Những rào cản phát triển đối với phụ nữ dân tộc thiểu số (phần 2)


Với người dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng vẫn còn những khoảng cách trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả phát triển. Số liệu thống kê và kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho thấy phụ nữ dân tộc thiểu số là nhóm có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau do tính dễ bị tổn thương kép với đặc thù vừa là phụ nữ, vừa là người dân tộc thiểu số, trong khi đa phần chính sách chưa coi phụ nữ dân tộc thiểu số là một nguồn lực quan trọng của sự phát triển, mang tính đặc thù đối tượng.

Những rào cản phát triển đối với phụ nữ dân tộc thiểu đã được chỉ ra sau đây (tiếp theo):

4. Bạo lực gia đình ở hộ gia đình dân tộc thiểu số trầm trọng hơn so với hộ gia đình người kinh
Theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình năm 2010, tỷ lệ bạo lực thể chất và/hoặc bạo lực tình dục ở các nhóm dân tộc thiểu số ở mức khoảng 35%. Tỷ lệ bạo lực tinh thần đối với phụ nữ dân tộc thiểu số do người chồng gây ra là 48,8%, cao hơn gần 1,7 lần so với tỷ lệ chung cả nước là 28,9%.
Tình trạng lạm dụng trong hôn nhân dẫn tới bạo lực khi người phụ nữ và trẻ em gái phải gánh trên mình quá nhiều công việc, từ lao động sản xuất đến các hoạt động chăm sóc gia đình… Thế nhưng, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số có thái độ chấp nhận bạo lực do người chồng hoặc bạn tình gây ra hơn là phụ nữ người Kinh (Theo Những thách thức, rào cản phụ nữ dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển – tổng quan thực trạng và hàm ý chính sách, 2019).

5. Tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra ở nhiều nhóm dân tộc thiểu số, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cơ hội của trẻ em gái dân tộc thiểu số
Năm 2015, có 40 tỉnh/thành phố trong cả nước có trường hợp kết hôn ở độ tuổi trẻ em, đặc biệt một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn trên 50%. Theo số liệu từ tài liệu “Các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”, trong tổng số 2991 trường hợp trẻ em dân tộc thiểu số dưới 16 tuổi đã kết hôn, số lượng trẻ em gái nhiều hơn trẻ em trai tới 3,4 lần (685 trẻ em trai và 2306 trẻ em gái). Riêng dân tộc Mông, trong 1262 trường hợp tảo hôn có 463 trẻ em trai và 799 trẻ em gái; Dân tộc Thái thì toàn bộ 459/459 trường hợp tảo hôn đều là trẻ em gái.
Tảo hôn đe dọa cuộc sống hiện tại và tương lai của trẻ em gái và phụ nữ, khiến họ mất đi quyền tự định đoạt trong cuộc sống; làm mất đi cơ hội học tập, đào tạo, khiến họ dễ bị bạo hành, phân biệt đối xử và lạm dụng hơn; làm hạn chế sự tham gia của họ vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Kết hôn sớm và sinh con khi người phụ nữ chưa phát triển hoàn thiện về mặt tâm, sinh lý có thể gây ra nhiều hệ lụy như đẻ non, tay nghề kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu...
Chưa kể nếu mang thai, sinh con ở tuổi vị thành niên, người mẹ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con cái, trẻ sinh ra ít được quan tâm, nuôi nấng đúng cách, nguy cơ nhẹ cân, mắc các bệnh truyền nhiễm cao. Tảo hôn, kết hôn trẻ em cũng thường đi kèm với mang thai sớm và đẻ dày, dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong bà mẹ.

6. Hôn nhân cận huyết thống để lại hậu quả nặng nề trong nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số
Theo “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam năm 2015 và Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2015”, vẫn còn 47/53 dân tộc thiểu số có tình trạng kết hôn cận huyết với các mức độ khác nhau và tình trạng này xảy ra ở nữ dân tộc thiểu số cao hơn so với nam dân tộc thiểu số. Trong 47.224 trường hợp kết hôn cận huyết dân tộc thiểu số, có 22.247 người là nam, chiếm 47,11% và nữ là 24.977 người, chiếm 52,89%.
Hôn nhân cận huyết dẫn đến nhiều hệ lụy, làm suy yếu giống nòi, sinh con dị dạng, mang nhiều bệnh di truyền, nguy cơ tử vong cao và có liên quan đến tình trạng nghèo đói của một số nhóm dân tộc thiểu số. Mối quan hệ giữa tử vong trẻ dưới một tuổi với hôn nhân cận huyết đặc biệt đúng ở dân tộc có tỷ lệ hôn nhân cận huyết rất cao là dân tộc Mảng. Tỷ lệ kết hôn cận huyết ở người Mảng lên đến 44‰. Đây cũng là một trong những dân tộc có tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới một tuổi cao nhất, cứ 1000 trẻ sinh ra có đến 45 trẻ tử vong trước khi được một tuổi. Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình của nhóm có tỷ lệ kết hôn cận huyết cao như La Hủ, Lự, Chứt, Mảng, Si La, Cơ Lao chỉ vào khoảng 62 đến 65 tuổi, thấp hơn mức trung bình của cả nước trên 10 tuổi.

7. Phụ nữ và trẻ em gái chịu nhiều gánh nặng bởi công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình dân tộc thiểu số 
Nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số và cộng đồng người dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng nặng nề bởi định kiến và khuôn mẫu giới về phân công công việc trong gia đình, áp đặt công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, người già, người ốm trong gia đình là trách nhiệm, nghĩa vụ của phụ nữ.
Theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu gia đình và giới năm 2017, ở một số dân tộc như Xơđăng, Êđê, Chăm, Khơme… tổng thời gian trung bình của phụ nữ dành cho các công việc gia đình mỗi ngày là 3,6 giờ, trong khi của nam giới là 2 giờ, nghĩa là, số giờ dành cho công việc gia đình và không được trả công của phụ nữ cao gấp 1,8 lần so với nam giới.

Tham khảo:
1. Ủy ban Dân tộc, UN Women và Irish Aid, 2018, “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam năm 2015 và Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2015”
2. Ủy ban Dân tộc, UN Women, 2016, “Các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”
3. UN Women, Ủy ban Dân tộc, 2015, “Tóm tắt về Tình hình phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số ở Việt Nam”
4. Ths Nguyễn Thị Bích Thúy, 2019, “Thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam” trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia “Để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”, Nxb ĐHQG.
5. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình năm 2010
6. PGS.TS Đặng Thị Hoa, 2019, “Những thách thức, rào cản phụ nữ dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển – Tổng quan thực trạng và hàm ý chính sách” trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia “Để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau”, Nxb Đại học Quốc gia.
7. Báo cáo của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An, tháng 1/2019

Cập nhật : 16:52 - 02/01/2020
In trang này Click here to Print it!