Công tác giải quyết, khiếu nại ở địa phương: Chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều phức tạp


Sau khi Quốc hội ban hành Luật tố cáo năm 2018, theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện; ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật. Sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp của các cơ quan địa phương đã làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước có những chuyển biến nhất định theo hướng giảm hơn so với năm trước. Mặc dù vậy, tuy tổng số đơn thư các loại (khiếu nại, tố cáo; kiến nghị, phản ánh) giảm nhưng số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng 4,3%.

Sau khi Quốc hội ban hành Luật tố cáo năm 2018, theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện; ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật; ban hành Văn bản hướng dẫn bộ ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, đồng thời các bộ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tố cáo. Sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp của các cơ quan địa phương đã làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước có những chuyển biến nhất định theo hướng giảm hơn so với năm trước. 

Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực, nghiêm túc triển khai các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Cụ thể, năm 2019 các bộ, ngành, địa phương ban hành mới trên 1.600 văn bản; sửa đổi bổ sung nhiều văn bản quản lý, chỉ đạo về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều bộ ngành, địa phương đã ban hành chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch và chỉ đạo của cấp trên. Cùng với đó, tập trung rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Thanh tra Chính phủ. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Các bộ, ngành, địa phương đã mở trên 19.015 lớp tập huấn, hội nghị phổ biến cho trên 683.070 lượt người. Các địa phương mở nhiều lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Long An, Trà Vinh, Lào Cai, Quảng Nam, Tp Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Tây Ninh...; nhiều địa phương, bộ, ngành đã tổ chức phổ biến, quán triệt, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Luật tố cáo (sửa đổi).  

Các địa phương cũng đã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (tháng 5/2018) và đạt một số kết quả bước đầu, cụ thể: (1) Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành đánh giá việc thi hành Luật đất đai năm 2013 và nội dung định hướng sửa đổi, bổ sung Luật đất đai năm 2013 nhằm hạn chế các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài; (2) Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo giải quyết. Đã xem xét, xử lý, giải quyết 465/540 (đạt 86,1%) vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến.  

Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt cao (86,2%, so với mục tiêu đề ra là 85%), nhiều đơn vị có tỷ lệ giải quyết cao (trên 90%) như các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Giang, Hải Dương, Lạng Sơn, Sơn La, Tuyên Quang, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh. Nhiều địa phương đã tích cực triển khai Luật tố cáo năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là ở những điểm mới của Luật. Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực, cả về trình tự, thủ tục và nội dung. Công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại được quan tâm, tiến hành công khai dân chủ; việc bảo vệ bí mật người tố cáo được thực hiện đúng quy định của pháp luật; công tác phối hợp trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có nhiều tiến bộ nhất là đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp; nhiều đơn vị đã thực hiện tốt việc đối thoại, giải thích và hòa giải để giải quyết dứt điểm vụ việc ngay từ cơ sở.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã cơ bản đưa Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo vào sử dụng, đạt được một số kết quả bước đầu. Đến thời điểm 30/6/2019, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương đã có 81/93 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng hệ thống. 12/93 đơn vị chưa sử dụng do có những đặc thù của ngành, lĩnh vực liên quan đến an toàn bảo mật thông tin và bí mật nhà nước. 

Tuy vậy, theo nhiều đánh giá tình hình khiếu nại, tố cáo ở các địa phương vẫn diễn biến phức tạp và còn nhiều tồn đọng, hạn chế. Hầu hết khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp là các vụ việc cũ chưa được giải quyết dứt điểm hoặc những vụ việc đã được cơ quan nhà nước giải quyết hết thẩm quyền, các cấp, ngành kiểm tra rà soát nhưng công dân không đồng ý tiếp tục khiếu kiện với thái độ bức xúc, gay gắt. Theo Báo cáo số 452/BC-CP của Chính phủ về Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019, số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, so với năm 2018, tuy tổng số đơn thư các loại (khiếu nại, tố cáo; kiến nghị, phản ánh) giảm 6,1%, số đoàn đông người giảm 0,86%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 2,8% nhưng số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng 4,3%. Cụ thể, nội dung khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại, trong đó tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khiếu nại, tranh chấp đất đai có nguồn gốc là đất do nông, lâm trường quản lý, liên quan đến sử dụng đất an ninh, quốc phòng, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, khiếu kiện, tranh chấp tại các dự án bất động sản, thu phí tại các trạm BOT, v.v…; về tố cáo, nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ; bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; một số trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo, chủ yếu là do kết quả giải quyết khiếu nại chưa đáp ứng được nguyện vọng của người khiếu nại. 

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, nhất là trong lĩnh vực đất đai; Công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém, vi phạm; việc thanh, kiểm tra còn hạn chế, bất cập và chưa kịp thời, nhất là đối với một số lĩnh vực hay xảy ra khiếu kiện ở một số địa phương. Một số công chức thiếu trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, khi làm việc, tiếp xúc, giải quyết công việc với công dân; Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế nhất định, Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung hiệu quả còn chưa cao. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của công dân trong một số trường hợp còn hạn chế. Ngoài ra, hiện nay đã xuất hiện một số nguyên nhân mới làm phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của doanh nghiệp tại một số khu công nghiệp gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân, dẫn đến tình trạng người dân bức xúc, phản ứng.

Trong thời gian tới, nhất là trong thời điểm diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như các kỳ họp của Trung ương, Quốc hội, đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở những địa phương có sai phạm, sơ hở, yếu kém trong quản lý nhà nước nhất là trong các lĩnh vực như: quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở, môi trường, đầu tư xây dựng, giao thông vận tải, thực hiện chính sách an sinh xã hội, người có công… và không thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó, các cấp, các ngành cần tổ chức thực hiện nghiêm các quy định Luật khiếu nại, Luật tố cáo năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là trong việc ban hành, tham mưu ban hành quyết định hành chính và thực thi công vụ ở những lĩnh vực dễ xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp; quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc nhằm củng cố niềm tin của nhân dân. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật ở những lĩnh vực dễ xảy ra khiếu nại, tố cáo để kịp thời kiến nghị hoặc ban hành văn bản, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, sát với tình hình thực tế hiện nay. Tăng cường thanh tra, kiểm tra ở những lĩnh vực này, phối hợp chặt chẽ với các ban của Đảng và cơ quan chức năng trong việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm.

Tài liệu:
1. Báo cáo số 452/BC-CP ngày 9/10/2019 của Chính phủ về Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019
2. Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
3. Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc nhằm củng cố niềm tin của nhân dân.

Cập nhật : 16:57 - 02/01/2020
In trang này Click here to Print it!