HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 3 – SỐ 2

Câu hỏi: Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 105 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã giúp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã.
Trong kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã là người điều hành phiên họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân có thể phân công Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã điều hành một hoặc một số nội dung. 
Như vậy, có thể thấy Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã đều là đại biểu Hội đồng nhân dân, do Hội đồng nhân dân bầu song Chủ tịch Hội đồng nhân dân có thẩm quyền phân công cho Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân giúp mình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Việc quy định này cũng thể hiện vai trò chủ động của Chủ tịch Hội đồng nhân dân song đòi hỏi Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân phải nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình sau khi được phân công, tránh vượt quyền hoặc né tránh trách nhiệm.

Câu hỏi: Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã họp khi nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 106 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân là hình thức hoạt động chủ yếu của Thường trực Hội đồng nhân dân. Tại phiên họp, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã họp thường kỳ mỗi tháng một lần. Khi xét thấy cần thiết, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã có thể họp đột xuất theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã tham dự.
Thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp, nếu vì lý do đặc biệt không thể tham gia thì phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.

Câu hỏi: Người nào là chủ tọa phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã?
Trả lời: 
Theo khoản 3 Điều 106 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định thời gian, chương trình, chỉ đạo việc chuẩn bị và chủ tọa phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã; nếu Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã vắng mặt thì một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã được Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã ủy quyền chủ tọa phiên họp.

Câu hỏi: Thành phần được mời dự phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã là ai?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 106 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, đại diện Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp được mời tham dự phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan có thể được mời tham dự phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã khi bàn về vấn đề có liên quan.

Câu hỏi: Việc chuẩn bị nội dung phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo Khoản 7 Điều 106 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, việc chuẩn bị nội dung phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã được quy định như sau:
Ủy ban nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm chuẩn bị các dự án, đề án, báo cáo thuộc nội dung chương trình phiên họp theo sự phân công của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc theo nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.
Hội đồng nhân dân cấp xã chỉ có Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, không có văn phòng giúp việc như Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, do đó, Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến chương trình, nội dung phiên họp Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân trực tiếp chỉ đạo hoặc phối hợp với Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân chuẩn bị nội dung. 

Câu hỏi: Tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã có gì khác với tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 107 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình tiếp công dân; xây dựng các quy định, thủ tục về tiếp công dân bảo đảm đúng pháp luật và phù hợp với tình hình của địa phương; sắp xếp lịch tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; bố trí công chức có đủ trình độ, năng lực và am hiểu về pháp luật để làm nhiệm vụ tiếp công dân; tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tiếp công dân tại nơi tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã phải có lịch tiếp công dân. Tùy theo yêu cầu của công việc, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã bố trí số lần tiếp công dân trong tháng. Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã có thể ủy nhiệm cho Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã hoặc Ủy viên của Thường trực Hội đồng nhân dân tiếp công dân, nhưng ít nhất mỗi quý Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã phải bố trí thời gian 01 ngày để trực tiếp tiếp công dân.
Từ quy định trên, có thể thấy việc tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã có điểm khác với tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân là:
- Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã tiếp công dân với tư cách là cơ quan của Hội đồng nhân dân, vì vậy người đại diện cho Thường trực Hội đồng nhân dân tiếp công dân có thể là Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã hoặc Ủy viên thường thực Hội đồng nhân dân cấp xã. 
- Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tiếp công dân để thực hiện nhiệm vụ của chính đại biểu đó, vì vậy không thể ủy nhiệm cho người khác.

Tham khảo:
1. Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.
2. Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019.

Cập nhật : 14:19 - 27/08/2020
In trang này Click here to Print it!