TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG - MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

“Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước” là thuật ngữ dùng để chỉ thiết chế giữ vị trí pháp lý, quyền và nghĩa vụ cao nhất trong cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện vai trò lãnh đạo quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước đối với những điều nên làm, phải làm, được làm với kết quả tốt và những điều không được làm; nghĩa vụ, quyền và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong tuân thủ pháp luật và phục vụ nhân dân; trong lập kế hoạch, ra quyết định và điều hành chỉ đạo hoạt động của cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà Nhà nước và nhân dân giao phó 1.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 về Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong đó quy định rõ những chế độ trách nhiệm, cũng như khen thưởng và xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước. Câu hỏi đặt ra là: Vấn đề trách nhiệm người đứng đầu đã và đang được đặt ra nhiều năm nay nhưng tại sao vẫn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng?

Bài viết dưới đây xin đề xuất một số kiến nghị nhằm đề cao và tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước.

1- Đổi mới về phương thức lãnh đạo của Đảng
Đảng hóa thân trong hệ thống chính trị, trong xã hội, để thực thi sự cầm quyền của mình, thông qua đường lối chính trị, tổ chức đảng và đảng viên của mình, một cách dân chủ tập trung, công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật, chứ không phải bên cạnh hay ở trên... một cách đơn giản, cứng nhắc, chồng chéo và cơ học … Nói cách cách khác, đó là quá trình pháp luật hóa công việc lãnh đạo và tổ chức thực thi quyền lực chính trị của Đảng đối với Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội 2
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong các lĩnh vực: lựa chọn cán bộ lãnh đạo là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trong đó có cơ quan hành chính nhà nước, việc lựa chọn phải thật dân chủ, khách quan, tìm được người có trình độ, năng lực, bản lĩnh và trí tuệ. Cấu trúc lại bộ máy tổ chức trong hệ thống đảng theo hướng xác lập trụ cột căn bản, cắt bỏ tầng nấc trung gian, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, trao đủ quyền năng đúng, phù hợp và kiểm soát quyền lực một cách minh bạch được giao một cách chặt chẽ và thường xuyên từ Trung ương tới cơ sở. Tránh sự chồng chéo giữa bộ máy chính trị - hành chính thì cần nhất thể hóa một bộ phận cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan hành chính nhà nước.  

2 – Đổi mới về tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước. 
Trong bài viết “Đổi mới hình thái cấu trúc, cơ chế vận hành và kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị Việt Nam”, Tác giả Nhị Lê cho rằng “hệ thống chính trị nước ta phải chuyển mạnh từ cấu trúc đa tầng, cồng kềnh, chồng chéo giữa các tầng nấc sang hệ thống đa trụ trực tiếp, liên thông, tinh gọn và hiệu quả; từ đơn tuyến một chức năng, nhiệm vụ sang đa chức năng” 3. Đây là xu hướng tổ chức bộ máy nhà nước khoa học và tiên tiến, trong thời gian vừa qua chúng ta đã và đang tiến hành thí điểm. 
Tiếp tục đổi mới tổ chức cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới địa phương (Các cơ quan Bộ và ngang bộ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện) theo hướng linh hoạt về tổ chức, tinh gọn và hợp lý, xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm tính pháp quyền và dân chủ trong điều hành; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, tổ chức của các cơ quan chuyên môn; không để trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan theo chiều dọc và chiều ngang.
Đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, nếu như Hiến pháp 1992 là bước đột phá về đổi mới tổ chức chính quyền trung ương thì tổ chức chính quyền địa phương đến nay mới chỉ dừng ở mức “thay đổi”, chưa có bước đột phá nên vẫn còn ý kiến xây dựng Ủy ban nhân dân mạnh hay Hội đồng nhân dân mạnh; Hội đồng nhân dân thuộc hệ thống cơ quan hành pháp hay cơ quan dân cử … thực tế không ít địa phương, thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước là Hội đồng nhân dân còn hoạt động hình thức. 

3 – Đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước
Thực hiện nguyên tắc tổ chức bộ máy được ghi trong Hiến pháp “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Coi trọng kiểm soát quyền lực của cơ quan dân cử. Cơ chế lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở quan trọng đánh giá hiệu quả công tác của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước bởi Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp bao phủ tới tất cả các cấp của bộ máy cơ quan hành chính nhà nước. 

4- Tăng cường quyền của người đứng đầu đi đôi với quy định trách nhiệm. 
Cần trao quyền một cách thực chất cho người đứng đầu, trong lựa chọn tổ chức bộ máy cơ quan mình, trong quyết định chính sách thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình. Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu kể cả khi đã nghỉ hưu; có cơ chế xin từ chức đi đôi với cơ chế bổ nhiệm lại cán bộ đã xin từ chức vào các chức vụ khác trong cơ quan hành chính nhà nước. 

Chú thích:
1.  Nguồn: http://truongcanbothanhtra.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/nghien-cuu-trao-doi/2191-trach-nhiem-cua-nguoi-dung-dau-co-quan-hanh-chinh-nha-nuoc.html 
2.  Nhị Lê, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2019/54003/Doi-moi-hinh-thai-cau-truc-co-che-van-hanh-va-kiem.aspx
3.  http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2019/54003/Doi-moi-hinh-thai-cau-truc-co-che-van-hanh-va-kiem.aspx


Cập nhật : 10:39 - 17/09/2019
In trang này Click here to Print it!