HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 2 – SỐ 4

Câu hỏi: Theo quy định của pháp luật, có những điều kiện đảm gì đảm bảo cho hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân là gì?
Trả lời:
Theo Điều 103 của Luật tổ chức chính quyền địa phương, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như sau:
- Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách được bố trí nơi làm việc, được trả lương, phụ cấp và hưởng các chế độ để hỗ trợ cho hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Thời gian làm việc trong năm mà đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu được tính vào thời gian làm việc của đại biểu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mà đại biểu làm việc và được bảo đảm trả lương, phụ cấp, các chế độ khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị đó đài thọ. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu làm việc có trách nhiệm sắp xếp công việc, tạo điều kiện cần thiết cho đại biểu Hội đồng nhân dân làm nhiệm vụ.
- Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tạo điều kiện để đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, nguyện vọng và kiến nghị của Nhân dân với Hội đồng nhân dân.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân được cấp hoạt động phí hằng tháng, hiện nay mức hoạt động phí của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội là 0.3 lần mức lương cơ sở; và được hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động đại biểu.
- Chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân do Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể. 

Câu hỏi: Chế độ và các điều kiện đảm bảo cụ thể của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được quy định như thế nào?
Trả lời:
Ngày 13/5/2016, tại Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó:
- Về tiền lương
+ Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách là cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước thuộc đối tượng áp dụng của Luật Cán bộ, công chức 2008 được trả lương, phụ cấp và các chế độ khác từ ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội và quy định khác của pháp luật;
+ Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách đang làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu được bảo đảm trả lương, phụ cấp, các chế độ khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 103 của Luật tổ chức chính quyền địa phương;
+ Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách mà không phải là người hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu) hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ bảo hiểm xã hội thì được chi trả chế độ tiền công lao động theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: 0,10 mức lương cơ sở/ngày. Ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân là ngày tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân theo kế hoạch, chương trình hoạt động của Hội đồng nhân dân.
- Về hoạt động phí
Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã (bao gồm cả đại biểu hoạt động chuyên trách và hoạt động không chuyên trách) được hưởng hoạt động phí hàng tháng theo hệ số 0,3 mức lương cơ sở.
- Các chế độ, chính sách khác
+ Đại biểu Hội đồng nhân dân được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;
+ Đại biểu Hội đồng nhân dân nếu từ trần mà người lo mai táng không đủ Điều kiện hưởng trợ cấp mai táng từ Quỹ bảo hiểm xã hội hoặc không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp mai táng từ ngân sách nhà nước thì được hưởng một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở do Hội đồng nhân dân cấp đó chi trả từ ngân sách nhà nước;
+ Đại biểu Hội đồng nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. 
- Các Điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu hội đồng nhân dân bao gồm:
+ Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách được bảo đảm chỗ làm việc, trang thiết bị văn phòng đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước theo quy định của Chính phủ.
+ Đại biểu Hội đồng nhân dân được cung cấp báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp và các tài liệu khác liên quan đến hoạt động của Hội đồng nhân dân. Việc cung cấp báo chí và thông tin cần thiết khác cho đại biểu Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
+ Đại biểu Hội đồng nhân dân được cấp kinh phí hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát; hỗ trợ công tác phí; khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ; may lễ phục; nghiên cứu; học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đại biểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Câu hỏi: Hội đồng nhân dân cấp xã có thành lập Tổ đại biểu hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 4 Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân 2005, ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 2/4/2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 4 các điều: 18, 25, 39, 46 và 53 của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, trong cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân; trong cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp xã không có Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã, nếu thấy cần thiết thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã có thể chia đại biểu Hội đồng nhân dân thành các Tổ để họp thảo luận về các vấn đề tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã. Tổ đại biểu này không có nhiệm vụ, quyền hạn như Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

Tham khảo:
1. Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.
2. Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
3. Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Cập nhật : 14:16 - 27/08/2020
In trang này Click here to Print it!