Chỉ số PCI với việc ban hành chính sách – Thực tiễn của HĐND tỉnh Đồng Tháp


Nhận thức được tầm quan trọng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhằm xây dựng chính quyền thân thiện với doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo điều kiện thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển bình đẳng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh.

Trong những năm qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã trú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, trong đó vấn đề cải tiến hoạt động Hội đồng nhân dân và vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được quan tâm, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thủ tục hành chính thông thoáng, góp phần giúp địa phương khắc phục bất lợi về vị trí địa lý, điều kiện hạ tầng để tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương. Từ đó, kết quả thực hiện chỉ số PCI của tỉnh Đồng Tháp trong 10 năm qua luôn đứng trong TOP 5, bảng PCI xếp hạng, đặc biệt trong năm 2017 PCI của tỉnh Đồng Tháp đạt 68,78 điểm đứng vị trí thứ 3 bảng xếp hạng cả nước và thuộc nhóm tỉnh/thành có chất lượng điều hành “rất tốt”.

Qua các chỉ số PCI (gồm: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức,cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý), để thúc đẩy hoạt động kinh tế địa phương, đây là những thách thức lớn tác động đối với việc ban hành các chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh, các chính sách của Trung ương, chủ trương của Đảng bộ và điều hành của UBND Tỉnh. HĐND tỉnh Đồng Tháp đã xem xét các nội dung của các chỉ số (PCI) có liên và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình để nghiên cứu và đã ban hành một số chính sách nhằm cụ thể hóa các nội dung chủ yếu của các chỉ số PCI như: Cải thiện tính minh bạch, khả năng tiếp cận đất đai, nâng cao chất lượng đào tạo lao động cho phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương, cụ thể:

- Về Cải thiện tính minh bạch: để góp phần cải thiện tính minh bạch trong chỉ đạo điều hành và thực hiện thủ tục hành chính. HĐND Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 100/2012/NQ-HĐND ngày 08/12/2012 của HĐND Tỉnh về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Đồng Tháp, qua đó Hội đồng nhân dân đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, giám sát đối với UBND Tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan, đã phát hiện một số vấn đề còn tồn tại, bất cập trong công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành và địa phương nhằm giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai, thuế, các chính sách ưu đãi trong kêu gọi đầu tư,…để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo khắc phục, điều chỉnh kịp thời, giúp cho công tác quản lý, điều hành của UBND Tỉnh và các đơn vị cơ quan hoạt động hiệu quả tốt hơn; đồng thời, Thường trực HĐND Tỉnh đề ra các giải pháp hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả giữa kết hợp công tác khảo sát, giám sát của Thường trực HĐND Tỉnh với Hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp mà cử tri, doanh nghiệp quan tâm; thực hiện đa dạng hóa các hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp HĐND để cử tri, doanh nghiệp quan tâm theo dõi;…Bên cạnh đó, các Nghị quyết HĐND Tỉnh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về thu chi tài chính; kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, hàng năm, các chính sách ưu đãi trong kêu gọi đầu tư,…đều được HĐND đăng tải công khai trên Website của HĐND Tỉnh.

- Về khả năng tiếp cận đất đai, để góp phần cải thiện chỉ số này HĐND Tỉnh đã rà soát ban hành các Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011 - 2015) và Nghị quyết thông qua điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Đồng Tháp, hàng năm HĐND Tỉnh xem xét ban hành các Nghị quyết về quy định giá các loại đất, danh mục dự án thu hồi đất, danh mục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước để thực hiện dự án, nhằm tạo sự đồng thuận chung trong tổ chức thực hiện, đồng thời phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các huyện, thị xã, thành phố để triển khai công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện theo đúng quy định pháp luật về đất đai, làm cơ sở thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch được duyệt. Đồng thời HĐND Tỉnh đã ban hành Nghị quyết về thành lập Quỹ phát triển đất tỉnh Đồng Tháp, để thực hiện công tác đền bù, GPMB tạo quỹ đất sạch trên địa bàn Tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn công tác kêu gọi đầu tư.

- Về nâng cao chất lượng đào tạo lao động, để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tỉnh, HĐND Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33/2010/NQ-HĐND ngày 18 tháng 12 năm 2010 về Về việc thông qua Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2015 và Nghị quyết số 59/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 về nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, gắn dạy nghề với doanh nghiệp cung cấp trang thiết bị; nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động; đồng thời, huy động nguồn lực, đầu tư phát triển các trường nghề trọng điểm, các ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao, theo đúng định hướng phát triển của Tỉnh.

- Ngoài ra, để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, HĐND Tỉnh đã ban hành một số chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, như:
+ Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
+ Nghị quyết chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
+ Nghị quyết về bổ sung vốn điều lệ Quỹ phát triển Hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp.
+ Nghị quyết về thành lập Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đồng Tháp.
+ Nghị quyết về việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp.
+ Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội thành phố Sa Đéc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
+ Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cao Lãnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
+ Nghị quyết về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Để tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của các ngành, các cấp trong việc thực hiện tốt chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” nhằm cải thiện môi trường đầu tư - sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển. Trong thời gian tới, HĐND Tỉnh tiếp tục nghiên cứu ban hành một số chính sách ở địa phương nhằm tập trung thực hiện các nội dung cụ thể như sau:
+ Tập trung cải thiện điểm số của 04 chỉ số thành phần có trọng số cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tổng điểm số PCI là: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Tính minh bạch và Chi phí không chính thức. 
+ Điều chỉnh, bổ sung các chính sách nhằm duy trì và tiếp tục nâng cao các chỉ số như: Cải thiện tính minh bạch, Khả năng tiếp cận đất đai, Tính năng động, Thiết chế pháp lý.

- Đề xuất, kiến nghị: đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương có quy định, hướng dẫn cụ thể các nhiệm vụ thực hiện các chỉ số thực hiện PCI thuộc thẩm quyền của HĐND để HĐND căn cứ ban hành các chính sách nhằm cụ thể hóa các chỉ số PCI góp phần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh của địa phương trong thời gian tới. 

Cập nhật : 15:30 - 27/12/2019
In trang này Click here to Print it!