Những kết quả thu được qua chuyến nghiên cứu và học tập kinh nghiệm tại Cộng hòa Ấn Độ


Bài viết dưới đây ghi nhận một số kết quả nghiên cứu đã thu được qua các cuộc làm việc với Quốc hội Ấn Độ trong chuyến công tác đi thăm và làm việc tại quốc gia này.

1. Vài nét về Cộng hòa Ấn Độ và Nghị viện Ấn Độ
Cộng hòa Ấn Độ là một quốc gia tại Nam Á, là quốc gia lớn thứ bảy về diện tích và đông dân thứ hai trên thế giới với trên 1,33 tỷ người, với Thủ đô là New Delhi . 

Về thể chế nhà nước, Ấn Độ theo chế độ Cộng hòa Nghị viện, gồm có nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp.

- Nhánh lập pháp: gồm có thượng viện và hạ viện. Thượng viện gồm có 233 đại biểu với nhiệm kỳ là 6 năm được bầu từ các cơ quan lập pháp bang và vùng lãnh thổ tương ứng với tỷ lệ dân số của bang, của vùng lãnh thổ so với tổng dân số của Ấn Độ. Hạ viện có 542 đại biểu, được bầu trực tiếp theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, đại diện cho ý chí và quyền làm chủ của người dân tại các khu vực bầu cử, trong đó có 12 đại biểu do Tổng thống chỉ định là những người có uy tín trên các lĩnh vực và được nhân dân thừa nhận, nhiệm kỳ của đại biểu là 5 năm. Hạ viện có 24 Ủy ban, mỗi đại biểu Hạ viện là thành viên của một trong số 24 Ủy ban của Hạ Viện.

- Nhánh hành pháp: gồm có Tổng thống, Phó tổng thống và Hội đồng Bộ trưởng do Thủ tướng đứng đầu. Tổng thống Ấn Độ là nguyên thủ Quốc gia do đại cử tri toàn quốc bầu ra, nhiệm kỳ của Tổng thống là 5 năm. Chính đảng hoặc liên minh đảng nắm giữ đa số ghế trong Hạ viện sẽ thành lập Chính phủ. Người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Chính phủ do Tổng thống bổ nhiệm. Người được bổ nhiệm làm bộ trưởng phải là một thành viên trong các viện của Quốc hội. Thủ tướng và Hội đồng Bộ trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hạ viện về việc thực thi nhiệm vụ của mình.

- Nhánh Tư pháp: có ba cấp gồm, Tòa án Tối cao do Chánh án đứng đầu, 25 tòa Thượng thẩm và các tòa án sơ thẩm. Toà án Tối cao có thẩm quyền ban đầu đối với các vụ án liên quan đến các quyền cơ bản và tranh chấp giữa các bang và Trung ương, hủy bỏ các bản án của tòa án thượng thẩm; có quyền công bố luật và bãi bỏ các văn bản pháp luật của bang trái với Hiến pháp.

Cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ năm 2019 đã được tổ chức bỏ phiếu từ ngày 11 tháng 4 đến ngày 19 tháng 5 năm 2019. Kiểm phiếu và công bố kết quả kiểm phiếu vào ngày 23 tháng 5 năm 2019. Trong cuộc bầu cử lần này có khoảng 900 triệu cử tri đi bỏ phiếu (tỷ lệ cử tri là hơn 67%), đây là tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu cao nhất từ trước đến nay. Kết quả có 542/543 nghị sĩ được bầu từ các khu vực bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Trong đó Đảng DNA có 353 đại biểu; đảng UPA có 90 đại biểu; đảng MGB có 15 đại biểu và đảng OTH có 84 đại biểu. Ngoài ra Tổng thống Ấn Độ có quyền để cử hai đại biểu từ cộng đồng Anh-Ấn nếu trong cuộc bầu cử cộng đồng Anh - Ấn không có đại biểu. 

- Thượng viện có 245 đại biểu, trong đó 233 đại biểu được các cơ quan lập pháp của 29 bang và 7 lãnh thổ liên minh bầu chọn gián tiếp bằng phiếu đại cử tri và có 12 đại biểu ở Thượng viện do Tổng thống chỉ định do có những đóng góp tiêu biểu trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn học, khoa học và dịch vụ xã hội (theo Điều 80 của Hiến pháp). Nhiệm kỳ của Nghị sỹ Thượng viện là 6 năm và không bị giải thể. Trong nhiệm kỳ cứ hai năm một lần sẽ có 1/3 số Thượng nghị sỹ sẽ được bầu lại do nghỉ hưu, đối với các trường hợp khác như từ chức, chết sẽ được bầu bổ sung trong vòng sáu tháng.

Điều kiện để trở thành Nghị sỹ Thượng viện theo Điều 84 của Hiến pháp quy định “Là một công dân của Ấn Độ từ 30 tuổi trở lên; có năng lực tài chính, không mất hành vi dân sự; không bị kết án; không có tính vụ lợi; tuân thủ và theo đuổi các mục đích, tôn chỉ của Hiến pháp; có trình độ, năng lực, bằng cấp theo quy định của Nghị viện; được bầu bởi Hội đồng Lập pháp của các Bang và các lãnh thổ bằng phương thức bỏ phiếu đại cử tri. Ngoài ra, đối với 12 đại biểu do Tổng thống Ấn Độ đề cử phải có kiến thức đặc biệt trong các lĩnh vực khác nhau như nghệ thuật và khoa học và không được bầu trong các cuộc bầu cử (theo Điều 55 của Hiến pháp)”.

- Hạ viện có 297 đại biểu là Nghị sỹ Hạ viện do cử tri của 29 bang và 7 lãnh thổ trực tiếp bầu ra, nhiệm kỳ là 5 năm hoặc có thể bị Tổng thống giải tán theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Kinh nghiệm bầu cử của Ấn Độ và cơ quan phụ trách bầu cử
Ủy ban bầu cử Quốc gia Ấn Độ được thành lập 1/1950, là cơ quan Hiến định trong Hiến pháp, là cơ quan hoạt động thường xuyên, có trách nhiệm tổ chức các cuộc bầu cử Thượng viện, Hạ viện, Hội đồng lập pháp bang, Hội đồng lập pháp tiểu bang và các văn phòng của Tổng thống và Phó Tổng thống của đất nước. Ủy ban bầu cử hoạt động theo thẩm quyền được quy định tại Điều 324 của Hiến pháp. Cơ cấu của Ủy ban bầu cử gồm Chủ tịch và hai ủy viên Ủy ban bầu cử. Giúp việc cho Ủy ban bầu cử có Ban thư ký Ủy ban bầu cử có trụ sở tại Thủ đô New Delhi. Các Tiểu bang và vùng lãnh thổ đều có Giám đốc bầu cử của tiểu bang. Ở cấp quận và khu vực bầu cử có cán bộ phụ trách bầu cử, cán bộ đăng ký bầu cử và cán bộ trở về thực hiện công tác bầu cử. Nhiệm vụ của Uỷ ban bầu cử quốc gia là tạo lập một môi trường bầu cử miễn phí, công bằng, tự do tất cả cho các cử tri, kể cả cử tri là người khuyết tật, ở các vùng sâu, vùng xa, mà theo họ là để bảo đảm cuộc bầu cử thực sự là “là ngày hội dân chủ của toàn dân”.

Chủ tịch Ủy ban bầu cử thường là thành viên của cơ quan hành chính Ấn Độ do Tổng thống bổ nhiệm. Việc phủ quyết kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban bầu cử phải được ít nhất hai phần ba số nghị sỹ của cả Thượng viện và Hạ viện đồng ý mới có giá trị pháp lý. Các ủy viên bầu cử khác có thể bị Tổng thống Ấn Độ bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban bầu cử.

3. Về cơ chế bầu cử
Năm 1951, Quốc hội lâm thời Ấn Độ ban hành Luật Đại diện của Nhân dân để cụ thể hóa Điều 327 của Hiến pháp quy định về quy trình bầu cử Hạ viện và cơ quan lập pháp ở các bang và vùng lãnh thổ; quy định về tiêu chuẩn ứng cử và tư cách thành viên của nghị sỹ; quy định các hành vi vi phạm liên quan đến các cuộc bầu cử để áp dụng từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đến cuộc tổng tuyển cử lần thứ 17 vào tháng 5 năm 2019.

Ủy ban bầu cử là cơ quan ban hành Quy chế bầu cử, lập danh sách cử tri, ấn định ngày bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả kiểm phiếu, xác nhận tư cách trúng cử của người trúng cử và Quy chế bầu cử có hiệu lực trên toàn quốc, được áp dụng trong tất cả các cuộc bầu cử ở cả các bang và vùng lãnh thổ, ví dụ: như cách tính phiếu hợp lệ, các trường hợp phiếu không hợp lệ. 

Năm 1998, Ủy ban bầu cử đã quyết định một chương trình "tin học hóa" các danh sách bầu cử, việc áp dụng công nghệ tin học như Thẻ nhận dạng hình ảnh cử tri, việc bỏ phiếu bầu điện tử…và tại cuộc Tổng tuyển cử Ấn Độ năm 2014, Ủy ban bầu cử đã áp dụng công nghệ này và đã thành công trên toàn bộ dân số của Ấn Độ rất đa dạng, bao gồm cả những người mù chữ ở nông thôn. Đây được coi là một thành tựu lớn đối với Ủy ban bầu cử trong nỗ lực ngăn chặn hành vi gian lận trong các cuộc bầu cử, cũng như đưa Ấn Độ vào số ít các quốc gia  đầu tiên trên thế giới cử tri đi bỏ phiếu bầu hoàn toàn bằng điện tử. Ngày 28 tháng 2 năm 1998, Ủy ban bầu cử đã ra mắt một trang web riêng về bầu cử  để cung cấp thông tin chính xác, quản lý, điều hành và cho kết quả ngay tại mỗi cuộc bầu cử.

Ấn Độ với cơ chế đa đảng vơi hơn 800 Đảng, trong đó, hiện có 7 chính đảng lớn có đại diện ở Hạ viện liên bang, vì vậy yêu cầu đối với ứng cử viên tập trung vào chất lượng hơn là cơ cấu, nên tỷ lệ phụ nữ thì rất ít, tuy nhiên ở cấp Vùng có nơi tỷ lệ này đạt 33%. Về chi phí của ứng cử viên mỗi người ứng cử không quá 10.000 USD, nhưng nếu do Đảng giới thiệu thì không hạn chế kinh phí, nhưng phải bảo đảm minh bạch về tài chính, ứng cử viên nào vi phạm có thể không được công nhận kết quả bầu cử.

Tòa án tối cao của Ấn Độ sẽ điều tra và quyết định về những hành vi gian lận, vi phạm về bầu cử, giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc bầu Tổng thống theo khoản 1, Điều 71 của Hiến pháp. 

4. Chính sách đối với Nghị sỹ
Năm 2018, Ấn Độ chi trả lương và các chi phí khác cho các Nghị sỹ Hạ viện khoảng 29 triệu đô la Mỹ, tính trung bình mỗi Nghị sỹ Hạ viện được tri trả lương và các khoản chi phí khác khoảng hơn 7.000 đô la Mỹ/tháng (50.000 rupi/tháng), chi phí công tác mỗi đại biểu được hưởng 2USD/km, trợ cấp tính theo ngày là 2000 rupi/ngày. Mức lương, phụ cấp và lương hưu của Thành viên của Hạ viện được điều chỉnh bởi Đạo luật của các thành viên Nghị viện năm 1954. Đạo luật này tuân theo các quy định tại Điều 106 của Hiến pháp Ấn Độ.

Cập nhật : 16:24 - 27/12/2019
In trang này Click here to Print it!