Giới thiệu nội dung Hội nghị bồi dưỡng “Kỹ năng xây dựng chính sách và giám trong lĩnh vực giáo dục”

Thực hiện chương trình công tác năm 2019, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử lập kế hoạch và xây dựng chương trình hội nghị chuyên đề chuyên sâu “Bồi dưỡng kỹ năng xây dựng chính sách và giám sát trong lĩnh vực giáo dục”.  
Trung tâm BD ĐBDC dự kiến sẽ tổ chức 02 Hội nghị với cùng nội dung ở hai miền.
- Hội nghị phía Bắc tổ chức tại tỉnh Bắc Giang: từ ngày 09 - 11/4/2019.
- Hội nghị phía Nam tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk: từ ngày 25 - 27/4/2019.
Mỗi Hội nghị dự kiến có 100 đại biểu gồm: đại biểu Quốc hội khóa XIV; đại biểu Hội đồng nhân dân, công chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân một số tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, một số vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội và đại diện các Bộ, ban ngành ở trung ương và địa phương.

I. Mục đích tổ chức hội nghị
- Cung cấp một số thông tin, kiến thức về một số vấn đề trong lĩnh vực giáo dục để đại biểu sử dụng trong hoạt động lập pháp, giám sát. Đồng thời hội nghị hỗ trợ đại biểu dân cử về kỹ năng phân tích, xây dựng chính sách trong giáo dục, kỹ năng giám sát các nội dung liên quan đến một số chính sách trong lĩnh vực giáo dục, với trọng tâm phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục (sửa đổi).
- Hội nghị còn là diễn đàn trao đổi của các nhà khoa học, đại biểu dân cử về các nội dung liên quan.

II. Nội dung hội nghị
Chương trình hội nghị gồm các nội dung lớn sau đây về giáo dục.
Nội dung 1: Tổng quan một số vấn đề về giáo dục được quan tâm sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Trong nội dung này, báo cáo viên sẽ trình bày tổng quan một số vấn đề về giáo dục nhận được nhiều sự quan tâm của ĐBQH sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và quá trình lấy ‎ý kiến nhân dân. Cụ thể như:
- Hệ thống giáo dục quốc dân: phân loại giáo dục; liên thông và phân luồng trong giáo dục…;
- Một số chính sách đối với người học: Chính sách cử tuyển; trường chuyên, trường chất lượng cao…;
- Chính sách đối với nhà giáo: Chuẩn đào tạo; tuyển dụng và phân công…; 
- Chính sách hỗ trợ các nhóm, vùng khó khăn như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, giáo dục hòa nhập, giáo dục đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt v.v…

Nội dung 2: Phân tích chính sách đầu tư cho chương trình giáo dục và chính sách miễn giảm học phí
Hai chuyên đề thuộc nội dung này tập trung vào kỹ năng phân tích và đánh giá tính hiệu quả, tính công bằng đối với các vấn đề sau:
- Chuyên đề: Chính sách tài chính chi cho chương trình giáo dục và sách giáo khoa nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có thể so sánh hiệu quả chi phí, tính công bằng trong chi cho một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa và chi cho một chương trình, một bộ sách giáo khoa. 
Một số vấn đề cụ thể có thể cần xem xét như: chi phí thực nghiệm, thí nghiệm trong hoạt động giảng dạy theo chương trình giáo dục; áp dụng chương trình phát miễn phí sách giáo khoa đối với học sinh thuộc diện phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; phân tích cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho chương trình và giáo trình của hệ đào tạo nghề theo hướng ứng dụng thực hành.
- Chuyên đề: Các chính sách liên quan đến miễn, giảm học phí và chi phí cho phổ cập giáo dục phổ thông, cụ thể như: Miễn học phí đối với trẻ học mầm non từ 5 tuổi; học sinh tiểu học và trung học cơ sở; Hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh thuộc diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; Hỗ trợ miễn giảm học phí đối với học sinh trung học phổ thông con em trong gia đình thuộc diện các đối tượng chính sách (hộ nghèo, dân tộc thiểu số v.v…); Chính sách hỗ trợ tài chính cho các đối tượng khó khăn theo học các chương trình đào tạo nghề nghiệp (như sinh viên được hỗ trợ vay vốn ở ngân hàng chính sách); Áp dụng chính sách học bổng cho học sinh.

Nội dung 3: Phân tích chính sách đối với việc phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục 
Nội dung này đề cập những vấn đề liên quan đến kỹ năng phân tích và xây dựng chính sách tài chính đầu tư cho nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn hội nhập. Trong đó, tập trung vào chi phí để đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho giáo dục mầm non – lương giáo viên, các chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm. Cụ thể như:
Hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm, cơ chế học bổng cho sinh viên sư phạm trong điều kiện hiện nay đã hợp lý chưa. Phân tích chính sách chi trả lương và phụ cấp cho giáo viên nói chung, đặc biệt giáo viên mầm non ở các khu vực địa bàn miền núi, địa bàn khó khăn, các xã nghèo trong giai đoạn hiện nay… Cơ chế đảm bảo chính sách được đào tạo thường xuyên, cập nhật kiến thức chuyên môn, kỹ năng giảng dạy của các giáo viên vùng sâu, vùng xa. Các kiến nghị cần thiết về chính sách đối với sinh viên sư phạm và giáo viên mầm non… nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này (ví dụ học phí, học bổng có đủ cho sinh viên hay không? Làm sao để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm và thu hút được giáo viên giỏi tham gia giảng dạy, tránh tuyển sinh tràn lan…)

Nội dung 4: Kỹ năng giám sát về quản lý và thực hiện chính sách đầu tư, tài chính trong giáo dục
Nội dung này tập trung vào những vấn đề liên quan đến kỹ năng giám sát về quản lý và thực hiện chính sách đầu tư, tài chính trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể như:
 - Giám sát cơ cấu chi tiêu công giữa các bậc học, nội dung chi trong từng bậc học và ngành nghề của từng bậc học; tính hợp lý, tính hiệu quả, tính công bằng trong cơ cấu chi tiêu công cho giáo dục.
- Giám sát cơ cấu chi ngân sách hàng năm cho giáo dục, trong đó cần đưa ra các giải pháp điều chỉnh cân bằng giữa chi thường xuyên và chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, cũng như các khoản chi cho học tập của người học.
- Kiến nghị các giải pháp trong cơ chế quản lý nhà nước đối với các khoản chi tiêu công mua sắm các trang thiết bị giảng dạy, học tập và thực hành như: sách giáo khoa, học liệu, học cụ, dụng cụ thí nghiệm, mô hình....trong giảng dạy và thực hành.
- Giám sát về tính hợp lý của cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, trong đó có chính sách tiền lương cũng như sự phân cấp trong quản lý ngân sách chi cho giáo dục. 
Bài tập thực hành: Ở các nội dung 2, 3 và 4, các Báo cáo viên sẽchuẩn bị bài tập thực hành tình huống để đại biểu trao đổi thảo luận nhóm/toàn thể.
Trên đây là nội dung của Hội nghị “Kỹ năng xây dựng chính sách và giám trong lĩnh vực giáo dục”. Trung tâm Bồi dưỡng ĐBDC trân trọng giới thiệu và kính mời các đại biểu quan tâm đăng ký tham dự.

TTBD
Cập nhật : 11:07 - 17/09/2019
In trang này Click here to Print it!