Tin Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng chỉ số PCI trong hoạt động của Hội đồng nhân dân” tại Đồng Tháp, ngày 17/5/2019

Sáng ngày 17/5, tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng chỉ số PCI trong hoạt động của HĐND”. Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu Đặng Xuân Phương và Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.
Sáng ngày 17/5, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng chỉ số PCI trong hoạt động của Hội đồng nhân dân”. Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu Đặng Xuân Phương và Trưởng Ban Pháp chế, VCCI Đậu Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.

Hội nghị thu hút sự tham gia của đại diện 11 tỉnh, thành phố với gần 100 đại biểu là lãnh đạo Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các Ban Hội đồng nhân dân các tỉnh: Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Phước, Hà Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Ninh Thuận, Đồng Tháp.



Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Đặng Xuân Phương cho biết, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI được xây dựng từ năm 2006, đã được Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố sử dụng như là nguồn thông tin hữu ích đối với việc xây dựng, ban hành nghị quyết, giám sát của Hội đồng nhân dân, đưa PCI vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Tuy nhiên, chỉ số PCI vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong hoạt động của Hội đồng nhân dân … Phó Trưởng Ban Đặng Xuân Phương nhấn mạnh: Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết những kết quả, chia sẻ và lan toả những kinh nghiệm thực tiễn tốt trong cách thức sử dụng và khai thác dữ liệu PCI hiệu quả nhằm phục vụ hoạt động ban hành chính sách và giám sát của Hội đồng nhân dân. Để Hội nghị thành công, Phó Trưởng ban công tác đại biểu mong muốn các diễn giả, các đại biểu tập trung thảo luận sôi nổi với những ý kiến đóng góp tâm huyết, quý báu, những bài học về việc sử dụng PCI trong hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được các chuyên gia giới thiệu về chỉ số PCI; tác động của PCI trong việc góp phần cải cách, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh cấp tỉnh, thúc đẩy các nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường tiếng nói doanh nghiệp; khả năng sử dụng và khai thác dữ liệu PCI…  Các đại biểu cũng được nghe 04 tham luận của Hội đồng nhân dân các tỉnh: Bắc Ninh, Kiên Giang, Ninh Thuận, Bạc Liêu và Quảng Ninh về kinh nghiệm sử dụng chỉ số PCI trong hoạt động giám sát và ban hành chính sách ở mỗi địa phương. 

Với vai trò là “chủ nhà”, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng chỉ số PCI trong hoạt động của Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Kim Tuyến khẳng định: Đối với Đồng Tháp, chỉ số PCI không chỉ là chỉ dẫn tin cậy đối với nhà đầu tư mà trở thành động lực mạnh mẽ để chính quyền các cấp nổ lực cải cách, kiến tạo thành công. Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua đã khẳng định chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và các nỗ lực cải cách hành chính của các cấp chính quyền địa phương về cách quản lý chỉ số này. Với vai trò của mình, Hội đồng nhân dân không thể đứng ngoài cuộc. 

Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã chú trọng và chủ động trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, phát triển kinh tế - xã hội, ban hành chính sách phát triển, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thủ tục thông thoáng, chăm lo bồi dưỡng nguồn nhân lực, góp phần giúp địa phương khắc phục bất lợi về vị trí địa lý, về điều kiện hạ tầng để tăng cường thu hút đầu tư.  Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng thừa nhận: Việc sử dụng chỉ số PCI trong hoạt động giám sát, chất vấn, ứng dụng vào ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân còn khó khăn.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng: việc sử dụng chỉ số PCI trong hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân còn mờ nhạt; còn nhiều đại biểu chưa hiểu sâu, hiểu rõ về chỉ số PCI, về các tiêu chí thành phần của PCI để áp dụng trong hoạt động thực tiễn của Hội đồng nhân dân; việc theo dõi, cập nhật diễn biến của chỉ số PCI chưa được thường xuyên, chủ yếu là lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, dự các hội nghị công bố kết quả, thông tin về PCI…

Để nâng cao chỉ số PCI cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng chỉ số này trong họat động của Hội đồng nhân dân, các đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần có quy định, hướng dẫn cụ thể các nhiệm vụ thực hiện các chỉ số PCI thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân để có căn cứ ban hành các chính sách nhằm góp phần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của địa phương trong thời gian tới… Các đại biểu cũng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cần cập nhật sớm hơn dữ liệu về PCI để các địa phương có thể khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả hơn; tiếp tục hỗ trợ các địa phương tập huấn cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong việc sử dụng chỉ số PCI vào các hoạt động giám sát nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả giám sát của đại biểu dân cử địa phương đối với chất lượng, hiệu quả điều hành của Ủy ban nhân dân, nhất là đối với điều hành kinh tế, thực thi các chính sách pháp luật, cải cách thủ tục hành chính…


TTBD

Cập nhật : 9:25 - 11/07/2019
In trang này Click here to Print it!