CPTPP và những tác động trực tiếp đối với Việt Nam (Phần 2)


3. Tác động đối với ngành sản xuất trong nước
Nhìn chung, các ngành sản xuất nội địa của Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ hàng hóa, dịch vụ từ nước ngoài, từ nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh tại Việt Nam. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ khiến những doanh nghiệp, hộ kinh doanh có công nghệ sản xuất lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm tiêu chuẩn, không tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ, về lao động gặp khó khăn, thậm chí lâm vào phá sản. Về từng ngành cụ thể:
3.1. Trong ngành nông nghiệp
Theo mặt hàng, ngành nông nghiệp của nước ta sẽ đối mặt với sức ép cạnh tranh. Các mặt hàng thịt lợn, thịt gà là sản phẩm thế mạnh của các nước thành viên CPTPP, tuy nhiên Việt Nam vẫn bảo lưu được lộ trình thực hiện dài. Đường, muối, trứng gia cầm, lá thuốc lá vẫn có lộ trình thực hiện. Sữa và thịt bò vốn đã mở cửa với thị trường Australia và New Zealand theo Hiệp định thương mại tự do năm 2009 giữa ASEAN với 2 nước này, nay tiếp tục được mở rộng ra các thành viên khác của CPTPP. Sản phẩm sữa, đậu tương, ngô, nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc tuy gặp khó khăn nhưng từ nhiều năm nay nước ta đã phải nhập khẩu với số lượng lớn.

3.2. Trong ngành công nghiệp
Các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam là giấy, thép và ô tô cũng gặp sức ép cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, nhìn chung mức độ cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam là thấp hơn nhiều so với mức các nước cam kết mở cửa cho Việt Nam .
Một vấn đề cần được quan tâm trong thương mại hàng hóa là quy tắc xuất xứ. Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam chỉ được hưởng các ưu đãi theo CPTPP nếu như đáp ứng 1 trong 3 quy tắc về xác định xuất xứ. Cụ thể, như một ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam là sản phẩm dệt may, hiện nước ta còn nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ các nước không phải là thành viên của CPTPP hoặc có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước không phải là thành viên của CPTPP. Nếu không đáp ứng đủ các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc "từ sợi trở đi" (yarn-forward) thì không được hưởng ưu đãi. Trường hợp nước nhập khẩu cho rằng việc gian lận thương mại gây thiệt hại nghiêm trọng còn có thể dẫn tới việc áp dụng các biện pháp tự vệ, đánh thuế lên toàn bộ sản phẩm của một ngành hàng. 

3.3. Trong ngành dịch vụ và đầu tư
Trong lĩnh vực dịch vụ - đầu tư, CPTPP yêu cầu nghĩa vụ chính là không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên với nhau và giữa nhà đầu tư - cung cấp dịch vụ trong nước với nhà đầu tư - cung cấp dịch vụ nước ngoài. Các lĩnh vực nhạy cảm nhất như đầu tư hạ tầng viễn thông, đầu tư vào báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, truyền tải và phân phối điện, điện nguyên tử, khai khoáng, phân phối dược phẩm, xăng dầu… đều được bảo lưu hoặc sử dụng cơ chế cấp phép chặt chẽ.

Đối với dịch vụ tài chính, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường một số nội dung mới bao gồm cung cấp dịch vụ tài chính mới và dịch vụ thanh toán điện tử cho các giao dịch bằng thẻ nhưng tiếp tục duy trì quyền cấp phép của cơ quan quản lý tài chính. Đối với dịch vụ phân phối, sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài mở thêm điểm bán lẻ, nhưng tiếp tục bảo lưu không cho phép tham gia phân phối xăng dầu, dược phẩm và sản phẩm ghi hình. Đối với lĩnh vực thông tin và thông tin trên mạng, Việt Nam bảo lưu toàn bộ các biện pháp quản lý, trong đó có việc không cho phép nước ngoài đầu tư vào báo chí, thông tấn, xuất bản, phát thanh và truyền hình. Khi cung cấp các dịch vụ này qua biên giới, các công ty nước ngoài phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện về cấp phép và quy định pháp luật liên quan của Việt Nam. Đây cũng là một trong những cơ sở để Quốc hội nước ta ban hành Luật An ninh mạng vừa qua.

Về vấn đề nhà đầu tư khởi kiện Nhà nước, CPTPP đã tạm hoãn thực hiện nhóm nghĩa vụ này, thu hẹp phạm vi áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư (ISDS). Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài không được khởi kiện Chính phủ nước sở tại trong trường hợp có tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các cam kết hay nghĩa vụ của hợp đồng đầu tư (như hợp đồng PPP), giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nhà đầu tư vẫn có quyền khởi kiện các cơ quan nhà nước trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ của Hiệp định như trưng thu, tước quyền sở hữu, đối xử công bằng, thỏa đáng.

Các ngành dịch vụ có mức độ mở cửa cao WTO là dịch vụ quảng cáo, logistics, y tế, cơ sở thể dục thể thao, dịch vụ vui chơi giải trí cho nhân dân, dịch vụ môi trường, các dịch vụ phục vụ kinh doanh… trong đó nhiều lĩnh vực cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sẽ dẫn tới thách thức về cạnh tranh, đồng thời cũng là cơ hội để thúc đẩy ngành dịch vụ nội địa tự cải thiện năng lực, nâng cao sức cạnh tranh.

4. Tác động đến thu ngân sách
Tác động đối với nguồn thu ngân sách bao gồm hai loại tác động ngược chiều nhau: việc cắt giảm thuế làm giảm nguồn thu và tăng trưởng kinh tế nhờ CPTPP giúp tăng nguồn thu nội địa. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu cũng chiếm tỷ lệ tương đối trong tổng nguồn thu từ thuế, cụ thể là 10,1% trung bình của cả giai đoạn 2010 - 2016, 8,74% trong năm 2016. Ngược lại, ước tính lợi ích lâu dài do CPTPP mang lại có thể bù đắp và làm tăng thu ngân sách ở mức không đáng kể (0,6%).

5. Tác động về hoàn thiện pháp luật, cải cách thể chế
Từ góc độ của các cơ quan dân cử là Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đây là trách nhiệm nặng nề nhất khi CPTPP có hiệu lực. Tại thời điểm phê chuẩn Hiệp định, Việt Nam dự kiến phải sửa đổi, bổ sung 7 văn bản luật là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật An toàn thực phẩm, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Tố cáo. Hiện nay, chỉ còn các văn bản cần sửa đổi là: Luật An toàn thực phẩm (yêu cầu ngay khi Hiệp định có hiệu lực), Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự (lộ trình 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực).

Nhìn chung, việc hoàn thiện pháp luật để triển khai thực hiện CPTPP được thực hiện đồng bộ, kịp thời, bảo đảm tuân thủ các cam kết quốc tế. Thông qua nội luật hóa CPTPP, Việt Nam hoàn thiện được hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch, có các tiêu chuẩn cao hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật, tránh đối mặt với nguy cơ bị các quốc gia khác hoặc nhà đầu tư kiện. Đặc biệt là các vấn đề về sở hữu trí tuệ, lao động, bảo vệ môi trường hiện chưa được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm thống nhất theo tiêu chuẩn quốc tế.

6. Tác động đối với lao động
Vấn đề lao động là một yếu tố cấu thành trong đánh giá tác động đối với xã hội nói chung, tuy nhiên do mức độ ảnh hưởng tương đối lớn nên cần được phân tích sâu hơn.

CPTPP cũng như TPP không đưa ra nhiều yêu cầu cụ thể đối với lĩnh vực lao động mà chỉ nhắc lại các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO, thể hiện trong 8 Công ước cơ bản, bao gồm: (1) Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động (theo Công ước số 87 và số 98); (2) Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc (theo Công ước số 29 và số 105); (3) Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (theo Công ước số 138 và số 182); (4) Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp (theo Công ước số 100 và số 111). Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 6/8 Công ước, dự kiến trong năm 2020, Chủ tịch nước sẽ tiếp tục trình Quốc hội phê chuẩn Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức, chỉ còn lại Công ước số 87 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức. Với việc Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động tại kỳ họp thứ 8, ngày 20/11/2019, Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện CPTPP. Đồng thời, trong quá trình đàm phán CPTPP, Việt Nam đã có những thỏa thuận song phương với các quốc gia thành viên về lộ trình thực hiện, hạn chế việc kiện hoặc trừng phạt thương mại. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và triển khai, thi hành các quy định trên thực tế, cụ thể là:
- Việc tuân thủ cam kết về lao động trẻ em còn khó khăn trong bối cảnh số lượng trẻ em tham gia vào lao động nông nghiệp và lao động phi chính thức còn tương đối lớn ở nước ta, khó quản lý;
- Vấn đề can thiệp, thao túng, phân biệt đối xử của người sử dụng lao động đối với người lao động tham gia tổ chức của người lao động ở cơ sở đã được quy định trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), tuy nhiên việc triển khai thực hiện hiệu quả, kiểm tra giám sát cũng là thách thức lớn;
- Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra những quy định mang tính chất cơ sở về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết như về thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi; quản lý nhà nước đối với tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, quyền liên kết, nội dung điều lệ tổ chức của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Việc tham gia vào Công ước số 87 cũng như cho phép tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được liên kết ở mức độ cao hơn còn cần tính toán kỹ. Đây là những vấn đề khó, chưa có tiền lệ ở Việt Nam, khi thực hiện vừa phải bảo đảm quyền lợi của người lao động, tuân thủ cam kết quốc tế, vừa phải bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội, tránh để các lực lượng chống đối lợi dụng.

7. Đánh giá chung
Nhìn chung, CPTPP là cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng thị trường trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, kinh tế tăng trưởng chậm, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng. Việc tham gia CPTPP sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế cho Việt Nam, gia tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư, tạo thêm việc làm, bắt buộc Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thể chế theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế. Việc mở cửa thị trường và áp dụng các tiêu chuẩn chuyên ngành cao theo cấp độ quốc tế cũng sẽ đem lại thách thức lớn đối với cả Nhà nước và doanh nghiệp, các doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh sẽ có khả năng bị đào thải, Nhà nước xây dựng và thực thi pháp luật chưa đúng cam kết sẽ phải đối mặt với các vụ kiện của nhà đầu tư hoặc của Nhà nước quốc gia thành viên khác. Với hệ thống pháp luật đã được hoàn chỉnh một cách đồng bộ, kịp thời, nhiệm vụ cấp bách được đặt ra là tiếp tục cải cách thể chế bảo đảm thực hiện hiệu quả pháp luật, tổ chức tuyên truyền sâu rộng và hỗ trợ liên quan đến CPTPP và sắp tới là EVFTA, EVIPA để tạo sự đồng thuận trong doanh nghiệp, người dân, nắm bắt được cơ hội và ứng phó với thách thức mà các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại./.

Cập nhật : 16:27 - 03/01/2020
In trang này Click here to Print it!