II. GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1993 ĐẾN NAY
1. Giai đoạn từ năm 1993 đến trước khi Luật thi hành án dân sự 2008 được ban hành
Đây là giai đoạn công tác thi hành án dân sự được chuyển giao hoàn toàn từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ thông qua việc Quốc hội Khóa IX tại kỳ họp thứ nhất, ngày 06/10/1992 ban hành Nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ.
Trên cơ sở Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993, có hiệu lực kể từ ngày 17/4/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, các cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên. Theo quy định của Nghị định 30/CP, các cơ quan Thi hành án dân sự gồm có Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp; các Phòng Thi hành án cấp quân khu và tương đương. Ở Trung ương, Cục Quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có nhiệm vụ tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý tổ chức, chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự trong phạm vi toàn quốc.
Công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn này đã đạt được kết quả quan trọng, số việc và số tiền thi hành xong tăng cao so với những năm trước đây. Chính vì vậy, tại Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự đã ghi nhận: "Hệ thống tổ chức các cơ quan Thi hành án dân sự đã được hình thành trong cả nước, công tác thi hành án dân sự đã được triển khai và hoạt động có hiệu quả bước đầu, làm giảm đáng kể số lượng án tồn đọng".
* Đánh giá:
- Do phải ban hành trong điều kiện hết sức khẩn trương để thực hiện Nghị Quyết của Quốc hội về bàn giao công tác Thi hành án từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ ( chậm nhất đến ngày 30/06/1993) nên Pháp lệnh THADS năm 1993 chưa có điều kiện sửa, bổ sung nhiều nội dung quan trọng về trình tự, thủ tục THA dẫn đến tình trạng án tồn đọng tiếp tục kéo dài.
- Phân quyền trong Thi hành án cho Sở tư pháp, Phòng tư pháp còn quá nhiều, làm hạn chế tính chủ động và độc lập của cơ quan Thi hành án dân sự.
- Từ đó đặt ra đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu của tình hình mới
Ngày 14/01/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 với nhiều đổi mới quan trọng về thi hành án dân sự, trong đó có cả đổi mới về tổ chức, cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự và trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Trên cơ sở của Pháp lệnh này, ngày 11/4/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 50/2005/NĐ-CP về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự. Theo quy định của Nghị định số 50/NĐ-CP, Cục Thi hành án dân sự thay cho Cục Quản lý Thi hành án dân sự trước đây trực thuộc Bộ Tư pháp được giao thêm nhiều nhiệm vụ quan trọng như tổ chức áp dụng thống nhất pháp luật về thi hành án dân sự trong toàn quốc, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về thi hành án; giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý theo ngành dọc đối với cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện.
Các cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, từ chỗ là Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp trở thành hệ thống cơ quan tương đối độc lập. Thi hành án dân sự cấp tỉnh là cơ quan chịu sự quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp về tổ chức, cán bộ, kinh phí và nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về mặt nhà nước theo quy định của pháp luật. Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Thi hành án dân sự cấp tỉnh về kinh phí và nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện về mặt nhà nước theo quy định của pháp luật.
* Đánh giá chung về ưu điểm, hạn chế của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 và văn bản hướng dẫn thi hành
- Đã quy định nhiều cơ chế nhằm giảm án tồn đọng, như việc miễn giảm các khoản nộp Ngân sách nhà nước, đảm bảo tài chính trong Thi hành án, cho phép kê biên quyền sử dụng đất để thi hành án.
- Quy định rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác Thi hành án.
- Về mô hình tổ chức thi hành án dân sự :
Về kết quả:
+ Nâng cao một bước vị thế, vai trò của các cơ quan THADS
+ Các cơ quan tư pháp tiếp tục giúp UBND cùng cấp thực hiện công tác QLNN trong lĩnh vực THADS (mà không phải cơ quan THADS trực tiếp thực hiện), nhưng đã được điều chỉnh theo hướng giảm bớt quyền hạn của UBND các cấp.
+ CHV: được quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức do Bộ trưởng Bộ Tư pháp QĐ theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn (xét tuyển) CHV.
Về hạn chế:
+ Trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong THA chưa đầy đủ, cụ thể.
+ Cơ chế quản lý, mô hình tổ chức cơ quan THA mặc dù được nâng lên một bước, nhưng vẫn chưa rõ rang, quyền hạn của CHV chưa ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc được giao;
- Sở Tư pháp, UBND vẫn giữ vai trò khá quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về THADS (Thanh tra, cho ý kiến đv vụ việc phức tạp, phối hợp THA...).
- Chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa THADS với THA hình sự.
2. Giai đoạn từ năm 2008 đến nay
Ngày 14/11/2008, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Thi hành án dân sự năm 2008, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất từ trước tới nay. Ngày 09/9/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự. Theo đó, Hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự được xác định rõ hơn theo nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện. Theo quy định của Nghị định số 74/NĐ-CP, ở Trung ương, Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước và quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật; cấp tỉnh có Cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và cấp huyện có Chi cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Cục Thi hành án dân sự.
Theo quy định của Luật THADS 2008, việc bổ nhiệm CHV được thực hiện thông qua thi tuyển ( đây là chức danh tư pháp đầu tiên được bổ nhiệm thông qua thi tuyển ). CHV được chia làm 3 ngạch: là CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp.
Lần đầu tiên, Luật THADS đã dành riêng 1 chương ( 14 Điều ) để quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong THADS: Quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ, Bộ tư pháp, Bộ quốc phòng, đến các cơ quan phối hợp như: Bộ Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Tư lệnh Quân khu và tương đương, UBND các cấp, kho bạc Nhà nước, Ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, BHXH, cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm … trong THADS.
Đây là sự phát triển hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý Nhà nước về Thi hành án dân sự trong tình hình mới, khắc phục những bất cập trong mô hình tổ chức, tên gọi của cơ quan Thi hành án dân sự từ hơn 15 năm qua.
Ngày 30 tháng 10 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp. Theo đó, ngoài 7 đơn vị được thành lập theo Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, Tổng cục được thành lập thêm Vụ Quản lý Thi hành án hành chính (Vụ Nghiệp vụ 3), nâng tổng số đơn vị trực thuộc Tổng cục lên 8 đơn vị.
Ngày 25 tháng 11 năm 2014 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015. Ngày 20 tháng 7 năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác thi hành án dân sự, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới.