HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 2 – SỐ 2

Câu hỏi: Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền gì?
Trả lời:
Theo quy định tại các điều: Điều 96, 97, 98, 99, 100 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, đại biểu Hội đồng nhân dân có các quyền sau đây: 
- Quyền chất vấn; 
- Quyền kiến nghị; 
- Quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật; 
- Quyền trong việc yêu cầu cung cấp thông tin; 
- Quyền miễn trừ
Trong số các quyền trên của đại biểu Hội đồng nhân dân thì các quyền chất vấn, kiến nghị, quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, quyền trong việc yêu cầu cung cấp thông tin là thường nhằm hướng tới đảm bảo quyền lợi chính đáng của cử tri và cộng đồng, chỉ có quyền miễn trừ là quyền dành riêng cho đại biểu.

Câu hỏi: Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có quyền chất vấn ai?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 96 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn.
Như vậy, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Ủy viên Ủy ban nhân dân xã. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn.

Câu hỏi: Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện quyền chất vấn trong thời gian nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 và 3  Điều 96 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện quyền chất vấn trong thời gian Hội đồng nhân dân cấp xã họp và trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã, cụ thể như sau:
- Trong thời gian Hội đồng nhân dân xã họp, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã gửi chất vấn đến Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã để chuyển tới người bị chất vấn. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đó. Trong trường hợp cần điều tra, xác minh thì Hội đồng nhân dân có thể quyết định cho trả lời tại kỳ họp sau của Hội đồng nhân dân hoặc cho trả lời bằng văn bản gửi đến đại biểu đã chất vấn và Thường trực Hội đồng nhân dân.
- Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã để chuyển đến người bị chất vấn và quyết định thời hạn trả lời chất vấn.
Tùy tình hình thực tế ở địa phương, Hội đồng nhân dân cấp xã có thể phát mẫu Giấy ghi chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân để cho thống nhất hoặc đại biểu tự viết chất vấn và gửi Thường trực Hội đồng nhân dân. Một mẫu Giấy ghi chất vấn cơ bản gồm các nội dung:

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN                                                 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
XÃ ………………..                                                                    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
KHÓA ………….
KỲ HỌP THỨ….
(Nếu ngoài kỳ họp thì không ghi kỳ họp nào)                             ...(địa danh), ngày … tháng … năm …

GIẤY CHẤT VẤN

Họ và tên đại biểu:……………………….
Điện thoại liên lạc: ……………………. (Trường hợp người bị chất vấn cần trao đổi cho rõ thêm nội dung chất vấn thì có thể liên hệ trực tiếp với đại biểu)
Chất vấn: …………..(họ tên và chức vụ người bị chất vấn) ……………
Nội dung chất vấn: ………………………………………………………………………………………………
Đại biểu ký và ghi rõ họ tên


Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã cần lưu ý giữa câu hỏi chất vấn và câu hỏi để biết thông tin. Đặt câu hỏi sao cho ngắn gọn, đi vào trọng tâm nhằm làm sáng tỏ trách nhiệm cụ thể của người có thẩm quyền giải quyết. Thông qua kết quả của việc chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri có thể đánh giá về thái độ, trách nhiệm và khả năng của người chất vấn và người được chất vấn trước những vấn đề mà mình quan tâm hoặc đang được dư luận trong xã, phường, thị trấn kỳ vọng. Tuy nhiên, trong thực tế, do thời gian bố trí cho hoạt động chất vấn tại mỗi kỳ họp có hạn nên việc trao đổi, tranh luận giữa đại biểu đã gửi chất vấn với người được chất vấn còn hạn chế, việc đưa ra câu trả lời giải đáp được mong mỏi của đại biểu và cử tri là không đơn giản. 

Câu hỏi: Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị nội dung gì, cách thức thực hiện quyền kiến nghị được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 97 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị một số nội dung và cách thức thực hiện quyền kiến nghị như sau:
1. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu, tổ chức phiên họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, phiên họp kín của Hội đồng nhân dân và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu thấy cần thiết.
2. Kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân được gửi bằng văn bản đến Thường trực Hội đồng nhân dân, trong đó nêu rõ lý do, nội dung kiến nghị. 
Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tổng hợp, xử lý các kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân theo thẩm quyền và báo cáo Hội đồng nhân dân khi có từ một phần ba tổng số đại biểu có kiến nghị hoặc trong trường hợp khác mà Thường trực Hội đồng nhân dân xét thấy cần thiết. 
3. Trường hợp có từ một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên kiến nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với một người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu, kiến nghị Hội đồng nhân dân họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất hoặc họp kín thì Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo để Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.
Thường trực Hội đồng nhân dân tính số kiến nghị của đại biểu trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp này đến trước ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo hoặc đến trước ngày tiến hành phiên họp Hội đồng nhân dân về nội dung có liên quan trong trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân kiến nghị Hội đồng nhân dân tổ chức phiên họp kín.  
4. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.  

Tham khảo:
1. Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.
2. Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Cập nhật : 14:12 - 27/08/2020
In trang này Click here to Print it!