HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 2 – SỐ 3

Câu hỏi: Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 98 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
Yêu cầu của đại biểu có thể bằng lời nói trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi tới cơ quan, tổ chức hữu quan. 
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ quan, tổ chức phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho đại biểu Hội đồng nhân dân biết. Quá thời hạn này mà cơ quan, tổ chức không trả lời thì đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên xem xét, giải quyết.

Câu hỏi: Quyền của đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: 
Theo quy định tại Điều 99 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Nội dung thông tin, tài liệu phải gắn với nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, gắn với nội dung hoạt động của Hội đồng nhân dân. Đại biểu không thể sử dụng quyền này để yêu cầu các cơ quan cung cấp mọi thông tin, tài liệu không liên quan đến hoạt động của mình. 
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi: Quyền miễn trừ của đại biểu là gì, được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Quyền miễn trừ của đại biểu Hội đồng nhân dân là quyền đặc biệt được dành riêng cho đại biểu trong những trường hợp đặc biệt nhằm bảo vệ quyền bất khả xâm phạm của đại biểu. 
Theo Điều 100 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, quyền miễn trừ của đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như sau:
1. Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Hội đồng nhân dân, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Hội đồng nhân dân nếu không có sự đồng ý của Hội đồng nhân dân hoặc trong thời gian Hội đồng nhân dân không họp, không có sự đồng ý của Thường trực Hội đồng nhân dân.
2. Trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.

Câu hỏi: Trường hợp nào thì không còn là đại biểu Hội đồng nhân dân?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 101 và khoản 1 Điều 102 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 và khoản 28 Điều 2 Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các trường hợp không còn là đại biểu Hội đồng nhân dân gồm:
- Đại biểu Hội đồng nhân dân xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu khi có một trong hai lý do sau: Trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Hội đồng nhân dân không còn công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu và không cư trú tại đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu thì phải xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu. Quy định này nhằm đảm bảo đại biểu gắn bó chặt chẽ với nhân dân, đại diện cho nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Trường hợp đại biểu công tác tại Phường nhưng chuyển nơi ở sang phường khác hoặc đại biểu vẫn sinh sống ở Phường, xã, thị trấn nhưng được điều về công tác ở cơ quan huyện thì vẫn có thể làm nhiệm vụ đại biểu; Đại biểu Hội đồng nhân dân có thể đề nghị thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác.
Việc chấp nhận đại biểu Hội đồng nhân dân thôi làm nhiệm vụ đại biểu do Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Hội đồng nhân dân kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân bị Hội đồng nhân dân hoặc cử tri bãi nhiệm. Trường hợp bị Hội đồng nhân dân bãi nhiệm thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành việc bãi nhiệm. Trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

Câu hỏi: Trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã bị khởi tố bị can thì có còn là đại biểu Hội đồng nhân dân không?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 101 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định, trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân bị khởi tố bị can thì Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Hội đồng nhân dân đó.
Đại biểu Hội đồng nhân dân được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.
Như vậy, khi đại biểu bị khởi tố bị can thì việc mất quyền đại biểu chỉ là tạm thời. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã ra quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và thông báo cho Mặt trận tổ quốc cấp xã, đại biểu Hội đồng nhân dân trong xã, phường, thị trấn và cử tri nơi bầu ra đại biểu để biết. 

Tham khảo:
1. Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.
2. Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Cập nhật : 14:14 - 27/08/2020
In trang này Click here to Print it!