CHÍNH PHỦ LIÊM CHÍNH – MỘT SỐ NÉT NHẬN DIỆN

Vấn đề xây dựng “chính quyền liêm chính”, “nhà nước liêm chính”, “Chính phủ liêm chính”, “cán bộ liêm chính” đã được đề cập, quan tâm từ rất sớm, nhất là trong Tư tưởng Hồ Chí Minh. Thời gian gần đây, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo là một “hiện tượng” đang được quan tâm, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện ở các phương diện khác nhau. 

Công dân là thuật ngữ chính trị - pháp lý, thể hiện mối quan hệ giữa một cá nhân với nhà nước trên cơ sở quốc tịch, thể hiện quyền và nghĩa vụ qua lại giữa nhà nước đó và công dân. Nói đến công dân Việt Nam tức là nói đến một cá nhân có quốc tịch Việt Nam. Mối quan hệ, vai trò của Nhân dân/công dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, Nhà nước và Chính phủ là vấn đề không mới. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh có nhiều thay đổi cả về chính trị, kinh tế, pháp lý và khoa học như trong giai đoạn hiện nay, vai trò này cần được nhìn nhận, đánh giá theo những nội dung, tiêu chí mới. Muốn xác định và thúc đẩy vai trò của công dân đối với việc xây dựng Chính phủ liêm chính thì việc đầu tiên là cần “giải mã” được nội hàm của Chính phủ liêm chính.

Muốn hiểu Chính phủ liêm chính, trước hết cần giải mã thuật ngữ “liêm chính”. Liêm là trong, không bị vẩn đục, chính là ngay thẳng. Liêm chính bản chất là trong sáng, ngay thẳng. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu, tiêu chuẩn người cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong đó, theo Người, "Liêm là trong sạch, không tham lam"1.  "Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Ðiều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. Người nêu ra ba điều cần thiết để mỗi người thực hiện được chữ chính. Ðó là: "(1) Mình đối với mình (2) Mình đối với người (3) Mình đối với công việc"2. Trên cương vị là người lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết. Người khẳng định: Chính phủ sau đây phải là một chính phủ liêm khiết. Để thể hiện điều đó, Người luôn động viên cán bộ hy sinh những lợi ích vật chất để theo đuổi những giá trị tinh thần cao quý, vì sinh hoạt vật chất, hết thời người đó là hết. Còn tiếng xấu hay tốt, sẽ truyền đến ngàn đời sau3.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2016 (phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV), Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo. 

Như vậy, Chính phủ liêm chính có nội hàm như thế nào? Chính phủ liêm chính mà chúng ta đang xây dựng ngày nay có kế thừa và điểm mới so với trước đây?

Trước hết, Chính phủ liêm chính kế thừa những giá trị truyền thống, tức là Chính phủ liêm khiết, công khai minh bạch, không tham nhũng, không lợi ích nhóm, bè phái… Các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương, mỗi cán bộ công chức phải tôn trọng tiền bạc của Nhân dân, thực hiện tiết kiệm, sử dụng tài sản hiệu quả, hợp lý.

Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay có nhiều thay đổi cả về chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, trình độ dân trí, mức độ hội nhập… so với trước kia, do đó yêu cầu đối với Chính phủ liêm chính, theo chúng tôi, phải cao hơn và phù hợp hơn.
Nhìn vào Chính phủ liêm chính là phải thấy được một cơ thể sống hoàn chỉnh, được hoạt động hết công suất của cả bộ máy như một chỉnh thể thống nhất và của từng thành viên trong những chức năng, nhiệm vụ cụ thể có quan hệ hữu cơ và ảnh hưởng nhất định tới các thành viên khác và với toàn hệ thống đang vận hành4.

- Chính phủ liêm chính: Chính phủ phải công khai, minh bạch, chịu sự giám sát – Chính phủ thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ điện tử. Chính phủ công khai công tác cán bộ, tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, xã hội, báo chí giám sát các cơ quan hành chính, cán bộ, công chức thông qua các phương thức hiện đại để ngăn ngừa tham nhũng, lợi ích nhóm. 
Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử để tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, tạo ra nền hành chính năng động, linh hoạt, phản ứng nhanh với sự thay đổi của đời sống xã hội và yêu cầu của quản lý.

- Chính phủ liêm chính: Chính phủ phải tiết kiệm nguồn lực xã hội – Chính phủ cải cách hành chính. Đơn cử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến giúp cho các cơ quan nhà nước tiết kiệm nhiều nhân lực, công dân và xã hội giảm bớt được thời gian, chi phí không chính thức, tạo khả năng kiểm soát tốt, hạn chế được “nạn” phong bì.

- Chính phủ liêm chính: Chính phủ phòng, chống tham nhũng, phải đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ - Chính phủ làm kinh tế giỏi. Tham nhũng có nhiều nguyên nhân, trong đó tiền lương của cán bộ, công chức thấp. Muốn cải thiện được điều này, Chính phủ bằng cơ chế, chính sách, phải có khả năng cao đời sống nhân dân nói chung, cán bộ, công chức nói riêng thông qua chính sách, điều hành để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh đất nước và quốc tế hiện nay, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (ngày 17-11-2016) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ quyết liệt chỉ đạo xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu”5. Điều đó đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, trong sạch, gần dân, vì dân, đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Đồng thời cũng thể hiện quyết tâm trong thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. 

 TTBD

Chú thích:
 1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, trang 640;
 2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, trang 643;
 3. Nguồn: http://www.xaydungdang.org.vn/Home/tutuonghochiminh/2017/10510/Xay-dung-Chinh-phu-liem-chinh-theo-Tu-tuong-Ho-Chi-Minh.aspx 
 4. Nguồn: http://baochinhphu.vn/Gop-y-Hien-ke/Chinh-phu-liem-chinh-mot-khai-niem-moi-me/254800.vgp
 5. Nguồn: http://baochinhphu.vn/Cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong/Phat-bieu-giai-trinh-tra-loi-chat-van-truoc-Quoc-hoi-cua-Thu-tuong-Chinh-phu/291777.vgp 
Cập nhật : 9:31 - 17/09/2019
In trang này Click here to Print it!