QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CÁC CƠ QUAN THUỘC ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI (PHẦN 1)

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì Quốc hội nước ta có một vị trí, vai trò rất quan trọng trong bộ máy nhà nước. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan có quyền lập Hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Quốc hội đã thành lập Ủy ban thường vụ Quốc hội là Cơ quan thường trực của Quốc hội. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội không ngừng được tăng cường, mở rộng trong công tác lập pháp, giám sát và quyết  định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Để tham mưu cho Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ngoài bộ máy tham mưu, giúp việc chung là Văn phòng Quốc hội  thì Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thành lập Ban công tác đại biểu, Ban công tác dân nguyện, Ban công tác lập pháp, Viện nghiên cứu lập pháp. Trong những năm qua các cơ quan này đã tham mưu, phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội nói riêng và Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội nói chung trong việc thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Số lượng các luật, nghị quyết, pháp lệnh được ban hành ngày càng nhiều, chất lượng được nâng lên; hoạt động giám sát việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật cũng được đẩy mạnh và tăng cường; nhiều quyết định quan trọng của Quốc hội được ban hành góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Có thể nhận thấy trong những năm qua tổ chức của các cơ quan  tham mưu, phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội luôn được kiện toàn đổi mới, phương thức hoạt động không ngừng được cải tiến để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trong bài viết này chúng tôi nêu khái quát về cơ sở, quá trình thành lập các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đánh giá vai trò, sự cần thiết của các cơ quan này đối với hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

1. Về Ban dân nguyện      
1.1. Quá trình phát triển của Ban dân nguyện
 Từ năm 1992, sau khi được thành lập Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chú trọng đến công tác dân nguyện của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và giao cho một đồng chí ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội phụ trách công tác dân nguyện, (lúc đầu là Đông chí Phan Minh Tánh, sau đó là Đồng chí Nguyễn Hoài Thu). Tuy nhiên công tác dân nguyện ngày càng nhiều, liên quan đến nhiều lĩnh vực, một cá nhân không thể thực hiện hết được; hơn nữa trước yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã đặt ra nhiệm vụ đối với Ủy ban thường vụ Quốc hội cần thực hiện tốt hơn nữa công tác dân nguyện; giải quyết các vấn đề dân nguyện của nhân dân, đặc biệt là giải quyết và giám sát việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Vì vậy,  ngày 17 tháng 3 năm 2003 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số  370/2003/NQ-UBTVQH11 về thành lập Ban dân nguyện để phục vụ Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác dân nguyện. 
 Theo Nghị quyết này thì Ban dân nguyện là cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội, có trách nhiệm giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện. Ban dân nguyện gồm có Trưởng ban, các phó trưởng ban, do Vụ dân nguyện tham mưu, phục vụ.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số  370/2003/NQ-UBTVQH11, Ban dân nguyện đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đã tham mưu, giúp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý, đôn đốc và giám sát việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, v v …. Tuy nhiên, do yêu cầu thực tiễn đặt ra đòi hỏi Ban dân nguyện phải thực hiện nhiều công việc dân nguyện hơn nữa. Chính vì vậy, năm 2008, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số  695/2008/NQ-UBTVQH12 ngày 15/10/2008 về việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 để quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban dân nguyện.

1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban dân nguyện
Ngày 17/3/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện. Theo đó, Ban Dân nguyện có nhiệm vụ, quyền hạn như sau: 
- Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật về tiếp công dân.
- Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban dân nguyện để nghiên cứu; khi cần thiết, chuyển đơn, thư đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân. Tổng hợp, phân loại, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
- Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo tại kỳ họp Quốc hội.
- Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri để trình Quốc hội.
- Tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức và tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân để trình Quốc hội.
- Tổng hợp kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân về công tác dân nguyện.
- Thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật.
- Thực hiện nhiệm vụ khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. 
Kể từ ngày thành lập đến nay, Ban Dân nguyện đã tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; tiếp nhận, xử lý và chuyển cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và giám sát việc giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức các Đoàn giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo; giám sát việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể có liên quan ở các địa phương hoặc kiến nghị của cử tri về một số vấn đề; giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, định kỳ báo cáo Uỷ ban thường. Ban Dân nguyện cũng thường xuyên đi thực tế tại các địa phương, các địa bàn có điểm nóng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để phản ánh kịp thời tới Quốc hội. Ngoài ra, Ban dân nguyện còn thực hiện nhiều nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và cơ bản đã hòan thành tốt các nhiệm vụ được giao. 
Trong điều kiện ngày nay, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân nguyện, phải kịp thời giải quyết các công việc của dân, nhất là cần phải thực hiện tốt các quy định của Hiến pháp năm 2013:  Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết, v v .. . Hơn nữa, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, phải gần gữi với nhân dân, lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng, tiếp nhận và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân. 

(Còn tiếp)

Cập nhật : 10:52 - 27/08/2020
In trang này Click here to Print it!