MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG VIỆC PHÂN CẤP TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Phần 3)



Phân cấp tuyển dụng công chức trong các cơ quan HCNN là việc cơ quan hành chính nhà nước cấp trên chuyển giao cho cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách thường xuyên, liên tục một hay một số nhiệm vụ, quyền hạn đối với các nội dung tuyển dụng công chức thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình bằng các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các quyết định nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các cơ quan HCNN.   

4. Một số giải pháp đảm bảo sự phân cấp tuyển dụng công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay 
Thứ nhất, việc phân cấp tuyển dụng công chức trong các cơ quan hành chính nước phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của chính quyền địa phương 
Việc phân cấp không nên được thực hiện cào bằng trên tất cả các địa phương mà có sự tính toán một cách khoa học phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương của nước ta tránh tình trạng cái cần phải phân cấp thì không được phân cấp, cái không cần phân cấp thì lại được phân cấp – gây ra sự lãng phí các nguồn lực của địa phương: “Phân biệt sự khác nhau giữa đô thị và nông thôn, để thực hiện phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc điểm, tính chất của mỗi loại hình địa phương. Khác với nông thôn, mỗi đô thị là một chỉnh thể kinh tế-xã hội thống nhất, ràng buộc chặt chẽ và phụ thuộc trực tiếp vào nhau, không thể chia cắt, do đó bộ máy HCNN ở đô thị phải mang tính tập trung, thống nhất, vận hành thông suốt, nhanh nhạy và không thể bị cắt khúc theo kiểu cát cứ như ở nông thôn. Vì vậy, không thể phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền trong nội bộ đô thị (thành phố trực thuộc trung ương - quận - phường) hoặc tỉnh – thị xã, thành phố (thuộc tỉnh) – phường giống như phân cấp, phân quyền ở chính quyền nông thôn (tỉnh - huyện - xã). Trong nội bộ đô thị, cần áp dụng cơ chế uỷ quyền, tản quyền của chính quyền thành phố, thị xã cho các cơ quan quản lý hành chính cấp dưới (quận, phường) thực thi một số nhiệm vụ quản lý hành chính cụ thể; tổ chức các cơ quan hành chính ở quận, phường như là “cánh tay nối dài” của cơ quan hành chính thị xã, thành phố.” 
Việc phân cấp trong các cơ quan HCNN phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của nền HCNN, tránh tình trạng cát cứ, cục bộ địa phương của các cơ quan HCNN trong việc phân cấp tuyển dụng công chức trong các cơ quan HCNN. Tăng cường khả năng quản lý, các cơ quan HCNN ở trung ương và các cơ quan HCNN ở địa phương
và khả năng cân đối các nguồn lực cần thiết để thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta hiện nay.

Thứ  hai,  tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phân cấp tuyển dụng công chức trong các cơ quan hành chính  
Điều 2, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Do đó, các cơ quan HCNN ở Trung ương và các cơ quan HCNN ở địa phương tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, các cơ quan HCNN của Việt Nam tích cực thể chế hoá kịp thời, đúng đắn, năng động đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của nhà nước, rà soát, bổ sung vào hệ thống pháp luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp để tránh sự chồng chéo, thiếu rõ ràng; chú trọng hơn đến tính khả thi, tính đồng bộ trong các quy định.
Thực hiện quản lý nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm Chính phủ quản lý thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, thanh tra, kiểm tra. Tuân thủ nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ những nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ, ngành với nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền cấp tỉnh đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn lãnh thổ.
Cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của cơ quan HCNN ở trung ương với cơ quan HCNN ở địa phương trong việc phê duyệt kế hoạch tuyển dụng, ra quyết định tuyển dụng… nhằm bảo đảm   cho cơ quan nhà nước hoạt động đúng quy định của pháp luật hiện hành. Nghiên cứu thay đổi quy định về tổ chức, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan HCNN ở địa phương theo hướng có tính độc lập cao hơn như quy định trong Luật CBCC năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành để tránh việc cơ quan HCNN ở địa phương phụ thuộc quá nhiều vào cơ quan HCNN trung ương và giảm thiểu được sự chồng chéo. 
Cần xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, phạm vi, tính chất của công việc đặc thù của cơ quan HCNN nhằm xác định tổng biên chế, tránh việc áp đặt bình quân đồng loạt giữa các cơ quan HCNN ở trung ương và cơ quan HCNN ở địa phương. Theo đó, giao cho các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc giao, bố trí, tinh giản biên chế, tạo. Trên cơ sở đó, giao cho bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc giao, bố trí, tinh giản biên chế, tái cơ cấu thuộc phạm vi quản lý của mình để tạo sự chủ động, sát với tình hình, yêu cầu thực tế tại bộ, ngành, địa phương. 

Thứ  ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng  công chức thực hiện việc phân cấp  tuyển dụng công chức trong các cơ quan HCNN 
Để thực hiện việc phân cấp tuyển dụng công chức nói chung và công chức hành chính nói riêng có hiệu quả, mỗi công chức làm công tác tổ chức cán bộ phải thật sự gương mẫu, có đạo đức nghề nghiệp, chấp hành nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Các cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng công chức hướng tới đào tạo, bồi dưỡng theo VTVL. Điều quan trọng là phải tăng cường nhận thức cho đội ngũ công chức làm công tác tuyển dụng bằng cách mở những lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn về thủ tục tuyển dụng công chức ở các cơ quan cho những người làm công tác tuyển dụng để họ nắm vững được quy trình, thủ tục, nguyên tắc, phương thức… tuyển dụng tránh dẫn đến sai sót trong bất cứ khâu nào.
Trong việc phân cấp tuyển dụng công chức trong các cơ quan HCNN phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan thu hút người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan HCNN. Hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào khâu coi th, chấm thi để đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khách quan trong việc phân cấp tuyển dụng công chức trong các cơ quan HCNN.
Những người làm công tác tuyển dụng hiện nay đa phần không được đào tạo cơ bản về lĩnh vực này mà đa phần là làm công tác kiêm nhiệm, do vậy, mới xẩy ra những hiện tượng bất cập trong tuyển dụng công chức. Cần chuyên nghiệp hoá đội ngũ công chức làm công tác tuyển dụng công chức. 

Thứ tư, tổ chức việc thực hiện việc kiểm soát  phân cấp  tuyển dụng công chức trong các cơ quan HCNN
Tổ chức thực hiện việc phân cấp, phân quyền trong các cơ quan HCNN gắn với sự kiểm soát trong các cơ quan hành chính nhà nước theo định kỳ  hoặc đột xuất, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và các cơ quan hành chính nhà nước chống biểu hiện quan liêu, hách dịch, tham nhũng trong công tác cán bộ; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng sự phát triển vững mạnh của các cơ quan HCNN.
Việc phân cấp tuyển dụng công chức trong các cơ quan HCNN đảm bảo xây dựng đội ngũ công chức các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; kiểm soát chặt chẽ quyền lực đội ngũ công chức; chống biểu hiện quan liêu, hách dịch, tham nhũng trong công tác cán bộ; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng sự phát triển vững mạnh của các cơ quan HCNN.

Cập nhật : 16:24 - 02/01/2020
In trang này Click here to Print it!