MỘT SỐ KẾT QUẢ VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI NGŨ BÁO CÁO VIÊN, CỘNG TÁC VIÊN THAM GIA CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG ĐẠI BIỂU DÂN CỬ

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Công tác đại biểu (thông qua Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử) đã tiến hành nhiều hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử theo kế hoạch đề ra, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của đại biểu dân cử. Trong số các yếu tố làm nên sự thành công, sự tham gia của các báo cáo viên, cộng tác viên là rất quan trọng.

1. Một số kết quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên 
Kinh nghiệm và kết quả sau 15 năm hoạt động đã chứng tỏ mô hình bồi dưỡng đại biểu dân cử phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù của nước ta, đã và đang góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống các cơ quan dân cử ở Việt Nam. Để có được kết quả đáng ghi nhận và tự hào, Lãnh đạo Ban CTĐB nhận thức rằng, bên cạnh các yếu tố khác, không thể thiếu những người trực tiếp truyền đạt kiến thức, kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động ở cơ quan dân cử. 

Trong thời gian qua, mạng lưới báo cáo viên, cộng tác viên tham gia bồi dưỡng đại biểu dân cử được hình thành gồm các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; các nhà khoa học, các chuyên gia, trong đó chủ yếu là những người đã có kinh nghiệm về hoạt động nghị trường. Các báo cáo viên là những người có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong cơ quan dân cử và hiểu rõ thực tiễn Quốc hội, HĐND, nhiều người đã từng dự các khóa tập huấn về phương pháp dành cho báo cáo viên nguồn, có khả năng trình bày, điều hành các hoạt động bồi dưỡng. Đội ngũ báo cáo viên nguồn là một nguồn lực to lớn của Ban Công tác đại biểu cũng như của các địa phương trong suốt nhiệm kỳ của Quốc hội và HĐND.

Đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên của Ban Công tác đại biểu đã tham gia tích cực, hiệu quả vào việc xây dựng, thực hiện chương trình bồi dưỡng ĐBQH. Từ việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản tập trung vào năm đầu của nhiệm kỳ, đặc biệt là chương trình dành cho đại biểu Quốc hội mới trúng cử lần đầu, cho đến chương trình bồi dưỡng các kỹ năng chuyên sâu, các kiến thức chuyên sâu gắn với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, kế hoạch giám sát của Quốc hội từng năm. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng tích cực tham gia biên soạn các dạng ấn phẩm khác nhau như: sách, tài liệu hướng dẫn, tập san, tài liệu hỗ trợ các hội nghị bồi dưỡng, các đoạn phim ngắn về kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử…

Bên cạnh đó, các báo cáo viên, cộng tác viên đã cùng với Ban Công tác đại biểu phối hợp xây dựng, thực hiện các chương trình bồi dưỡng từ cơ bản đến chuyên sâu dành cho đại biểu Hội đồng nhân dân, gắn với nhu cầu thực tế của từng địa phương theo đề nghị của Thường trực HĐND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Đối với các hoạt động hợp tác quốc tế của Ban Công tác đại biểu, sự tham gia của nhiều vị nhằm hỗ trợ bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND CHDCND Lào, nhận được đánh giá cao của các đại biểu dân cử nước bạn cả về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và khả năng áp dụng.

Nhiều báo cáo viên đã cố gắng áp dụng phương pháp kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, lấy người học làm trung tâm, tạo điều kiện trao đổi, thảo luận, tương tác càng nhiều càng tốt; vận dụng kỹ năng thực hành ngay tại hội nghị; đưa sinh hoạt nghị trường vào môi trường học tập và có nhiều hoạt động đa dạng khác. Nhờ đó, góp phần tạo ra môi trường học tập thoải mái, gây hứng thú học tập, thu hút đại biểu tham gia làm việc tích cực, đồng thời tích lũy kiến thức, kỹ năng qua trải nghiệm cụ thể. 

Trong hơn 2 năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ban Công tác đại biểu đã tổ chức được 15 hội nghị dành cho ĐBQH; 65 hội nghị phối hợp dành cho HĐND các địa phương; 10 hội nghị hợp tác trong và ngoài nước; với sự tham gia của khoảng gần 700 lượt ĐBQH; khoảng 22000 lượt đại biểu HĐND và cán bộ văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND (xem thêm Phụ lục gửi kèm). Các hội nghị bồi dưỡng đã giúp các đại biểu có kiến thức, kỹ năng tốt hơn trong hoạt động ở Quốc hội, HĐND, nhất là các đại biểu kiêm nhiệm và mới tham gia lần đầu. Những kết quả đáng ghi nhận này không thể thiếu vai trò to lớn, sự tham gia tích cực, hiệu quả của đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên.

2. Một số hạn chế, khó khăn trong phát triển mạng lưới báo cáo viên, cộng tác viên 
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc bảo đảm cho sự tham gia tích cực, có chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu lâu dài của đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên trong bồi dưỡng đại biểu dân cử vẫn còn gặp những hạn chế, khó khăn. Số lượng, thành phần báo cáo viên được mời trình bày tại các hội nghị, hội thảo do Ban Công tác đại biểu tổ chức chưa được mở rộng, đa dạng như yêu cầu. Điều này do nhiều báo cáo viên nguồn đang công tác hoặc bận công việc khác không có điều kiện thời gian để tham gia. 

Nhu cầu bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng của đại biểu rất khác nhau, rất đa dạng tùy thuộc vị trí công tác, tính chất, lĩnh vực hoạt động. Vì vậy, việc lựa chọn những báo cáo viên có thể đồng thời đáp ứng mọi nhu cầu của đại biểu, ngay cả những báo cáo viên có nhiều kinh nghiệm hoạt động ở Quốc hội, HĐND gặp khó khăn. Trên thực tế, không nhiều báo cáo viên ở những lĩnh vực chuyên sâu như tài chính – ngân sách, giám sát tư pháp, giám sát VBQPPL, môi trường đáp ứng nhu cầu của ĐBQH, đại biểu HĐND.

Mặc dù đã được tập huấn, nhưng việc vận dụng các phương pháp bồi dưỡng phù hợp với nội dung bồi dưỡng và đối tượng bồi dưỡng chưa nhiều như mong muốn. Còn có những chuyên đề, việc thuyết trình một chiều của các báo cáo viên vẫn là phương pháp chủ yếu. Điều này một phần do một số báo cáo viên chưa tích cực áp dụng các phương pháp khác nhau. Phần khác do số lượng đại biểu quá lớn, cộng với hội trường không đủ không gian, nhất là các hội nghị bồi dưỡng đại biểu HĐND, số lượng lên tới hàng trăm người, dẫn đến khó khăn trong thiết kế chương trình, nội dung, áp dụng phương pháp phù hợp. Bên cạnh đó, việc trao đổi giữa cơ quan chủ trì bồi dưỡng với các báo cáo viên về nội dung và phương pháp bồi dưỡng trước và sau khi hoạt động bồi dưỡng diễn ra còn chưa được thường xuyên.

Một số quy định về tài chính nói chung chưa phù hợp với những đặc thù trong bồi dưỡng đại biểu dân cử. Chưa có cơ chế tài chính và hợp đồng để duy trì sự cam kết làm báo cáo viên lâu dài, mà vẫn phải chủ yếu dựa vào hợp tác tự nguyện và quan hệ thuyết phục. Nhất là đối với một số báo cáo viên nòng cốt luôn sẵn sàng nhiệt tình tham gia các hoạt động bồi dưỡng, vẫn chưa có cơ chế, chế độ thỏa đáng thường xuyên, mà vẫn theo cơ chế hợp đồng từng hoạt động riêng lẻ.

3. Phương hướng hoạt động đến cuối nhiệm kỳ
Trong những năm còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ban Công tác đại biểu dự kiến một số phương hướng để nâng cao hiệu quả bồi dưỡng đại biểu dân cử sau đây:

Một là, hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử
Dựa trên một số quy định liên quan về chức năng, nhiệm vụ của UBTVQH và Ban Công tác đại biểu, trong thời gian tới, Ban Công tác đại biểu đang hướng tới việc nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn về hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử, nhất là ĐBQH. Trong đó, có ‎các quy định về: 
- Bộ tiêu chuẩn chất lượng đối với các “chương trình bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hoạt động đại biểu Quốc hội” để quản lý và bảo đảm chất lượng, hiệu quả;
- Đưa nội dung về quyền và trách nhiệm tham gia chương trình bồi dưỡng của ĐBQH vào Luật Tổ chức Quốc hội;
- Chế độ, chính sách được bảo đảm để đại biểu Quốc hội tham dự các hoạt động bồi dưỡng thuận lợi; 
- Cơ chế phối hợp, điều phối hoạt động bồi dưỡng ĐBQH, đại biểu HĐND giữa Bộ Nội vụ (thông qua Học viện Hành chính Quốc gia), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan khác có liên quan.
Trong khi chờ đợi hoàn thiện khuôn khổ pháp luật tổng thể về vấn đề này, Ban Công tác đại biểu tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm sửa đổi, áp dụng chế độ tài chính phù hợp hơn đối với công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử, trong đó có thù lao tương xứng với báo cáo viên và bố trí kinh phí biên soạn tài liệu.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện chương trình, nội dung bồi dưỡng
Trong những năm cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ban công tác đại biểu sẽ chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử huy động sự đóng góp của các báo cáo viên, cộng tác viên trong xây dựng, thực hiện các chương trình bồi dưỡng. Cụ thể, trong năm 2019, kế hoạch bồi dưỡng ĐBQH đặt trọng tâm áp dụng các kỹ năng chuyên sâu đã được truyền đạt ở các năm trước như phân tích chính sách, giám sát với các nội dung chuyên sâu trong chương trình lập pháp, giám sát của Quốc hội như giáo dục, đất đai, lao động, đầu tư công. Đồng thời, các tập san, tài liệu chuyên đề chuyên sâu sẽ bám sát các nội dung này và các nội dung khác trong chương trình hoạt động của Quốc hội. Nội dung bồi dưỡng đại biểu HĐND theo đề nghị của Thường trực HĐND các địa phương cũng tập trung vào các kỹ năng chuyên sâu như phân tích chính sách; giám sát chuyên đề; thảo luận ở kỳ họp; giám sát và quyết định về NSNN; đầu tư công; đất đai v.v…
Bên cạnh các nội dung gắn với chương trình hoạt động của Quốc hội, HĐND, Ban Công tác đại biểu cũng dự kiến sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng vận động bầu cử cho những người được quy hoạch vào ĐBQH chuyên trách. Đối với ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND, có thể có các hội nghị bồi dưỡng tương tự theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức. 

Ba là, tiếp tục cải tiến việc tổ chức các hoạt động bồi dưỡng
- Để thu hút sự tham gia của đại biểu, cần thực hiện các giải pháp như: liên hệ trực tiếp với đại biểu khi đăng ký danh sách dự bồi dưỡng; tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của đại biểu về nội dung, chương trình, địa điểm, thời gian tổ chức hoạt động bồi dưỡng kế tiếp; nắm bắt khó khăn của đại biểu để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Linh hoạt, chủ động hơn trong việc nhận đăng ký tham dự của đại biểu để tạo điều kiện cho các đại biểu được tham gia các khóa tập huấn. Xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng sớm và thông báo tới từng người, bố trí vào thời gian hợp lý.
- Tiếp tục chủ động tổ chức các khóa tập huấn báo cáo viên nguồn trên toàn quốc; biên soạn và phổ biến rộng rãi các tài liệu tham khảo về phương pháp bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, HĐND. Tiếp tục mời những báo cáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp với đại biểu, có năng lực chuẩn bị bài giảng và vận dụng được nhiều phương pháp, kỹ thuật giảng dạy. Khuyến khích, tạo điều kiện để báo cáo viên áp dụng các phương pháp bồi dưỡng mới.

Bốn là, về phối hợp các hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử
Căn cứ Kết luận số 421-KL/ĐĐQH12 của Đảng đoàn Quốc hội khóa XII, có thể xác định nội dung, trách nhiệm phối hợp hoạt động bồi dưỡng ĐBQH như sau: 
- Ban Công tác đại biểu lấy ý kiến của HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, ĐBQH để xây dựng chương trình bồi dưỡng toàn khóa và từng năm, gắn với chương trình hoạt động của Quốc hội. 
- Các cơ quan của Quốc hội thông báo cho Ban Công tác đại biểu các chương trình bồi dưỡng của mình để tổng hợp, tránh sự chồng chéo, trùng lặp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ĐBQH và các báo cáo viên tham gia; tạo điều kiện tốt nhất cho các thành viên của mình tham gia các chương trình bồi dưỡng; cung cấp những báo cáo viên có kinh nghiệm. 
- Văn phòng Quốc hội và Viện nghiên cứu lập pháp phối hợp chia sẻ các tài liệu tham khảo; Văn phòng Quốc hội bảo đảm đầy đủ phương tiện cho các hội nghị bồi dưỡng, phương tiện đi lại, kinh phí phục vụ bồi dưỡng.
- Một vẫn đề nữa cần lưu ý, đó là sự phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan chủ quản ĐBQH kiêm nhiệm rất quan trọng để các đại biểu này có thể bố trí thời gian tham dự các hoạt động bồi dưỡng.
Đối với hoạt động bồi dưỡng đại biểu HĐND, Ban Công tác đại biểu tiếp tục phát huy sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong thời gian qua với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời, chúng tôi mong muốn nhận được sự cộng tác từ các cơ quan, tổ chức khác như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước như Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Cập nhật : 10:48 - 17/09/2019
In trang này Click here to Print it!