GIỚI THIỆU LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA


Ngày 14/6/2019, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Kỳ họp thứ 7 với tỷ lệ đồng thuận cao (84,3%). Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 36 điều, trong đó, quy định về biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

1. Khái quát:
Luật được xây dựng trong bối cảnh sử dụng rượu, bia đã tồn tại lâu đời và trở thành thói quen tiêu dùng đối với người dân Việt Nam. Ngành công nghiệp rượu, bia cũng có đóng góp không nhỏ cho các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở nước ta đang ở mức rất cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014, mức tiêu thụ bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) là 4,4 lít cồn nguyên chất. Nếu tính riêng nam giới trên 15 tuổi có sử dụng rượu, bia thì trung bình một nam giới Việt Nam tiêu thụ tới 27,4 lít cồn nguyên chất/năm vào năm 2010, xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á và thứ 29 trên thế giới. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia không chỉ tăng ở nam giới, mà còn ngày càng phổ biến ở cả đối tượng nữ. Chỉ trong vòng 5 năm từ 2010 tới 2015, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở nam giới trên 15 tuổi tăng từ 70% tới 80,3%, trong khi nữ giới trên 15 tuổi là từ 6% lên gần gấp đôi (11,6%). Những con số rất đáng lo ngại xuất phát từ điều tra sức khỏe học sinh năm 2013 cho thấy có tới 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần. 

Điều đáng lo ngại là, rượu, bia là sản phẩm chứa cồn, là chất gây nghiện, gây ngộ độc cấp và được Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư, cũng là nguyên nhân gián tiếp gây ra ít nhất 200 loại bệnh tật theo danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10. 

Đứng trước những lợi ích về kinh tế mà rượu, bia đem lại và những hệ lụy mà rượu, bia gây ra, Quốc hội đã rất thận trọng và dân chủ trong việc quyết định chính sách và thông qua Luật.

Có thể khẳng định rằng, với 03 nhóm giải pháp chủ đạo “giảm cung”, “giảm cầu” và “giảm tác hại”, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được coi là đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, với mục tiêu cao nhất cả trước mắt và lâu dài là định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân. Luật ra đời đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao từ dư luận xã hội.

2. Giới thiệu sơ bộ về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và những nội dung mới, quan trọng của Luật
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 36 điều, trong đó, quy định về biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Chương I những quy định chung, gồm 5 điều: quy định 5 chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, đây chính là kim chỉ nam cho quá trình triển khai Luật sau này, 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng được quy định cụ thể tại chương này cũng như quyền và nghĩa vụ của người dân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. 

Chương II về biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia gồm 9 điều, quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia, trong đó có nội dung hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại để phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác; quản lý việc khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia nhằm giảm tính tiếp cận với rượu, bia, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai; đồng thời cũng quy định địa điểm không được uống rượu, bia.

Chương III về biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia, gồm 6 điều, quy định các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia, cụ thể quy định về điều kiện cấp phép sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, điều kiện cấp phép mua bán rượu; bên cạnh đó cũng quy định việc quản lý rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh (đây là sản phẩm đang tiêu thụ phổ biến trên thị trường); quy định địa điểm không được bán rượu, bia; phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Chương IV về biện pháp giảm tác hại của rượu, bia gồm 5 điều quy định về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia; phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe; phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng; chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.

Chương V về điều kiện đảm bảo cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, gồm 3 điều quy định về kinh phí, việc đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia, và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chương VI quy định về quản lý nhà nước và trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 6 điều quy định về quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; của cơ sở kinh doanh rượu, bia; của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và của gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chương VII về điều khoản thi hành, gồm 2 điều quy định về việc Sửa đổi, bổ sung quy định của một số luật khác như Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Thương mại và quy định về hiệu lực thi hành.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có 7 nội dung cơ bản như sau:
(1) Luật hóa hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
(2) Quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có nghĩa là người điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Để đảm bảo tính khả thi, Luật giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải phải thực hiện các biện pháp để người điều kiển phương tiện không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Những quy định này đã cho thấy sự quyết tâm của Quốc hội trong phòng ngừa tai nạn giao thông có liên quan tới việc sử dụng rượu, bia. (điều này còn được thể hiện trong Nghị quyết số 84/2019/QH14, kỳ họp thứ 7, tại khoản 5 Điều 1: giao cho Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý hành vi vi phạm phâp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; trong đó cần tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông)
(3) Về quy định quản lý, kinh doanh rượu, bia: các điều kiện cấp phép sản xuất, mua bán rượu ngay; điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; quản lý sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, cụ thể hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải có bản kê khai gửi Ủy ban nhân dân cấp xã về lượng rượu được sản xuất, phạm vi sử dụng, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và không bán rượu ra thị trường theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định. Đây được coi là biện pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng không có lợi do loại sản phẩm này gây ra. 
Các sản phẩm rượu có độ cồn dưới 5,5 độ (ví dụ nước hoa quả lên men…) cũng sẽ được điều chỉnh, tuy nhiên để linh hoạt thì Chính phủ sẽ quy định cụ thể. Luật cũng quy định cụ thể các địa điểm không được bán rượu, bia (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, ..).
(4) Quy định về quản lý khuyến mại, quảng cáo và tài trợ của các cơ sở kinh doanh rượu, bia theo hướng cụ thể và chặt chẽ hơn so với pháp luật hiện hành. Cụ thể: 
- Cấm khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
- Không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia.
- Quy định các mức độ quản lý quảng cáo khác nhau với các sản phẩm rượu, bia có độ cồn khác nhau, cụ thể: quy định kiểm soát quảng cáo vừa phải đối với sản phẩm rượu, bia dưới 5,5 độ cồn, chủ yếu nhằm hạn chế những tác động của quảng cáo đến trẻ em và một số đối tượng yếu thế; kiểm soát chặt hơn với sản phẩm rượu từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn và bia từ 5,5 độ cồn trở lên; cấm hoàn toàn quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên. 
Về vấn đề này, Quốc hội đã rất quyết tâm trong việc quy định “Không được quảng cáo trên báo nói, báo hình ngay trước, trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em; trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ” tại điểm c khoản 3 Điều 12 của Luật.
(5) Quy định biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia; địa điểm không uống rượu, bia, địa điểm không bán rượu, bia và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý cơ sở có địa điểm quy định không được uống, không được bán rượu, bia và người đứng đầu cơ quan, tổ chức và gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. 
Trong đó, cần lưu ý về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia, cụ thể “không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông kể từ ngày Luật này có hiệu lực”.
(6) Quy định về phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, các bệnh có liên quan đến sử dụng rượu, bia; tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia; biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng; chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.
(7) Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Về tổ chức thực hiện
Thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, điều kiện tiên quyết để những đạo luật có tính chất dự phòng, có xử lý nhưng rất coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục như Luật này. Để đạo luật này có thể đi vào cuộc sống thì cần có nhận thức xã hội đúng đắn, phát huy được sự tham gia tích cực từ mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, xã hội, đặc biệt là quyết tâm bền bỉ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đây là quá trình lâu dài, với nhiều khó khăn, thách thức. 

Chính phủ ngay sau khi Luật được thông qua cần tập trung:
- Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng khắp để mọi người dân, gia đình, cơ quan, tổ chức hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của Luật.
- Khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này và các quy định của Luật giao thông đường bộ, Luật giao thông đường thủy nội địa và Luật Thương mại được sửa đổi tại Luật này.
- Chú trọng củng cố, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia và bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành Luật.
- Tiếp tục quan tâm triển khai tốt việc thực hiện pháp luật về an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình..., để ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm liên quan đến rượu, bia. 
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để xây dựng cơ chế đồng bộ, hữu hiệu trong phòng, chống tác hại của rượu, bia vì sức khỏe của người dân và an toàn của cộng đồng.
- Đối với các địa phương tập trung tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức; tăng cương phổ biến pháp luật đến xã, phường, thị trấn, thôn, bản, cum dân cư, tạo sự đồng thuận của nhân dân; phát động phong trào không uống rượu bia trong giờ làm việc, tham gia giao thông; MTTQ, các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội vận động hội viên, thành viên và nhân dân chấp hành pháp luật.


Cập nhật : 16:13 - 02/01/2020
In trang này Click here to Print it!