MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG VIỆC PHÂN CẤP TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Phần 2)


Phân cấp tuyển dụng công chức trong các cơ quan HCNN là việc cơ quan hành chính nhà nước cấp trên chuyển giao cho cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách thường xuyên, liên tục một hay một số nhiệm vụ, quyền hạn đối với các nội dung tuyển dụng công chức thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình bằng các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các quyết định nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các cơ quan HCNN.   

3.  Phân cấp trong việc tổ chức tuyển dụng công chức  
Điều 25, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định rõ thẩm quyền phân cấp, phân quyền của Chính phủ phải trên cơ sở các quy định của Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều 12, Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 quy định: “Việc phân quyền cho mỗi cấp CQĐP phải được quy định trong các luật”. Việc phân cấp cho CQĐP phải dựa trên khung pháp lý căn bản, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền XHCN. Điều 13, Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 quy định: “Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho CQĐP hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. 

Theo quy định Điều 16, Luật CBCC năm 2008 về tổ chức tuyển dụng công chức. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng để tổ chức việc tuyển dụng. Trường hợp không thành lập Hội đồng tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức giao bộ phận tổ chức cán bộ thực hiện. Theo tác giả, việc phân định thẩm quyền của các chủ thể trong việc tuyển dụng công chức HCNN là tương đối hợp lý. 

Bên cạnh đó, các cơ quan HCNN ở địa phương như Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND, ngày 13 tháng 04 năm 2017 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, và tại Yên Bái đã ban hành Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND, ngày 20  tháng 11 năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái quy định về phân cấp quản lý CBCC, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập từ cấp huyện trở lên, các hội có tính chất đặc thù được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao biên chế, người giữ chức danh quan lý tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn góp nhà nước tỉnh Yên Bái… Các quy định của pháp luật đã tạo ra cơ sở pháp lý để cho các cơ quan HCNN thực hiện việc phân cấp tuyển dụng công chức.

Các cơ quan, đơn vị luôn bám sát định hướng, quan điểm, đường lối của Đảng, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo địa phương tích cực triển khai việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức. Đội ngũ công chức hành chính đã dần dần trưởng thành hơn thông qua các nhiệm vụ được phân cấp trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ở địa phương.

Theo quy định của pháp luật, Khoản 4, Điều 19, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập: “4. Trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào công chức theo quy định tại Nghị định này được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào công chức (nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) được tính để làm căn cứ xếp ngạch, bậc lương phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng.”

Theo khoản 2, Điều 11, Thông tư 03/2019/BNV thì căn cứ để xếp lương cho công chức mới được tuyển dụng phải  “Cơ quan quản lý công chức quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để có ý kiến trước khi quyết định”. Như vậy, theo tinh thần của Thông tư 03/2019/BNV đã có nội dung nhằm phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho các địa phương, tuy nhiên, theo tác giả việc phân cấp này vẫn chưa triệt để bởi vì vẫn bị ràng buộc quy định “hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền”, vậy, Khi nào cơ quan hành chính nhà nước được tự quyết định? và khi nào cơ quan nhà nước phải báo cáo cấp có thẩm quyền? Và việc báo cáo cấp có thẩm quyền cụ thể là cấp nào, cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp hay cơ quan hành chính nhà nước ở cấp trên? Do đó, với quy định trên, những người có thời gian làm việc ở khu vực tư vào làm việc tại các cơ quan nhà nước mà áp dụng quy định trên gây không ít khó khăn, vướng mắc khi triển khai các quy định của pháp luật.

Trong quá trình tổ chức phân cấp tuyển dụng công chức trong các cơ quan HCNN có một số cá nhân có thẩm quyền đã cố tình vi phạm các quy định của pháp luật như việc làm lộ đề thi ở Phú Yên , Cà Mau … đã gây ảnh hưởng không tốt đến công tác tuyển dụng công chức trong các cơ quan HCNN.

Cập nhật : 16:22 - 02/01/2020
In trang này Click here to Print it!