 27 Công ước viên năm 1969).
Thứ ba, các quốc gia không có quyền ký kết điều ước quốc tế mâu thuẫn với nghĩa vụ của mình được quy định trong điều ước quốc tế hiện hành mà quốc gia ký kết hoặc tham gia trước đó với các quốc gia khác.
Thứ tư, không cho phép các quốc gia đơn phương ngừng thực hiện và xem xét lại điều ước quốc tế.
Thứ năm, quốc gia có quyền từ chối thực hiện điều ước quốc tế nào đó khi điều kiện để thực hiện đã thay đổi căn bản hoặc mục đích ký kết điều ước quốc tế đã không còn phù hợp với tình hình chính trị và kinh tế, xã hội của quốc gia. Nhưng khi điều kiện để thực hiện điều ước quốc tế được phục hồi thì quốc gia đó phải thực hiện các cam kết của mình một cách tận tâm thiện chí.

Sự thỏa thuận của các thành viên điều ước quốc tế là cơ sở làm phát sinh nghĩa vụ điều ước và việc thực hiện các cam kết chính là sự tôn trọng những thỏa thuận đã đạt được giữa các bên. Chỉ khi các quốc gia nghiêm chỉnh, tận tâm thực thi các nghĩa vụ cam kết trong điều ước thì họ mới có cơ sở được hưởng đầy đủ các quyền hợp pháp do điều ước mang lại. Thực hiện cam kết quốc tế trong điều ước quốc tế chính là thực hiện quyền của mỗi quốc gia thành viên. 

Nội dung của công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng cho thấy sự dung hòa giữa các dòng tư tưởng pháp lý lớn của các nước thuộc các hệ thống/dòng pháp luật khác nhau. Chính vì vậy, việc thực hiện công ước trên thực tế không những phải tuân theo các quy định của chính công ước, các quy định của pháp luật quốc tế liên quan, mà còn phải tuân theo pháp luật quốc gia. Điều này cũng lý giải tại sao khi ký, phê chuẩn hoặc gia nhập công ước, các quốc gia thành viên thường làm các bảo lưu cụ thể hoặc tuyên bố quan điểm của mình về vấn đề thực thi công ước. Đây là cơ sở để các quốc gia thành viên công ước cam kết tận tâm thực hiện các nghĩa vụ.

Tài liệu tham khảo:
Thanh tra Chính phủ, UNDP, "Thực thi công ước Liên hợp Quốc về chống tham nhũng ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn", NXB Lý luận chính trị, 2015.

Cập nhật : 14:47 - 27/08/2020
In trang này Click here to Print it!