QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA HỆ THỐNG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ NHỮNG NHIỆM VỤ ĐẶT RA (PHẦN 1)


Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, công tác thi hành án dân sự được Chính quyền cách mạng đặc biệt quan tâm, các cơ quan Thi hành án dân sự đã từng bước khẳng định vị trí và vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hơn 70 năm qua, với biết bao thăng trầm và biến động, hệ thống Thi hành án dân sự đã từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách, có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

I. GIAI ĐOẠN TỪ SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM ĐẾN TRƯỚC NĂM 1993

1. Giai đoạn từ 1946 đến 1980
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trên cơ sở Sắc lệnh ngày 10-10-1945 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc tạm thời giữ các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung, Nam bộ cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn quốc, theo đó Chế định Thừa phát lại,một thiết chế tư pháp tồn tại trong chế độ cũ được tiếp tục duy trì nhằm phục vụ yêu cầu của Nhà nước cộng hòa non trẻ. Ngày 19/7/1946 Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Tại Điều 3 Sắc lệnh này quy định: “Trong các xã, thị xã hoặc khu phố, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký đều chịu trách nhiệm thi hành những lệnh, mệnh lệnh hoặc án của các Tòa án, bản án ấy sẽ tùy từng việc, chỉ định một nhân viên để giao cho việc thi hành lệnh, mệnh lệnh hoặc án, ở những nơi nào đã có Thừa phát lại riêng thì đương sự có quyền nhờ Thừa phát lại riêng thi hành mệnh lệnh”. Có thể nói, đây là văn bản của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án. 

Theo quy định tại các văn bản trên, từ năm 1946 đến năm 1950 hoạt động thi hành án dân sự do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã thực hiện. Việc thi hành án dân sự do Thừa phát lại hay Ban Tư pháp xã tiến hành đều thể hiện quyền lực nhà nước và được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. 

Từ năm 1950 đến năm 1960, công tác thi hành án dân sự có một sự thay đổi lớn về cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động, với việc ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL về “cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng”. Điều 19 của Sắc lệnh này quy định: “Thẩm phán huyện dưới sự kiểm soát của biện lý có nhiệm vụ đem chấp hành các án hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án hộ, mà chính Tòa án huyện hay Tòa án trên đã tuyên”. Theo quy định này, việc thi hành án dân sự do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã thực hiện trước đây được giao cho Thẩm phán huyện thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án. 

 Năm 1960, công tác thi hành án dân sự tiếp tục có thêm bước phát triển mới, trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, Điều 24 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 đã quy định: “Tại các Toà án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án, quyết định hình sự”. Ngày 14 tháng 11 năm 1974, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định thành lập Phòng chỉ đạo thi hành án trực thuộc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Là một Phòng hoạt động độc lập dưới sự chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nắm tình hình, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thi hành án của Chấp hành viên tại Tòa án nhân dân các cấp; xây dựng các văn bản chỉ đạo chung về thi hành án. 

Ngày 13/10/1972, Chánh án Tòa Án nhân dân tối cao đã ra quyết định số 186/TC về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên. Tên gọi “ Chấp hành viên” thay thế cho “nhân viên chấp hành án” và tồn tại cho đến ngày nay.

Có thể nói đặc trưng của giai đoạn này là khẳng định trách nhiệm chủ động của Nhà nước đối với việc thi hành các bản án quyết định của Tòa án, thể hiện tính chất “bao cấp” của Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án.

2. Giai đoạn từ 1981 đến 1993
Hiến pháp năm 1980 lần đầu tiên đã ghi nhận thành nguyên tắc hiến định về giá trị thi hành của các bản án, quyết định: “Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm túc chấp hành” (Điều 137). Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng giúp các cơ quan Thi hành án dân sự có những chuyển biến quan trọng trong lịch sử phát triển của mình trong giai đoạn 1981-1989.

Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1981 đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Chánh án Toà án nhân dân tối cao quản lý Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức. Nghị định số 143-HĐBT ngày 22 tháng 11 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp quy định Bộ Tư pháp có chức năng quản lý Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức và trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy chế chấp hành án. Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ quản lý Toà án địa phương, trong đó có công tác thi hành án dân sự. Ngày 01 tháng 01 năm 1982, Toà án nhân dân tối cao đã bàn giao nhiệm vụ này sang Bộ Tư pháp. 

Ngày 18 tháng 7 năm 1982, Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân Tối cao đã ký Thông tư liên ngành số 472 về công tác quản lý thi hành án trong thời kỳ trước mắt, trong đó quy định: Tại các Toà án nhân dân cấp tỉnh có Phòng Thi hành án nằm trong cơ cấu bộ máy và biên chế của Toà án để giúp Chánh án chỉ đạo công tác thi hành án; tại các Toà án cấp huyện có Chấp hành viên hoặc cán bộ làm công tác thi hành án dưới sự chỉ đạo của Chánh án. 

Ngày 28 tháng 8 năm 1989, Pháp lệnh Thi hành án dân sự đầu tiên được ban hành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó, Quy chế Chấp hành viên đã được ban hành kèm theo Nghị định số 68/HĐBT ngày 06 tháng 3 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng. Theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 và Quy chế Chấp hành viên thì chỉ có Chấp hành viên là người được nhà nước giao trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định của Tòa án (trước đây việc thi hành án ngoài Chấp hành viên còn có thể do cán bộ thi hành án thực hiện). Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân địa phương. Chấp hành viên được bổ nhiệm ở các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện.

Với việc ban hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989, cơ chế thi hành án đã có bước thay đổi căn bản. Theo Pháp lệnh này, cơ chế kết hợp quyền tự định đoạt của đương sự với sự chủ động của Cơ quan thi hành án và Chấp hành viên đã tạo ra sự phát triển mới trong công tác thi hành án dân sự. Quyền tự định đoạt của đương sự, một trong những nguyên tắc đặc trưng của tố tụng dân sự, trước đây mới chỉ được áp dụng trong giai đoạn xét xử, thì nay đã được vận dụng trong giai đoạn thi hành án dân sự. 

Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Nhà nước ta nói chung và lĩnh vực thi hành án dân sự nói riêng, tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và hoạt động thi hành án trong giai đoạn này.    

Cùng với sự đổi mới của cơ chế thi hành án, đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án cũng không ngừng được củng cố và tăng cường. Từ chỗ Thẩm phán vừa làm nhiệm vụ xét xử, vừa tổ chức thực hiện nhiệm vụ thi hành án, đội ngũ cán bộ thi hành án đã được chuyên môn hóa, có chức danh, tiêu chuẩn riêng và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc thực hiện các phán quyết của Tòa án.

Nhìn chung, trong giai đoạn này, tổ chức và hoạt động thi hành án vẫn còn là một quy trình khép kín trong tòa án và phụ thuộc vào sự chỉ đạo của Chánh án tòa án nhân dân địa phương. Vai trò của Tòa án nhân dân tối cao (và sau này là Bộ Tư pháp trong những năm 1981-1992) trong việc quản lý tòa án địa phương mới dừng lại ở vai trò quản lý chung, còn thực chất việc quản lý đội ngũ cán bộ tòa án cũng như việc xây dựng, đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động xét xử, thi hành án chủ yếu do chính quyền địa phương đảm nhiệm. Trong nhiều năm, do trọng tâm của Tòa án là xét xử nên trong một thời gian dài tổ chức và hoạt động thi hành án chưa được quan tâm đầy đủ. Với những khó khăn, bất cập như vậy, công tác thi hành án dân sự đứng trước một nhu cầu tất yếu là phải đổi mới một cách căn bản cả về tổ chức lẫn thể chế để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

(CÒN TIẾP)

Cập nhật : 16:35 - 03/01/2020
In trang này Click here to Print it!