XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM - THỰC TRẠNG VÀ GỈAI PHÁP (Phần 1)


Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý. Cho nên, con số nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ước tính, khoảng 68,4% số trẻ em từ 1 tuổi đến 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình. Việc sớm đề ra những chủ trương, biện pháp nhằm hạn chế, ngăn ngừa nạn xâm hại tình dục trẻ em là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra đối với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

I. Khái niệm xâm hại trẻ em
1. Khái niệm
Theo Tổ chức y tế thế giới: “Xâm hại trẻ em là tất cả các hình thức ngược đãi về tình cảm hoặc thân thể, lạm dụng tình dục, sao nhãng hoặc đối xử lơ đãng hoặc khai thác vì mục đích thương mại hoặc khai thác dẫn đến tổn hại hoặc có nguy cơ dẫn đến tổn hại tới sức khỏe, sự sống còn, sự phát triển hoặc nhân phẩm của trẻ trong bối cảnh có liên quan đến trách nhiệm, sự tin cậy hoặc quyền lực”. Xâm hại trẻ em hay ngược đãi trẻ em là tất cả những hình thức đối xử tồi tệ về tình cảm hay thể chất, xâm hại tình dục, sao nhãng, đối xử không đúng mức hoặc bóc lột vì mục đích thương mại hay các mục đích khác gây ra tổn hại thực tế hay tiềm ẩn đối với sự phát triển, sự sống còn, sức khỏe hay nhân phẩm của trẻ khi xét về trách nhiệm, lòng tin hay quyền hành.
Tại khoản 5 - Điều 4 Luật trẻ em năm 2016 quy định: Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.
2. Các hình thức xâm hại trẻ em
Trẻ em bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau, theo khoản 4 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 giải thích về xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Trong đó nổi bật trong các hành vi xâm hại trẻ em thì hành vi xâm hại tình dục đang là một vấn đề “nóng”, gây bức xúc, hoang mang trong xã hội.

II. Vấn đề xâm hại tình dục trẻ em
1. Thực trạng tội phạm xâm hại trẻ em hiện nay
Theo thống kê của Bộ Công an, trong giai đoạn 2011-2016 gần 7.400 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện. Trong 2 năm 2017 - 2018, toàn quốc xảy ra 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục . Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) đã hỗ trợ, can thiệp 214 ca xâm hại tình dục trẻ em năm 2017 và 250 ca năm 2018 (tăng 36 ca so với năm 2017) . 
Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em hiện nay xảy ra trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, số vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Vấn đề này đặt ra thách thức cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tố tụng, các cơ quan, tổ chức hữu quan cũng như toàn xã hội trong viêc ngăn ngừa tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra, chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo cho các em một cuộc sống vui tươi, an toàn, lành mạnh.
2. Nguyên nhân tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gia tăng 
Xâm hại trẻ em xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nhóm nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, gia đình, người thân, đặc biệt là cha mẹ, ông bà của trẻ buông lỏng quản lý, để trẻ nảy sinh quan hệ yêu đương mà không biết, không nắm bắt được các mối quan hệ của trẻ, gia đình trạng bị cho trẻ các phương tiện liên lạc, các phương tiện nghe, nhìn hiện đại, có tính năng cập nhật mạng xã hội dễ dàng nhưng lại thwof ơ, chủ quan, không có biện pháp quản lý nguồn thông tin trẻ cập nhật, đối tượng liên hệ, giao lưu của trẻ, không có biện pháp hướng dẫn, định hướng cho trẻ khai thác nguồn thông tin phù hợp lứa tuổi; thiếu nhận thức, kiến thức về các nguy cơ khiến trẻ bị xâm hại, thiếu kỹ năng phòng chống xâm hại để có thể hướng dẫn cho dẫn  đến trẻ bị xâm hại .
Thứ hai, Do điều kiện nền kinh tế, cơ sở vật chất, điều kiện xã hội của nước ta ngày càng được nâng lên, trẻ có điều kiện sống tốt hơn, thể chất của trẻ được cải thiện, tăng cao hơn, trẻ có độ tuổi dậy thì trung bình ngày càng sớmhơn so với trước. Tâm lý tò mò muốn khám phá về giới tính của trẻ ngày càng cao hơn, trẻ tìm hiểu kiến thức giới tính theo bản năng. Tuy nhiên, công tác giáo dục giới tính cho trẻ từ nhà trường và gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Trẻ thường tự tìm hiểu, khám phá kiến thức về giới tính qua bạn bè, mạng xã hội nhưng chưa biết cách chọn lọc thông tin, thiếu kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ bị xâm hại như: các “vùng cấm” trên cơ thể của trẻ, hành vi như thế nào đối với trẻ là trẻ bị xâm hại, đối tượng có khả năng xâm hại, hàn cảnh, địa điểm có khả năng dẫn đến trẻ bị xâm hại, các vùng cấm trên cơ thể ... khiến các đối tượng dễ dàng lợi dụng để xâm hại trẻ.
Thứ ba, Do công tác quản lý của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện, hiện nay còn nhiều lỏng lẻo, sơ hở dẫn đến các đối tượng lợi dụng các dịa điểm như: quán Karaoke, nhà nghỉ, khách sạc ... để xâm hại trẻ em.
Thứ tư, xâm hại trẻ em chưa kịp thời được tố giác đến các cơ quan chức năng khiến công tác đấu tranh, phát hiện, xử lý còn nhiều hạn chế. Thực trạng này cơ bản là do:
Đối với trẻ em: có thể chia ra gồm các nhóm trẻ bị xâm hại như sau:
Nhóm trẻ không nhận thức được hành vi của đối tượng thực hiện với bản thân trẻ là xâm hại với trẻ. Nhóm trẻ này thường là các trẻ em có tâm, sinh lý phát triển sớm, phát sinh tình cảm yêu đương sớm nên “tự nguyện” để đối tượng xâm hại hoặc trẻ chưa được phổ biến, giáo dục kiến thức về xâm hại nên không nhận thức được hành vi của đối tượng thực hiện là hành vi bị cấm đối với nên trẻ đã không cầu cứu, không tố giác hành vi bị xâm hại, không tố giác đối tượng xâm hại. 
Nhóm trẻ bị đối tượng xâm hại đe dọa, khống chế nên trẻ không dám tố giác việc bị xâm hại. Các trẻ bị xâm hại ở nhóm này là những trẻ bị phụ thuộc, các đối tượng xâm hại trẻ là: bố mẹ, ông bà, người nuôi dưỡng, người giám hộ, thầy cô giáo , 
Nhóm trẻ nhỏ (khoảng từ 10 tuổi trở xuống), trẻ bị nhược điểm hạn chế về thể chất, tâm thần. Trẻ bị xâm hại chưa thể nhận thức được việc bị xâm hại, trẻ không có, chưa có khả năng nói ra việc bị xâm hại. 
Nhóm trẻ (từ khoảng 10 tuổi trở lên) nhận thức được việc mình bị xâm hại. Tuy nhiên, trẻ lo sợ việc bị bạn bè, người thân, dư luận chê cười, xa lánh, kỳ thị ... Vì vậy, để được “yên bình, tiếp tục sống”, trẻ lựa chọn im lặng, không tố giác tội phạm.
Đối với người thân của trẻ: về cơ bản, cũng như trẻ, họ không nhận thức được hành vi của đối tượng thực hiện đối với trẻ là xâm hại trẻ; họ bị đối tượng xâm hại đe dọa, khống chế; họ sợ tương lai của trẻ bị hủy hoại, cuộc sống của gia đình bị xáo trộn, ảnh hưởng, ... nên họ lựa chọn không tố giác hành vi xâm hại đối với trẻ; họ không biết có thể tố giác ở đâu, có thể tìm tới  cơ quan,  tổ chức, cá nhân nào bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho trẻ và cho gia đình mình.
Hậu quả của vấn nạn xâm hại trẻ em là rất nghiêm trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của trẻ.Xâm hại trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến trẻ mà còn kéo theo các hệ lụy phức tạp, lâu dài với cảgia đình, người thân của trẻ như: công việc bị gián đoạn để khám, chữa bệnh cho các em, tham gia tố tụng, các mối quan hệ bị ảnh hưởng, mất việc làm, phải rời bỏ quê hương, bản quán để đi nơi khác sinh sống, bị hắt hủi, kỳ thị, xa lánh thay vì được cảm thông, chia sẻ ... 

Chú thích:
1. Các vụ xâm hại tình dục trẻ em được Tổng đài 111 kết nối, can thiệp xảy ra nhiều nhất ở các tỉnh, thành phố: TP.Hồ Chí Minh (37 ca), Đắk Lắk (26 ca), Thanh Hóa (21 ca), Hà Nội (19 ca), Cà Mau (16 ca), Bình Dương (16 ca), Đồng Nai (14 ca)…
2. Em gái 13 tuổi tự tử sau khi bị người hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần (Cà Mau); vụ nữ sinh lớp 10 bị hiếp dâm tập thể ở Quảng Trị; vụ nữ sinh lớp 10 bị hiếp dâm tập thể ở Hà Giang; bé gái 12 tuổi bị bạn trai quen qua mạng xã hội xâm hại tình dục ở Đồng Tháp, Hà Nội...
3. Em gái 11 tuổi bị cả cha đẻ và ông nội xâm hại tình dục (Vĩnh Long), Em gái 14 tuổi bị cha đẻ là quân nhân xâm hại tình dục suốt 04 năm (Bắc Giang), Nhiều học sinh nam trường nội trú bị thầy hiệu trưởng xâm hại tình dục (Phú Thọ). Nhiều học sinh nữ lớp 3 bị thầy giáo xâm hại tình dục (Hà Nội)...
Tài liệu tham khảo:
1. Luật trẻ em năm 2016
2. Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.
3. Báo cáo của Cục Cảnh sát hình sư, Bộ Công an
4. Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Báo cáo về nạn xâm hại tình dục trẻ em năm 2017-2018

Cập nhật : 16:08 - 02/01/2020
In trang này Click here to Print it!