Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá Việt Nam đóng góp lớn trong công cuộc giảm thiểu khói thuốc

Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá Việt Nam (PCTHTL) được thành lập theo Quyết định số 47/2013/QĐ-TTg ngày 29/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (sau đây gọi chung là Quỹ) là quỹ quốc gia, được quản lý bởi Hội đồng quản lý liên ngành do Bộ trưởng Bộ Y tế là Chủ tịch Hội đồng và chịu sự quản lý nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính. Việc Quốc hội thông qua Luật PCTHTL và cho phép thành lập Quỹ PCTHTL với mục tiêu bảo đảm nguồn kinh phí bền vững cho việc giảm tỷ lệ hút thuốc, giảm các gánh nặng bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam.

Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá Việt Nam (PCTHTL) được thành lập theo Quyết định số 47/2013/QĐ-TTg ngày 29/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (sau đây gọi chung là Quỹ) là quỹ quốc gia, được quản lý bởi Hội đồng quản lý liên ngành do Bộ trưởng Bộ Y tế là Chủ tịch Hội đồng và chịu sự quản lý nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính. Việc Quốc hội thông qua Luật PCTHTL và cho phép thành lập Quỹ PCTHTL với mục tiêu bảo đảm nguồn kinh phí bền vững cho việc giảm tỷ lệ hút thuốc, giảm các gánh nặng bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam. 

Quỹ PCTHTL ở Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức Liên hợp quốc đánh giá cao, đồng thời cũng là mô hình mà các nước đang phát triển hướng tới để có được nguồn kinh phí bền vững cho việc giảm tỷ lệ hút thuốc. Trên thế giới, hiện nay có 23 quốc gia thành lập Quỹ PCTHTL hoặc Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng. Trong khu vực ASEAN, có 8 quốc gia thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng hoặc Quỹ PCTHTL (Thái Lan, Lào, Brunei, Singapore, Philipines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam).

Sau hơn 6 năm hoạt động, dựa trên hành lang pháp lý thuận lợi cùng nguồn kinh phí từ quỹ, công tác PCTHTL đã đạt được những kết quả tích cực. Đây là đơn vị duy nhất hỗ trợ thường xuyên kinh phí cho các bộ, ngành, thành phố, các bệnh viện thực hiện hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các hoạt động thông tin, giáo dục về PCTHTL được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Hiện nay, mạng lưới về phòng, chống tác hại thuốc lá đã được thành lập và duy trì trên toàn quốc. 

Theo Báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã nêu lên những con số cho thấy công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nói chung và hoạt động của Quỹ nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực: 
- Các chính sách, pháp luật về thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ đã được xây dựng, ban hành và bổ sung, sửa đổi kịp thời, bám sát nội dung Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, các văn bản pháp luật có liên quan. Các văn bản, chính sách pháp luật về nội dung này đạo điều kiện để cơ quan điều hành Quỹ cũng như các đơn vị nhận hỗ trợ của Quỹ có cơ sở để triển khai họa động và thanh quyết toán theo đúng quy định của các văn bản pháp luật hiện hành. 
- Giai đoạn 2017-2019, Quỹ đã hỗ trợ 99 đơn vị; sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành các tỉnh, thành phố, bệnh viện đã thể hiện sự cam kết cao trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
- Mạng lưới về phòng chống tác hại thuốc lá đã được thành lập và duy trì trên toàn quốc. Đến nay có 20 bộ, ngành và tổ chức chính trị, xã hội và 63/63 tỉnh thành đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá. Việc xây dựng kế hoạch của Quỹ để hỗ trợ các đơn vị căn cứ theo các nội dung của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, có các chỉ số cụ thể trong từng giai đoạn.
- Về kết quả giảm tỷ lệ hút thuốc lá, năm 2018 đã có 12 tỉnh có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm so với điều tra toàn quốc năm 2015 như Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Thái Bình, Yên Bái, Lạng Sơn…Tỷ lệ người phơi nhiễm khói thuốc giảm tại nơi làm việc giảm hơn 13%, tại trường đại học cao đẳng giảm hơn 16%, trên các phương tiện giao thông công cộng giảm 15%. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ người được tư vấn bỏ thuốc và cai nghiện thuốc lá tăng.

Những thành công bước đầu này đã góp phần thực hiện hiệu quả Luật PCTHTL và ý kiến chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 20/2017/NQ-TƯ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá”.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề Xã hội ghi nhận các kết quả được nêu trong Báo cáo, nhấn mạnh Quỹ đã giữ vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, tập trung chủ yếu vào truyền thông về tác hại của thuốc lá, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không khói thuốc lá, phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả... Tuy nhiên, Ủy ban về các vấn đề Xã hội cũng thấy rằng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, tồn tại ảnh hưởng đến hoạt động và việc quản lý Quỹ:
- quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, bệnh viện, trường học, địa điểm công cộng vẫn còn chưa thực hiện tốt, vi phạm xảy ra còn phổ biến; tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc ở các điểm công cộng còn cao, đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê vẫn còn chiếm tới trên 80%;
- các hoạt động PCTHTL tại đa số các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ yếu là dựa vào nguồn hỗ trợ của Quỹ, chỉ có một số ít tỉnh, thành phố trong cả nước có hỗ trợ thêm cho hoạt động này nhưng kinh phí rất hạn chế;
- các tỉnh thành đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá nhưng vai trò còn hình thức, chưa gắn với hiệu quả thực tiễn; 
- mục tiêu kế hoạch hàng năm, kế hoạch 02 năm không thay đổi qua các giai đoạn, không có mục tiêu đích của từng thời kỳ; 
- chưa có kế hoạch hành động dài hạn và lộ trình hỗ trợ các mục tiêu, nhiệm vụ Luật giao làm cơ sở để đánh giá tiến độ và mức độ hỗ trợ các hoạt động của Quỹ
- chất lượng và hiệu quả làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ còn chưa cao.

Bên cạnh đó, một số thành viên Ủy ban cũng lưu ý việc xây dựng Kế hoạch hoạt động hai năm chưa khắc phục được tình trạng chậm phê duyệt kế hoạch, ảnh hưởng đến những tháng đầu của giai đoạn kế hoạch. Cùng với đó là nhiệm vụ thứ 9 được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về thực hiện các giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá thì đến nay mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu mà chưa có giải pháp thực hiện; Một số nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 29 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vẫn chưa được hỗ trợ triển khai. 

Một số ý kiến còn cho rằng, nguồn thu của Quỹ lớn nhưng do bị hạn chế về nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nên chưa đạt được mục đích ban đầu khi xây dựng Luật là mở rộng hỗ trợ cho truyền thông nâng cao sức khỏe; tỷ lệ giải ngân thực tế hàng năm so với kế hoạch còn ở mức thấp. Năm 2018, tổng chi của Quỹ là hơn 201 tỷ đồng, thấp hơn so với năm 2017 là  hơn 14 tỷ đồng, trong đó chủ yếu chi cho 2/9 nhiệm vụ truyền thông và xây dựng mô hình điểm không khói thuốc lá.

Trước thực tế ấy, Ủy ban Về các vấn đề xã hội kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện các kiến nghị của Ủy ban tại báo cáo số 857/BC-UBVCVDXH14 ngày 20.10.2017; có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ; khắc phục việc chậm phê duyệt kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ phòng chống tác hại của thuốc lá theo giai đoạn 2 năm. Cùng với đó, Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá để có căn cứ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về mục đích, nhiệm vụ, nguồn hình thành và nguyên tắc sử dụng Quỹ theo quy định của Luật. Đề nghị Bộ Y tế cần quan tâm hơn nữa, có các giải pháp truyền thông mạnh mẽ hơn để người dân nhận thức rõ tác hại của thuốc lá, nhất là ở những nơi công cộng. Các hoạt động truyền thông cần tập trung vào những hoạt động phù hợp với từng nhóm đối tượng theo quy định của Luật. Cùng với đó, cần đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian qua để có các hình thức, phương pháp thực hiện, từ đó xây dựng kế hoạch chi tiêu tài chính phù hợp và đồng đều cho các nhiệm vụ; chú trọng việc tập huấn, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị địa phương trong lập kế hoạch, giám sát và đánh giá các hoạt động phòng chống, tác hại của thuốc lá, các quy định về tài chính của nhà nước khi sử dụng hỗ trợ từ Quỹ, đảm bảo xây dựng kế hoạch theo phương thức từ dưới lên.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 411/BC-CP ngày 20/9/2019 của Chính phủ về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2018-2019
2. Báo cáo Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2018-2019 của Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Cập nhật : 16:55 - 02/01/2020
In trang này Click here to Print it!