HỎI – ĐÁP DÀNH CHO ĐẠI BIỂU DÂN CỬ THÁNG 1 – SỐ 1

Câu hỏi: Chính quyền địa phương cấp xã, phường, thị trấn được tổ chức như thế nào?
Trả lời:
Chính quyền địa phương được hiểu là chính quyền được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước ta, gồm có: chính quyền địa phương ở nông thôn và chính quyền địa phương ở đô thị. Chính quyền địa phương ở xã là một bộ phận của chính quyền địa phương ở nông thôn; chính quyền địa phương ở phường, thị trấn một bộ phận của chính quyền địa phương ở đô thị.
Theo quy định tại các điều: 30, 58 và 65 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, chính quyền địa phương ở xã, phường, thị trấn là cấp chính quyền cơ sở gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp huyện. 
Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn do Hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn bầu ra, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn và cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện.

Câu hỏi: Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở xã, phường, thị trấn được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 31, Điều 59 và Điều 66 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở xã, phường, thị trấn gồm có 5 nội dung sau:
1. Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn xã/phường/ thị trấn.
2. Quyết định những vấn đề của xã/ phường/ thị trấn trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền.
4. Chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương cấp huyện về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở xã/ phường/ thị trấn.
5. Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn xã/ phường/ thị trấn.
Đây là những quy định chung nhất, có tính khái quát, trên cơ sở đó, Luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đối với đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn có sự khác biệt về đặc điểm nông thôn, đô thị. 

Câu hỏi: Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn gồm những cơ quan nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 32, Điều 60 và Điều 67 của Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 và Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân xã/ phường/ thị trấn là giống nhau và gồm những cơ quan sau:
- Thường trực Hội đồng nhân dân gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
- Hội đồng nhân dân thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - xã hội. Ban của Hội đồng nhân dân gồm có Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân quyết định. Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân hoạt động kiêm nhiệm.
Luật tổ chức và hoạt động Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 chỉ quy định: Thường trực Hội đồng nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và không quy định Hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn được thành lập ban. Như vậy, Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 đã quy định rõ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã hoạt động chuyên trách và Hội đồng nhân dân cấp xã được thành lập 2 ban nhằm tăng tính chuyên nghiệp, chuyên sâu góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Mặc dù cơ cấu của Hội đồng nhân dân có thêm 2 ban nhưng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách không tăng, khác với cấp tỉnh và cấp huyện Luật quy định phải có đại biểu chuyên trách của Ban.

Tham khảo:
1. Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.
2. Luật số 47/2019/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Cập nhật : 13:44 - 27/08/2020
In trang này Click here to Print it!