Một số giải pháp phát huy vai trò của công dân trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính (phần 2)

Nhìn nhận một cách khách quan, “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi… Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra; tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng” 1. Pháp luật về giám sát của công dân đối với nền hành chính còn thiếu, bất cập. Năng lực, ý thức, kỹ năng giám sát của công dân còn nhiều hạn chế, cần phải được bồi dưỡng, cần thời gian để chuyển hóa. Vì vậy, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ để phát huy vai trò của công dân trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, tập trung vào các nhóm giải pháp cơ bản sau:

Ba là, nâng cao năng lực của công dân trong việc giám sát Chính phủ và chính quyền địa phương. Việc cần làm đầu tiên là thay đổi, nâng cao nhận thức, tính tích cực chính trị của công dân về quyền giám sát. Để thay đổi và nâng cao nhận thức của công dân về quyền giám sát đối với hoạt động quản lý hành chính, trước hết cần tạo điều kiện cho công dân trong việc tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của chính quyền theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. 

Bên cạnh đó, cần nâng cao kỹ năng giám sát của công dân trong thực hiện giám sát. Hiện nay công dân đang thiếu những phương thức giám sát mang tính trực tiếp hơn và hiệu quả. Sự phát triển của xã hội nói chung cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và trình độ dân trí làm cho việc kiểm soát hành chính công thông qua dân chủ trực tiếp có sự thay đổi lớn về nội dung và phương thức. Khả năng theo dõi, giám sát bộ máy công quyền của nhân dân tăng lên do sự phát triển của điện thoại thông minh, mạng xã hội, báo chí; việc kiểm soát hành chính công có nhiều thay đổi so với truyền thống; khả năng theo dõi, phản ứng việc xử lý kết quả giám sát của công dân hiệu quả hơn. Việc áp dụng dịch vụ công điện tử theo các mức độ này giúp cơ quan Nhà nước giảm tải được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn. Qua đó, người dân vừa được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các thủ tục hành chính. Đặc biệt là tránh được tệ nạn nhũng nhiều, quan liêu, phiền hà từ những cán bộ công quyền, tăng hiệu quả của việc giám sát đối với quản trị nhà nước.

Vấn đề đặt ra là sự phát triển của nền hành chính hiện nay không đồng đều, chưa đồng bộ, trình độ dân trí và khả năng ứng dụng khoa học của Nhân dân còn khác nhau. Do đó, bên cạnh các phương thức hiện đại vẫn phải duy trì phương thức truyền thống, bên cạnh thiết bị khoa học kỹ thuật tiên tiến vẫn phải duy trì chế độ làm việc “bàn giấy”. Cùng với đó, vấn đề an toàn, an ninh mạng và tin tặc tấn công cũng là thức thức mà Chính phủ phải đối phó trong bối cảnh phức tạp như hiện nay.

Bốn là, cần nâng cao văn hóa và tính chịu trách nhiệm, tính kỷ cương trong hoạt động giám sát của công dân. Trong những năm gần đây, tình trạng lợi dụng dân chủ để chống phá, bôi nhọ chính quyền và cán bộ, mất kỷ cương, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra và có xu hướng phức tạp. Vì vậy, “Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội” 2

Để giải quyết được vấn đề này, việc nâng cao trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật và văn hoá giám sát, phản biện của người dân có vai trò rất quan trọng. Người dân biết, người dân hiểu, người dân tin và hành xử đúng luật và văn minh là thành công của nền hành chính. Quan trọng không kém là chính quyền và cán bộ, công chức; hoạt động của chính quyền cần phải minh bạch, cán bộ ứng xử với người dân cần có văn hoá và chuẩn mực; hành vi tham nhũng, cửa quyền cần phải bị xử lý nghiêm sẽ tạo ra một chính quyền trong sạch, liêm chính, hoạt động hiệu quả và tất yếu sẽ lấy lại niềm tin từ dân chúng. 

Công dân cần thực hiện quyền giám sát với thái độ tích tực, tuân thủ pháp luật, nghiêm cấm sử dụng quyền giám sát để thực hiện những mục đích mang tính cá nhân, chống phá chính quyền, bôi nhọ cán bộ, công chức. Công dân phải chịu trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm trước xã hội, cộng đồng về hoạt động giám sát của mình, nhất là việc tố cáo. Muốn vậy, phải có việc tuyên truyền, giáo dục để công dân biết, hiểu và thực hiện, biến giám sát thành công cụ thực thi dân chủ trong trật tự.

Có thể nói, tư tưởng “chính phủ liêm chính, chính phủ hành động” ngày nay chính là trở về cội nguồn tư tưởng chính phủ là công bộc của dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở. Những vấn đề lựa chọn cán bộ tài đức, biết tìm tòi, học hỏi, tiếp thu cái mới để kiến thiết đất nước, xây dựng bộ máy chính quyền thực sự là “công bộc của dân” mà Bác Hồ đã nêu nhiều thập kỷ trước, cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị thời sự. Nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo còn phải trải qua một con đường dài gập ghềnh với lộ trình cần nhiều nhiệm kỳ trước mắt.

Chú thích:
1.  Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
2.  Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
Cập nhật : 10:34 - 17/09/2019
In trang này Click here to Print it!