Phát triển khoa học - công nghệ là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội


Hoạt động khoa học - công nghệ là nhu cầu sống còn của nền kinh tế đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là đòi hỏi cấp bách của cạnh tranh thị trường; yếu tố gắn với “sinh mệnh” của doanh nghiệp. Vì vậy, Nhà nước có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tích cực sử dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, tham gia hoạt động khoa học - công nghệ, tiếp cận thông tin và các nguồn lực khác của khoa học - công nghệ quốc gia.

Với trình độ phát triển hiện nay của nền khoa học - công nghệ Việt Nam và yêu cầu thiết yếu về phát triển kinh tế - xã hội tầm nhìn đến năm 2030, việc tăng cường ứng dụng, phát triển các công nghệ mới, công nghệ cao phải thật sự là quốc sách hàng đầu. Đây là một trong những nội dung quan trọng cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học - công nghệ; về phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học - công nghệ phù hợp với yêu cầu phát triển một nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại và hội nhập quốc tế. 

Tại Quyết định Số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, Chính phủ đã thể hiện Quan điểm, mục tiêu và các định hướng ưu tiên nhằm phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020, trong đó, Khoa học và công nghệ được nhấn mạnh “là nền tảng và động lực cho phát triển bền vững đất nước, công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất”. 

Cũng tại Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (20-28/01/2016) thông qua có những nhận định, đánh giá về KH&CN: “Trong những năm qua, khoa học, công nghệ đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Khoa học xã hội và nhân văn góp phần quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam. Lĩnh vực khoa học tự nhiên, các ngành khoa học cơ bản, KH&CN liên ngành, khoa học mới tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Một số ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn đã có đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh. Hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ có chuyển biến; tiềm lực khoa học, công nghệ được nâng lên. Quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ có đổi mới. Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ có bước tiến bộ. Thị trường khoa học, công nghệ đã hình thành và bước đầu phát huy tác dụng. 

Tuy nhiên, khoa học, công nghệ chưa thật sự gắn kết và trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Việc huy động nguồn lực của xã hội cho khoa học, công nghệ chưa được chú trọng. Không hoàn thành mục tiêu xây dựng các trung tâm khoa học lớn đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm đổi mới. Thị trường KH&CN phát triển chậm. Công tác quy hoạch, phát triển khoa học, công nghệ chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ còn thiếu định hướng, hiệu quả còn thấp”

Do đó, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết xác định 5 quan điểm:
– Phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Sự lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước và tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ KH&CN đóng vai trò quyết định thành công của sự nghiệp phát triển KH&CN.
– Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển KH&CN hệ; phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
– Đầu tư cho nhân lực KH&CN là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Đảng và Nhà nước có chính sách phát triển, phát huy và trọng dụng đội ngũ cán bộ KH&CN.
– Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển KH&CN. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng, nâng cao đồng bộ tiềm lực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng và triển khai; coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KH&CN. Quan tâm đúng mức đến nghiên cứu cơ bản, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam.
– Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để cập nhật tri thức KH&CN tiên tiến của thế giới, thu hút nguồn lực và chuyên gia, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia các dự án KH&CN của Việt Nam. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh sau khi được đào tạo ở nước ngoài về nước làm việc.

Từ đây, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát: “phát triển mạnh mẽ KH&CN, làm cho KH&CN thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21”

Đặc biệt, đầu tư cho nhân lực khoa học - công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai; coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng của thị trường khoa học - công nghệ. Quan tâm đúng mức đến nghiên cứu cơ bản, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến trên thế giới phù hợp với điều kiện của Việt Nam, bắt kịp nhanh với cuộc CMCN 4.0. Thực hiện chính sách khuyến khích cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học - công nghệ, địa phương và Nhà nước tạo điều kiện để những công trình nghiên cứu được đưa vào ứng dụng thực tiễn.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và công nghệ tại Phiên họp toàn thể lần thứ 9 Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội diễn ra tại Nghệ An tháng 4/2019, KH&CN đã tham gia, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh với việc góp phần vào thành tích hoàn thành vượt mức chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9,4% năm 2017, cao hơn mức tăng 7,4% của năm 2016; đóng góp trên 30% giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, hiện nay, trong tổng kinh phí chi hoạt động KH&CN thì ngân sách nhà nước (NSNN) chiếm khoảng 52%, chi từ doanh nghiệp chiếm 48%. Đây là kết quả của việc đẩy mạnh xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ so với tỷ lệ 70/30 của giai đoạn trước (2011 - 2015). Việc bố trí chi NSNN cho phát triển KH&CN tính cả chi KH&CN trong an ninh, quốc phòng và từ nguồn thu nhập trước thuế để lại cho doanh nghiệp đầu tư KH&CN theo quy định đã cơ bản bảo đảm mục tiêu Nghị quyết Trung ương, đạt mức 2% tổng chi NSNN.

Như vậy, sau nhiều năm triển khai các chủ trương, chính sách quốc gia về phát triển khoa học công nghệ, KH&CN đã thực sự trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh, điều đó được thể hiện qua tất cả các chỉ tiêu phát triển, thứ bậc tăng trưởng, số lượng bài báo công bố quốc tế, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và đánh giá của các bộ ngành về đóng góp của KH&CN,…Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, năm 2020 là thời điểm ngành KH&CN cần đạt được các mục tiêu chiến lược đặt ra, do đó, ngành cần có các giải pháp đột phá; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Tham khảo:
1. Báo cáo của Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài chính về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách cho khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường cuối năm 2018, đầu năm 2019
2. Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế

Cập nhật : 16:28 - 02/01/2020
In trang này Click here to Print it!