QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CÁC CƠ QUAN THUỘC ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI (PHẦN 2)

Trong Phần 1, bài viết đã đề cập khái quát về quá trình thành lập và đánh giá vai trò, sự cần thiết của Ban dân nguyện đối với hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trong Phần 2 của bài viết sẽ tiếp tục nêu khái quát về cơ sở, quá trình thành lập Ban Công tác đại biểu và vai trò, sự cần thiết của cơ quan này đối với hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2. Về Ban công tác đại biểu
2.1. Quá trình phát triển của Ban công tác đại biểu
Trước năm 2003, về công tác đại biểu, tổ chức bộ máy và nhân sự thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được giao cho Văn phòng Quốc hội tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đặc biệt là từ Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã được tăng lên nhiều, nhiều vấn đề về công tác đại biểu, tổ chức bộ máy và nhân sự đã vượt ra khỏi khả năng của Văn phòng Quốc hội. Vì vậy, cần phải có một cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội để thực hiện việc quản lý, các chính sách đối với các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, quy hoạch cán bộ, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn các chức vụ thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chính vì vậy, đầu nhiệm kỳ QH Khóa XI, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 368/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 thành lập Ban Công tác đại biểu. 

Trong Nghị quyết này đã xác định rõ vai trò Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu, tổ chức bộ máy và nhân sự thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Sau 5 năm, Ban công tác thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Nghị quyết, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này. Trên cơ sở tổng kết hoạt động của Ban Công tác đại biểu nhiệm kỳ QH Khóa XI và yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của QH, nâng cao vai trò tham mưu, phục vụ của Ban Công tác đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 575/UBTVQH12 ngày 31/1/2008 về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu. Theo đó, Nghị quyết đã nâng cao vị trí, vai trò của Ban và sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu. Hiện nay, Ban công tác đại biểu gồm có Trưởng ban, các phó trưởng ban, do Vụ công tác đại biểu và Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử tham mưu, phục vụ.

2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban công tác đại biểu
Theo Nghị quyết số 575/UBTVQH12 ngày 31/1/2008, Ban Công tác đại biểu có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội: Ban Công tác đại biểu phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan giúp Quốc hội thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia, ấn định, công bố ngày bầu cử, số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử, số đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử; phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể về việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử; dự kiến và điều chỉnh về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương; phân bổ người do các cơ quan trung ương giới thiệu về ứng cử ở địa phương; kiểm tra, giám sát việc bầu cử; xem xét khiếu nại, tố cáo về bầu cử; quyết định việc bầu cử bổ sung.

- Đối với đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội: Ban Công tác đại biểu phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; giữ mối liên hệ với các đại biểu Quốc hội, quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và phân bổ kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, quyết định việc chuyển sinh hoạt của đại biểu Quốc hội; tiếp nhận chất vấn của đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội để chuyển đến cơ quan hoặc người bị chất vấn và quyết định thời hạn, hình thức trả lời chất vấn; phối hợp với Đoàn Thư ký kỳ họp chuẩn bị dự kiến danh sách những người có trách nhiệm trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội; theo dõi, tổng hợp và đôn đốc việc thực hiện lời hứa đối với chất vấn của đại biểu Quốc hội của người đứng đầu các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong khi trả lời chất vấn; tổ chức việc trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét các vấn đề liên quan đến việc bắt giam, khám xét, truy tố, cách chức, buộc thôi việc, tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với đại biểu Quốc hội; xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu Quốc hội; giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục trình Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

- Về chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ban Công tác đại biểu phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị các văn bản về lương và các chế độ khác của đại biểu Quốc hội chuyên trách trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành; giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Đối với công tác nhân sự: Ban Công tác đại biểu giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội làm đầu mối phối hợp với Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Uỷ ban, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Trưởng các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội về kế hoạch quy hoạch nguồn nhân sự cho các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyên trách theo phân cấp quản lý cán bộ; giúp Uỷ ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội của những người trúng cử; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục trong việc bổ nhiệm, điều động, cách chức cán bộ thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức quản lý hồ sơ và các tài liệu liên quan đến đại biểu Quốc hội và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo phân cấp quản lý cán bộ.

- Đối với công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao: Ban Công tác đại biểu giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục trình Quốc hội phê chuẩn cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước; trình tự, thủ tục bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tiếp nhận kiến nghị của đại biểu Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, phê chuẩn kết quả bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục trong việc thành lập, giải thể các cơ quan thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân: Ban Công tác đại biểu phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc ấn định, công bố ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, giám sát việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, quyết định hủy bỏ cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và quyết định ngày bầu cử lại ở đơn vị bầu cử đó, quyết định việc bầu cử bổ sung và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; phê chuẩn kết quả bầu các chức danh Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem  xét, quyết định giải tán Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lới ích của nhân dân, phê chuẩn Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về việc giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp, quy định chế độ, sinh hoạt phí của đại biểu Hội đồng nhân dân; gửi những tài liệu cần thiết cho Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, giữ mối liên hệ với Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tổ chức Hội nghị về hoạt động Hội đồng nhân dân.

- Đối với hoạt động giám sát: Ban Công tác đại biểu kiến nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chương trình giám sát của Quốc hội, chương trình giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; đề nghị thành lập đoàn giám sát, đoàn công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về địa phương xem xét các vấn đề mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị.

- Thực hiện những nhiệm vụ khác do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội giao.
Trong quá trình hoạt động, một số nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu được chuyển giao cho các cơ quan khác như: Nghị quyết 618/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 417/2003/NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội đã chuyển một số nhiệm vụ về cho Văn phòng Quốc hội như: tiếp nhận chất vấn của đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội để chuyển đến cơ quan hoặc người bị chất vấn và quyết định thời hạn, hình thức trả lời chất vấn; phối hợp với Đoàn Thư ký kỳ họp chuẩn bị dự kiến danh sách những người có trách nhiệm trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội; theo dõi, tổng hợp và đôn đốc việc thực hiện lời hứa đối với chất vấn của đại biểu Quốc hội của người đứng đầu các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong khi trả lời chất vấn...

Trong những năm qua, Ban Công tác đại biểu đã tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Công tác tổ chức bộ máy, nhân sự: Ban đã phục vụ thành công các cuộc bầu cử đai biểu HĐND 2004 và bầu cử ĐBQH Khóa XII năm 2007 và cuộc bầu cử chung ĐBQH Khóa XIII, XIV và đại biểu HĐND các cấp năm 2011 và 2016; trong đó đã tham mưu, nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn cuộc bầu cử ĐBQH; chuẩn bị công tác nhân sự ĐBQH chuyên trách; phân bổ, điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH; tổ chức các đoàn giám sát công tác chuẩn bị bầu cử; hướng dẫn hoạt động bầu cử; xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan tới ĐBQH, v v….
- Tham mưu, phục vụ UBTVQH trong theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của ĐBQH chuyên trách; phục vụ hoạt động chất vấn….. 
- Ban Công tác đại biểu phối hợp cùng với VPQH đã đề xuất UBTVQH ban hành nhiều văn bản về chế độ, chính sách, thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện cho ĐBQH hoạt động. Thực hiện công tác bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho ĐBQH, đại biểu Hội đồng nhân dân; đã xây dựng các chủ đề, chương trình bồi dưỡng sát thực, bổ ích dành cho các đại biểu dân cử, thu hút sự tham gia của đại biểu; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan tới hoạt động dân cử thông qua việc xuất bản các ấn phẩm, cập nhật thông tin trên website của Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, đào tạo từ xa. 
- Ban luôn chủ động tham mưu, phục vụ UBTVQH ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động HĐND; đã tham mưu, phục vụ UBTVQH phối hợp với Chính phủ tổ chức nhiều Hội nghị toàn quốc về HĐND và Ủy ban nhân dân. 
 Ngoài ra, Ban còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
 Có thể nói rằng, Ban công tác đại biểu có vai trò to lớn trong việc tham mưu, phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu, tổ chức bộ máy và nhân sự thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đây là những việc làm cần thiết, không thể thiếu được trong hoạt động tham mưu, phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục tổng kết, đánh giá hoạt động của Ban để có những sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn và tiếp tục kiện toàn tổ chức Ban công tác đại biểu để thực hiện tốt vai trò tham mưu, giúp việc Ủy ban thường vụ Quốc hội.      

(Còn tiếp)

Cập nhật : 14:44 - 27/08/2020
In trang này Click here to Print it!