XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM - THỰC TRẠNG VÀ GỈAI PHÁP (Phần 2)


Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý. Cho nên, con số nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ước tính, khoảng 68,4% số trẻ em từ 1 tuổi đến 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình. Việc sớm đề ra những chủ trương, biện pháp nhằm hạn chế, ngăn ngừa nạn xâm hại tình dục trẻ em là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra đối với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Phần một của bài viết đã tìm hiểu những vấn đề chung về xâm hại trẻ em; thực trạng và nguyên nhân của tội phạm xâm hại trẻ em. Phần hai của bài viết sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn ngừa và hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em ở Việt Nam hiện nay.

Giải pháp ngăn ngừa, hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em 
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng nhận được quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, vấn nạn xâm hại trẻ em xảy ra ngày càng phổ biến, có nguy cơ ngày càng tăng cao ở đòi hỏi sự quan tâm đúng mực từ phía toàn xã hội. Trong đó, một số biện pháp mang tính khả thi như sau:
Thứ nhất, cần tăng cường công tác giám sát của các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp việc thực hiện Luật trẻ em năm 2016 và pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em; qua đó phát hiện những vấn đề bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành để kiến nghị điều chỉnh.

Thứ hai, các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tích cực phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em. Thường xuyên nắm bắt tình hình, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về xâm hại trẻ em đến toàn xã hội, huy động sự quan tâm, vào cuộc trong công tác đấu tranh ngăn ngừa xâm hại trẻ em xảy ra của toàn xã hội cũng như có biện pháp bảo vệ trẻ em bị xâm hại, bảo đảm giữ kín thông tin của trẻ, không để cuộc sống của trẻ và gia đình trẻ bị ảnh hưởng đến mức thấp nhất.

Thứ ba, cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng, phát triển Tâm lý học đường, các phòng tham vấn học đường trong các trường như: Hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh trong việc vận dụng kiến thức tâm lý học, là cầu nối hỗ trợ cha mẹ học sinh. Nhà trường cần thường xuyên mở các lớp học, khóa học bồi dưỡng kiến thức về xâm hại trẻ em cho cả học sinh và phụ huynh tham dự. Từ đó có thể phổ biến kiến thức cho cả học sinh và cha mẹ học sinh, thực trạng trẻ hiện nay, giúp tìm được tiếng nói chung giữa cha mẹ học sinh và nhà trường nhằm giúp trẻ có được cuộc sống vui tươi, lành mạnh, an toàn.

Thứ tư, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện như: quán Karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng ... kịp thời hát hiện các vi phạm về việc tuyển dụng nhân viên dưới 18 tuổi làm việc, cho phép khách hàng dưới 18 tuổi sử dụng dịch vụ không đúng quy định ... xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; quản lý, khuyến cáo tác hại của việc sử dụng mạng Internet không kiểm soát đối với trẻ, hạn chế trẻ tiếp xúc với điện thoại, các trò chơi bạo lực ...; giáo dục con em mình những nguy cơ bị xâm hại trẻ có thể gặp phải. 

Thứ năm, cần xây dựng các đường dây nóng, các tổ tư vấn, nhà tạm lánh ... ở tận địa phương để trẻ, người thân của trẻ có thể kịp thời tố giác tội phạm, được phổ biến kiến thức, được hỗ trợ, tư vấn giải pháp ngăn ngừa xâm hại trẻ em, được hỡ trợ, bảo vệ khi bị xâm hại.

Thứ sáu, cần nghiên cứu, quy hoạch các khu vui chơi với những  trò chơi tích cực, lành mạnh cho trẻ được vui chơi, học tập, hạn chế sự lệ thuộc của trẻ vào các trò chơi độc hại để trẻ được sống đúng tuổi thơ, được là con trẻ theo đúng nghĩa. 

Tại Việt Nam, khung hình phạt đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em dưới 18 tuổi là từ 5 - 15 năm tù. Mức hình phạt sẽ nâng cao dần khi người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, như: làm nạn nhân có thai, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội… Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. So các nước, những khung hình phạt như trên của nước ta dường như chưa đủ thích đáng so những hậu quả nghiêm trọng mà tội phạm ấu dâm gây ra. Vì vậy, ngoài những giải pháp nêu trên thì việc xem xét, hoàn thiện khung chính sách, pháp luật liên quan đến việc xử phạt các tội liên quan đến xâm hại trẻ em, nhằm đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa cần được chú trọng hơn nữa.

Hiện nay, nạn xâm hại tình dục trẻ em đã biến tướng thêm hai hình thái mới là buôn bán tình dục trẻ em và phát tán văn hóa phẩm độc hại liên quan ấu dâm thông qua internet. Bởi vậy, việc ngăn chặn loại tội phạm này ngoài thực tế và trên mạng xã hội cần có những khung hình phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe hơn, song song các biện pháp quản lý, quan tâm sát sao từ phía gia đình và nhà trường của các em.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật trẻ em năm 2016
2. Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
3. Báo cáo của Cục Cảnh sát hình sư, Bộ Công an
4. Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Báo cáo về nạn xâm hại tình dục trẻ em năm 2017-2018

Cập nhật : 16:26 - 02/01/2020
In trang này Click here to Print it!