Một số nét về Cộng hòa Mozambique và mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam


I. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
Mozambique nằm ở Đông Nam châu Phi, với diện tích 799.390 km2, chia thành 11 tỉnh và 128 huyện; có đường bờ biển tiếp giáp với Ấn Độ Dương và có đường biên giới chung với Tanzania, Malawi, Zambia, Zimbabwe, Nam Phi và Swaziland. Đường bờ biển của Mozambique chạy dài 2.700 km từ Bắc tới Nam.Vị trí địa lý của Mozambique là một lợi thế so với các nước láng giềng, đó là có thể sử dụng cảng biển để tham gia vào lưu thông quốc tế. Thủ đô của đất nước là Maputo, thuộc tỉnh Maputo. Dân số khoảng 24 triệu người chủ yếu sống ở nông thôn. Ngôn ngữ chính là tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Anh cũng được sử dụng rộng rãi trong công việc kinh doanh ở các thành phố chính. Ngoài ra, còn có các ngôn ngữ khác như là Makhuwa, Ndau, Tsonga, Lomwe và Sena.

II. Lịch sử phát triển đất nước
- Từ thế kỷ 15, Mô-dăm-bích là thuộc địa của  Bồ Đào Nha.
- Ngày 25/6/1962, Mặt trận Giải phóng Mô-dăm-bích (FRELIMO) ra đời. Tháng 2/1977 tại Đại hội III của Mặt trận Giải phóng  FRELIMO tuyên bố chuyển thành Đảng FRELIMO lấy chủ nghĩa Mác Lê-nin làm nền tảng tư tưởng. Đảng FRELIMO đã lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Mô-dăm-bích chống thực dân Bồ, góp phần lật đổ chính quyền độc tài Bồ Đào Nha (25/4/1974). Chính quyền mới Bồ Đào Nha ký hiệp định Lusaka (7/9/74) công nhận quyền độc lập của Mô-dăm-bích. Ngày 25/6/1975, Chủ tịch FRELIMO, Samora Machel tuyên bố thành lập nước CHND Mô-dăm-bích (nay là CH Mô-dăm-bích). Liên xô cũ, các nước XHCN đã tích cực giúp Mô-dăm-bích về quân sự, chính trị và phần nào về kinh tế. Mỹ, phương Tây, Nam Phi giúp đỡ, huấn luyện lực lượng đối địch RENAMO thành công cụ chống Chủ nghĩa Cộng sản ở Mô-dăm-bích, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại, ngăn chặn sự ủng hộ đối với ANC.
- Từ 1990, FRELIMO điều chỉnh chính sách, chuyển hướng theo trào lưu xã hội dân chủ. Trong nước, Mô-dăm-bích tiến hành cải cách chính trị, chấp nhận đa đảng (8/1990), dân chủ hóa xã hội sâu rộng trong nhân dân.
- Qua trung gian của Italy, Chính phủ Mozambique đã đàm phán trực tiếp với Đảng phong trào kháng chiến Mô-dăm-bích (RENAMO) nhằm tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến kéo dài 16 năm.
- Ngày 4/10/1992, với sự chứng kiến của LHQ, Mỹ, Pháp, Bồ Đào Nha, Tổng thống Mô-dăm-bích Joaquim Alberto Chissano và lãnh tụ RENAMO, Alfonso De Lakama đã ký Hiệp định hoà bình về Mô-dăm-bích quy định ngừng bắn, tổ chức tổng tuyển cử đa đảng vào tháng 10/1994.
- Tháng 10/1994  cuộc tổng tuyển cử đa đảng đầu tiên ở Mô-dăm-bích đã bầu trực tiếp Tổng thống và 250 đại biểu Quốc hội. Ông Joaquim Alberto Chissano, Chủ tịch Đảng FRELIMO đắc cử Tổng thống, Đảng FRELIMO giành được 129/250 ghế đại biểu Quốc hội. Ngày 9/12/1994, Tổng thống Joaquim Alberto Chissano  tuyên thệ nhậm chức và thành lập Chính phủ đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Kể từ cuộc tổng tuyển cử đa đảng đầu tiên, các ứng cử viên của Đảng FRELIMO luôn dành được thắng lợi, chứng tỏ lòng tin mạnh mẽ của nhân dân Mô-dăm-bích đối với Đảng cầm quyền.
- Từ 10 -14/11/2006, Mô-dăm-bích tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ 9 Đảng cầm quyền FRELIMO. Đại hội tiếp tục thực hiện những cam kết của các Đại hội trước đối với những vấn đề quốc tế. Sau gần 5 năm thực hiện kế hoạch xây dựng đất nước, phát triển kinh tế và chống tham nhũng (2004 – 2009), Mô-dăm-bích đã đạt những thành tựu đáng kể, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
- Tháng 11/2008,đảng Frelimo giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử địa phương, nắm giữ 42/43 chức thị trưởng và chiếm đa số trong cả 43 cơ quan lập pháp địa phương.
- Trong cuộc bầu cử Tổng thống, Quốc hội và Hội đồng nhân dân 28/10/2009, Đảng Frelimo thắng lợi với khoảng 75% số phiếu thuận và nhận được nhiều ủng hộ từ người dân cũng như các đảng nhỏ khác. Chiến thắng của FRELIMO càng làm cho sức mạnh của đảng trong quốc hội được tăng cường. Số ghế của FRELIMO tăng từ 160 lên đến 191. 

III. Quan hệ Việt Nam - Mô-dăm-bích:
1. Quan hệ chính trị, kinh tế:  
- Việt Nam và Mô-dăm-bích lập quan hệ ngoại giao 25/6/1975 (đúng ngày Mô-dăm-bích tuyên bố độc lập). Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, đã từng ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế ở mỗi nước. Năm 1976, ta lập ĐSQ tại Mô-dăm-bích, tuy nhiên đến năm 1990, do khó khăn kinh tế, ta tạm đóng cửa ĐSQ. Tháng 5/2009, ta mở lại ĐSQ. Tháng 10/2007, Mô-dăm-bích lập Văn phòng Lãnh sự danh dự Mô-dăm-bích tại Hà Nội.
- Mô-dăm-bích chủ trương tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trên các lĩnh vực sau:
+ Hợp tác chuyên gia: hiện nay ta có khoảng 3 chuyên gia giáo dục và 20 chuyên gia y tế đang làm việc tại Mô-dăm-bích.
+ Nông nghiệp: (i) dự án đầu tư tổng hợp tại Mô-dăm-bích do Tập đoàn Cao su chủ trì được Thủ tướng thông qua tháng 3/2010 đang bước đầu được triển khai; (ii) hợp tác 3 bên Việt Nam - JICA Nhật Bản - Mô-dăm-bích đang tiến hành những giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để triển khai cụ thể vào tháng 10/2010; (iii) hợp tác song phương Hà Nội – Mô-dăm-bích và Hà Nam-Mô-dăm-bích; (iv) dự án Việt Nam – Mô-dăm-bích – Li-bi đang được triển khai với kết quả khả quan.
 + Dầu khí: Petrovietnam đã ký 2 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực Dầu khí và Đầu tư giữa Petrovietnam với Tổng Cty Dầu khí Quốc gia Mô-dăm-bích (ENH) và Cơ quan Quản lý đầu tư Mô-dăm-bích (SPI).
+ Viễn thông: Viettel đã ký thoả thuận hợp tác với SPI nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực viễn thông với Mô-dăm-bích
 - Quan hệ thương mại: Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mô-dăm-bích: 41,5 triệu USD (2009).
2. Trao đổi đoàn:
- Các đoàn Việt Nam: Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (1978); Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình dự Hội nghị KLK (1979), Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp (1980), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (3/1995), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (11/2003), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (4/2008), đ/c Trương Tấn Sang UVBCT, Thường trực BBT (7/2009).
- Các đoàn Mô-dăm-bích: Tổng thống Mô-dăm-bích Samora Machel (1984), Tổng Thư ký Frelimo Mamuel Tome (7/1996), Bộ trưởng Khoa học công nghệ Venancio Massinga (9/2005), Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Mô-dăm-bích, Bà Alcinda Antonio (8/2006), Tổng thống Mô-dăm-bích Guebuza thăm chính thức VN (1/2007), Thủ tướng Mozambique Luisa Diogo dự Hội nghị Phụ nữ toàn cầu tổ chức tại Hà Nội và nhận Giải thưởng Phụ nữ lãnh đạo của Hội nghị (6/2008), Bộ trưởng Bộ Công thương (12/2008), Bộ trưởng Bộ Du lịch Fernando Sambana Junior (12/2008), Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Oldemiru Baloi (4/2009), Bộ trưởng Nông nghiệp Mô-dăm-bích, Soares Nhaca (3/2010)...
3. Các văn kiện Việt Nam - Mozambique đã kí kết:
- Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật thương mại;
- Hiệp định Thương mại
- Nghị định thư về hợp tác giữa 2 Bộ Ngoại giao
- Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư,
- Hiệp định về hợp tác giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp (2007)
- Hiệp định về hợp tác giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực y tế
- Hiệp định về hợp tác giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục.
- Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ;
- Nghị định thư thành lập Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và công nghệ.
- Nghị định thư về hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
- Thỏa thuận hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng FRELIMO.
- Biên bản kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật.

Nguồn tham khảo:
1. Bộ Ngoại giao Việt Nam
http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/cn_vakv/nr040819100948/nr040920160013/ns101114231819
2. Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam)
http://iames.gov.vn/iames/tap-chi-nghien-cuu-chau-phi-va-trung-dong/gioi-thieu-dat-nuoc-mozambique-1052.html

      

Cập nhật : 10:43 - 03/01/2020
In trang này Click here to Print it!