CÁC NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN CỦA PHONG TRÀO LÀNG MỚI CỦA HÀN QUỐC

“Phong trào Làng mới” của Hàn Quốc là một cuộc cải tổ vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng, chứ không chỉ đối với từng cá nhân đơn lẻ. Sự thịnh vượng không chỉ bó hẹp ở ý nghĩa vật chất, mà còn bao hàm cả ý nghĩa tinh thần, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho cả con cháu mai sau. Mục tiêu của phong trào Làng mới là xây dựng nền tảng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi gia đình, làng xã góp phần vào sự tiến bộ chung của cả quốc gia.

Ở các quốc gia đang phát triển, đi lên từ nền sản xuất nông nghiệp, xây dựng và phát triển nông thôn là một quy luật tất yếu. Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành chương trình xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam không thể trở thành một nước công nghiệp khi mà nông nghiệp, nông thôn còn lạc hậu, người dân nông thôn còn nghèo, đời sống văn hóa tinh thần thấp, điều kiện sống có khoảng cách xa so với vùng đô thị. bài viết này này sẽ tìm hiểu và khát quát những nguyên tắc thực hiện của phong trào làng mới của Hà Quốc, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm có thể vận dụng vào thực hiện Chương trình Nông thôn mới trong những năm tiếp theo ở Việt Nam.

Nguyên tắc thứ nhất: xây dựng và lựa chọn dư án
- Xây dựng các dự án trên 3 phương diện: cải tạo môi trường, nâng cao thu nhập và mở rộng cơ sở sản xuất. Lựa chọn dự án theo các tiêu chí: nhu cầu, công ích, địa phương, kinh tế, thực tiễn.
- Các tiêu chí lựa chọn dự án: dự án phải cần thiết cho toàn thể nhân dân và khu vực; dự án có tiềm năng, phù hợp với điều kiện địa phương; dự án có hiệu quả cao và lâu dài; dự án có khả năng thực hiện thông qua việc đầu tư tài nguyên, nhân lực và thời gian.

Nguyên tắc thứ hai: xây dựng chủ trương, chính sách
- Nhà nước bỏ ra 1 (chủ yếu là vật tư, xi măng, sắt thép...) thì nhân dân đóng góp 5-10 (công sức, đất đai và tiền của). Sự giúp đỡ của nhà nước trong năm đầu chiếm tỷ lệ cao, giảm dần các năm sau, với nguyên tắc là sự tham gia của nhà nước giảm dần trong khi quy mô tham gia của địa phương và nhân dân tăng dần. Nhà nước chuyển toàn bộ vật tư cho nhân dân quản lý. Nhân dân, thông qua ủy ban phát triển nông thôn do dân làng dân chủ bầu ra, tự quyết định loại công trình nào cần ưu tiên xây dựng và chịu trách nhiệm toàn bộ về thiết kế, chỉ đạo thi công, nghiệm thu công trình. Đây cũng là phương thức nhằm đề cao vai trò dân chủ và người lãnh đạo.
- Chính phủ thực hiện phương thức hỗ trợ ưu tiên ưu tú để tạo tính cạnh tranh. Thưởng phạt công minh đã kích thích lòng tự hào, tự tin trong từng cộng đồng làng xã, tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ hướng về xây dựng nông thôn mới, thi đua làm giàu, làm đẹp quê hương. Thái độ ỷ lại, tự ti bị loại bỏ ngay từ cách tiến hành chương trình, làng nào cũng muốn vươn lên thành điển hình tốt.  Việc khuyến khích thi đua giữa các làng không chỉ ở phạm vi phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, mà còn ở việc đưa các hoạt động khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Các làng chỉ được tham gia các dự án cao sau khi đã hoàn thành các dự án loại thấp. Các làng sau khi đánh giá hàng năm được phân loại thành 3 loại: không hoàn thành tốt các dự án kết cấu hạ tầng, sẽ không còn được triển khai các dự án nâng cao thu nhập; hoàn thành tốt các dự án kết cấu hạ tầng đơn giản, nhưng chưa hoàn thành tốt các dự án kết cấu hạ tầng mang tính cộng đồng cao sẽ không được phép tham gia dự án nâng cao thu nhập; hoàn thành tốt các dự án kết cấu hạ tầng, những làng này sẽ được chính phủ trợ giúp triển khai các dự án nâng cao thu nhập cho nông dân.
- Thực hiện từng bước, từ thấp đến cao, từ thí điểm trên diện hẹp đưa ra toàn quốc, từ xây dựng lan sang sản xuất, từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để nông dân có đủ thời gian chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, có đủ thời gian để chọn lựa, đào tạo cán bộ cơ sở, nông hộ có thời gian để tự tích lũy tái sản xuất mở rộng.
Nguyên tắc thứ ba, phân cấp quản lí
- Ở cấp Trung ương, Bộ Nội vụ được giao chỉ đạo và quản lý toàn bộ phong trào, bên dưới có các Vụ đảm nhận các nhiệm vụ cụ thể. 
- Ở tỉnh, thành phố đến cấp quận, huyện có cơ quan chuyên trách đảm nhận phong trào. 
- Ở cấp phường, xã thành lập ủy ban điều hành phong trào thường do chủ tịch hành chính đứng đầu. 
- Ở thôn, xóm thành lập “Ban phát triển tự quản” mà người lãnh đạo là do dân bầu.

Bài học kinh nghiệm khi áp dụng phong trào làng mới vào Việt Nam
Thứ nhất, cần nghiên cứu, học hỏi các yếu tố thành công của Phong trào Làng mới Hàn Quốc. Đó chính là: (1) chính sách hiệu quả của Chính phủ; (2) phát huy tính tự giác của nhân dân bằng các hỗ trợ thích hợp và đề cao tính tự chủ của nhân dân trong lựa chọn lãnh đạo, quyết định dự án; (3) sự cống hiến của cán bộ phát triển nông thôn.
Thứ hai, phân tích để rút ra sự khác nhau giữa Hàn Quốc và Việt Nam về bối cảnh, văn hoá, điều kiện để nâng cao hiệu quả của các chương trình.
Thứ ba, bản địa hoá và đổi mới các ý tưởng dự án phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Thứ tư, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực và bộ máy triển khai thực hiện dự án.
Thứ năm, kiên định tư tưởng tự thân, và chú ý quản lý rủi ro.

Tài liệu tham khảo
[1] Bộ giáo trình Hàn Quốc học SNU-VNU (2008), Xã hội Hàn Quốc hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 
[2] Jang Heo (2009), Bài thuyết trình về mô hình “Nông thôn mới” của Hàn Quốc. 
[3] Trần Quang Minh (2010), Nông nghiệp Hàn Quốc trên đường phát triển, Nxb Từ điển Bách khoa. 
[4] Đặng Kim Sơn (2001), Công nghiệp hóa từ nông nghiệp - Lý luận thực tiễn và triển vọng áp dụng ở Việt Nam, Nxb Nông nghiệp. 
[5] Hoàng Bá Thịnh (2016), Xây dựng nông thôn mới ở Hàn Quốc và Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 (104) - 2016. 

Cập nhật : 10:14 - 17/09/2019
In trang này Click here to Print it!