VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA CÔNG DÂN TRONG XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ LIÊM CHÍNH (phần 1)

Nhân dân là nhân tố quyết định sự nghiệp cách mạng, quyết định sự thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định vai trò to lớn của Nhân dân qua câu nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”1.  Trong thời bình, Nhân dân có vai trò quyết định đến nền hoà bình, phát triển kinh tế, xây dựng nhà nước pháp quyền. Trong giai đoạn hiện nay, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ thì vai trò của công dân với tư cách người chủ của nhà nước có vai trò như thế nào? Trong phạm vi bài viết đề cập một số nội dung về vai trò của công dân trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính.

Thứ nhất, công dân góp phần quan trọng trong việc xây dựng thiết chế Chính phủ liêm chính. Thành viên của Chính phủ thực chất do Nhân dân bầu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, Chính phủ phản ánh ý chí, sự tín nhiệm của cử tri cả nước. Đối với các thành viên Chính phủ bắt buộc phải là đại biểu Quốc hội (Thủ tướng Chính phủ) trước hết phải nhận được sự tín nhiệm của cử tri để trúng cử trở thành Đại biểu Quốc hội, sau đó nhận được sự tín nhiệm của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân – Quốc hội thông qua việc bỏ phiếu bầu. Đối với các thành viên khác của Chính phủ, mặc dù không bắt buộc phải là Đại biểu Quốc hội nhưng trên thực tế số lượng thành viên Chính phủ đồng thời là Đại biểu Quốc hội thường chiếm đa số. Như vậy, công dân (cử tri) là người có quyền lựa chọn, quyết định một cách trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện của mình để thiết lập nên Chính phủ. Chính phủ là nơi phản ánh sự tín nhiệm, sự tin tưởng và niềm tin của Nhân dân và cả xã hội để điều hành và quản lý đất nước.

Như trên đã phân tích, Chính phủ liêm chính không có nghĩa chỉ có Chính phủ ở trung ương, mà cần phải hiểu liêm chính cần có ở cả các cơ quan hành chính ở địa phương, tức Ủy ban nhân dân (UBND). Cũng như ở trung ương, các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương cũng thể hiện rõ ý chí của nhân dân, do nhân dân bầu hoặc Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu.

Thứ hai, công dân giám sát quản lý và sử dụng CB,CC từ Chính phủ đến cơ sở với nội dung khá đa dạng, nhiều mặt và ở tất cả các khâu, giai đoạn, có thể hệ thống thành các nội dung cơ bản như: giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về CB,CC hành chính; giám sát việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch CB,CC hành chính; giám sát việc quy định chức danh và cơ cấu cán bộ hành chính; giám sát  việc quy định ngạch, chức danh, mã số công chức hành chính; giám sát việc mô tả, quy định vị trí việc làm và cơ cấu công chức hành chính để xác định số lượng biên chế và giám sát các nội dung khác về quản lý CB,CC hành chính. Công dân giám sát việc sử dụng CB,CC hành chính gồm: giám sát việc tuyển dụng, bố trí, phân công công tác, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật CB,CC hành chính2.
 
Công dân có quyền đóng góp ý kiến, gửi đơn thư kiến nghị, giám sát việc ban hành văn bản pháp luật quản lý, sử dụng CB,CC hành chính từ giai đoạn lập chương trình ban hành văn bản đến soạn thảo, thẩm tra, lấy ý kiến và quyết định thông qua. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2015 quy định các ứng cử viên phải báo cáo chương trình hành động của mình với cử tri nơi công tác và nơi cư trú để cử tri phát biểu ý kiến nhận xét và thể hiện sự tín nhiệm của mình đối với từng ứng cử viên. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi để cử tri giám sát cả quá trình diễn ra cuộc bầu cử từ việc hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, đến việc lập danh sách chính thức những người ứng cử và việc bỏ phiếu bầu cử, cũng như công bố kết quả bầu cử nhằm đảm bảo cho cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật. Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo 2011 trao cho công dân có quyền khiếu nại, tố cáo nhiều hành vi liên quan đến quản lý, sử dụng, việc thi hành công vụ của CB,CC hành chính: ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật CB,CC; công dân có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của CB,CC hành chính gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của CB,CC trong việc thực hiện nhiệm vụ. Như vậy, việc giám sát của công dân đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của CB,CC hành chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần dựa vào dân, bảo vệ, khuyến khích và khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giám sát, phát hiện tham nhũng, nhất định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ có kết quả tích cực. Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 quy định công dân trực tiếp thực hiện việc giám sát thông qua quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với cơ quan tổ chức có thẩm quyền; hoặc kiến nghị thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cấp xã; hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng do chính Nhân dân bầu ra. Nội dung giám sát đối với công tác cán bộ quan trọng nhất là lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Trong điều kiện Đảng lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc Nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát đối với Nhà nước và các cơ quan dân cử có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ về chính trị của Nhân dân đối với Nhà nước và CB,CC trong bộ máy công quyền.
(còn tiếp)

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 12, tr. 212
2. Báo cáo Tổng hợp Đề tài khoa học cấp cơ sở: “Quyền giám sát của công dân trong quản lý hành chính nhà nước” (2017), ThS. Lương Văn Liệu (Chủ nhiệm), tr. 17
Cập nhật : 10:54 - 17/09/2019
In trang này Click here to Print it!