HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 1 – SỐ 2

Câu hỏi: Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn có giống nhau không?
Trả lời:
Việc xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân xã và thị trấn theo cùng một nguyên tắc, khác với việc xác định đại biểu Hội đồng nhân dân phường. Sự khác nhau này bắt nguồn từ dân số của đơn vị hành chính phường thường cao do cư dân sống tập trung. Tuy có sự khác nhau về nguyên tắc tính số đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng theo Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân tối đa của cả đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn đều là 30 đại biểu. Như vậy, số đại biểu tối đa thay vì là 35 đại biểu như Luật quy định trước đây đã giảm 5 đại biểu xuống còn 30 đại biểu. 

Câu hỏi: Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn được tính theo nguyên tắc nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 32 và Điều 67 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn được tính theo nguyên tắc dân số, đặc điểm địa phương do có dân số thấp (miền núi, vùng cao và hải đảo), quy định số đại biểu Hội đồng nhân dân tối thiểu và tối đa, cụ thể như sau:
- Xã/ thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo:
+ Có từ hai nghìn dân trở xuống được bầu mười lăm đại biểu;
+ Có trên hai nghìn dân đến dưới ba nghìn dân được bầu mười chín đại biểu;
+ Có từ ba nghìn dân đến bốn nghìn dân được bầu hai mươi mốt đại biểu; 
+ Có trên bốn nghìn dân thì cứ thêm một nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu;
- Xã/ thị trấn không phải ở miền núi, vùng cao, hải đảo:
+ Có từ năm nghìn dân trở xuống được bầu hai mươi lăm đại biểu; 
+ Có trên năm nghìn dân thì cứ thêm hai nghìn năm trăm dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu.
Như vậy, đối với xã, thị trấn ở miền núi, vùng cao và hải đảo, dân cư thưa thớt, số dân trên địa bàn ít, thì vẫn phải đảm bảo số đại biểu Hội đồng nhân dân tối thiểu là 15 đại biểu, có như vậy mới đảm bảo tính đại diện của Hội đồng nhân dân.
Về nguyên tắc tính số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân phường, theo quy định tại Điều 60 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân phường được thực hiện theo nguyên tắc dân số, quy định số đại biểu Hội đồng nhân dân tối thiểu và tối đa, cụ thể là:
- Phường có từ mười nghìn dân trở xuống được bầu hai mươi mốt đại biểu;
- Phường có trên mười nghìn dân thì cứ thêm năm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu.

Câu hỏi: Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn có điểm gì giống và khác nhau?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 33, Điều 61 và Điều 68 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn giống nhau ở 7 nội dung sau:
1. Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã/phường/ thị trấn.
2. Công tác nhân sự bộ máy chính quyền cấp xã: Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân xã/phường/ thị trấn; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Ủy viên Ủy ban nhân dân xã/phường/ thị trấn.
3. Về ngân sách: Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của xã/phường/thj trấn trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện/quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn xã/phường/thị trấn; dự toán thu, chi ngân sách xã/phường/thị trấn; điều chỉnh dự toán ngân sách xã/phường/thị trấn trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách xã/phường/thị trấn. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của xã trong phạm vi được phân quyền, chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn phường/thị trấn theo quy định của pháp luật.
4. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã/phường/ thị trấn; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
5. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân xã/phường/ thị trấn bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp xã:
- Lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Hội đồng nhân dân cấp xã bầu, đó là: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Ủy viên Ủy ban nhân dân.
Như vậy, so với những người được Hội đồng nhân dân cấp xã lấy phiếu tín nhiệm, những người được Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm có thêm 01 chức danh là Phó trưởng ban của Hội đồng nhân dân.
 6. Về đại biểu Hội đồng nhân dân: Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân xã/phường/ thị trấn và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân xã/phường/ thị trấn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
7. Giám sát văn bản quy phạm pháp luật: Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã/phường/ thị trấn.
Bên cạnh những điểm giống nhau về cơ bản như trên, riêng Hội đồng nhân dân xã có thêm nhiệm vụ, quyền hạn: Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn xã.

Tham khảo:
1. Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.
2. Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Cập nhật : 13:53 - 27/08/2020
In trang này Click here to Print it!