HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 1 – SỐ 4

Câu hỏi: Nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn là gì? Có khác nhau hay không và khác nhau ở những nhiệm vụ nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 36, Điều 64 và Điều 71 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giống nhau ở các nội dung sau:
1. Lãnh đạo và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân, các thành viên Ủy ban nhân dân;
2. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã/ phường/ thị trấn; thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân; thực hiện các biện pháp quản lý dân cư trên địa bàn xã/ phường/ thị trấn theo quy định của pháp luật;
3. Quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao theo quy định của pháp luật;
4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân theo quy định của pháp luật;
5. Ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
6. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã/ phường/ thị trấn theo quy định của pháp luật;
7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền.
Ngoài những điểm giống nhau như trên, so với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn có thêm hai nhiệm vụ, quyền hạn là:
1. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng, giao thông, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị trên địa bàn phường, thị trấn.
2. Quản lý dân cư trên địa bàn phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
Đây là 2 nhiệm vụ đặc thù của chính quyền đô thị mà ở xã không có.

Câu hỏi: Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là bao nhiêu năm và được tính như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 10 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được tính như sau:
1. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng nhân dân là 05 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau. Như vậy, đại biểu Hội đồng nhân dân sau khi được bầu, dù được Ủy ban bầu cử công nhận là đại biểu thì vẫn chưa thực hiện nhiệm vụ, chỉ đến khi bắt đầu kỳ họp thứ nhất thì đại biểu mới chính thức thực hiện nhiệm vụ đại biểu.
 Chậm nhất là 45 ngày trước khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân khóa mới phải được bầu xong. Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân 2004-2009, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội ra nghị quyết kéo dài nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân 2 năm là 2004-2011.
2. Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân là cơ sở để tính nhiệm kỳ của các chủ thể khác, cụ thể là nhiệm kỳ đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu bổ sung bắt đầu làm nhiệm vụ đại biểu từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp sau cuộc bầu cử bổ sung đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính liên tục của hoạt động quản lý hành chính nhà nước, mặc dù khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ (tiến hành kỳ họp thứ nhất) thì Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới bầu ra Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân khóa mới.

Tham khảo:
1. Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.
2. Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Cập nhật : 14:05 - 27/08/2020
In trang này Click here to Print it!