Hội nghị “Kỹ năng xây dựng chính sách và giám sát trong lĩnh vực giáo dục” tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk từ ngày 25-27/4/2019

Ngày 25-27/4/2019, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng dành cho các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV và Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam và miền Trung – Tây Nguyên với chủ đề “Kỹ năng xây dựng chính sách và giám sát trong lĩnh vực giáo dục”.

Ngày 25-27/4/2019, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng dành cho các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV và Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam và miền Trung – Tây Nguyên với chủ đề “Kỹ năng xây dựng chính sách và giám sát trong lĩnh vực giáo dục”.


Toàn cảnh Hội nghị 

Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức TW; đ/c Y Biêr Niê, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk; đ/c Đặng Xuân Phương, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu. Cùng với sự tham dự của gần 100 đại biểu, bao gồm đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và HĐND đến từ 24 tỉnh, thành phố trong cả nước, cùng một số đại biểu các cơ quan Ban ngành Trung ương.


Đ/c Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức TW phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Giáo dục là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến mỗi gia đình, mỗi người dân, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ xã hội. Phát triển giáo dục được coi là “quốc sách hàng đầu, nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Đây cũng là nội dung chiếm vị trí quan trọng đáng kể trong chương trình nghị sự của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố. Mục đích của Hội nghị nhằm góp phần hỗ trợ các đại biểu trong việc phân tích, xây dựng các chính sách giáo dục, đưa ra những ý kiến nhằm sửa đổi, bổ sung cho dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) còn đang có nhiều ý kiến trước khi đưa ra xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV vào tháng 5 năm 2019 tới đây, cũng như trong các hoạt động khác của Quốc hội và HĐND.


Đ/c Đặng Xuân Phương, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, thời gian vừa qua, bên cạnh nhiều thành tích to lớn đã đạt được trong lĩnh vực giáo dục về phương diện hội nhập quốc tế và phát triển con người, còn có những vấn nạn, hiện tượng trong xã hội đang được đặt ra, liên quan tới công tác thi cử, bạo lực học đường, sự xuống cấp về đạo đức trong nhà trường, mối quan hệ về trách nhiệm giữa gia đình và nhà trường v.v…. Những vấn đề này, theo ý kiến phân tích của nhiều chuyên gia, đều có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc thiết kế và vận hành hệ thống giáo dục nước nhà cũng như cơ chế quản lý nhà nước về giáo dục, chế độ đãi ngộ và chính sách phát triển nguồn lực dành cho giáo dục. Đồng chí Phó Trưởng Ban cho rằng việc tổ chức Hội nghị giáo dục trong bối ảnh hiện nay sẽ cung cấp cho các đại biểu tham dự Hội nghị những thông tin bổ ích về một số nội dung trọng tâm của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) còn đang có nhiều ý kiến trước khi đưa ra xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV vào tháng 5 năm 2019 tới đây. 


Đ/c Y Biêr Niê, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị 

Đề cao tầm quan trọng của Hội nghị, đ/c Y Biêr Niê, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, Hội nghị sẽ hỗ trợ các vị đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố nhiều kỹ năng quan trọng, then chốt trong phân tích, xây dựng và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục.

Trong các ngày làm việc, Hội nghị sẽ được lắng nghe 5 chuyên đề với những nội dung chính sau đây:
- Thứ nhất, tổng quan một số vấn đề về giáo dục nhận được nhiều sự quan tâm của ĐBQH sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và quá trình lấy ‎ý kiến nhân dân như về: Cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân; vấn đề liên thông và phân luồng trong giáo dục; chính sách cử tuyển; chính sách đối với nhà giáo như chuẩn đào tạo; …
- Thứ hai, phân tích các chính sách liên quan đến nguồn nhân lực cho giáo dục trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
- Thứ ba, nội dung, tiêu chí, cách thức giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dânđối với việc chi tiêu công cho giáo dục.
- Thứ tư, đánh giá các chính sách liên quan đến học phí; miễn, giảm học phí và chi phí cho phổ cập giáo dục phổ thông.
- Thứ năm, phân tích và đánh giá tính hiệu quả, tính công bằng đối với chính sách tài chính chi cho chương trình giáo dục và sách giáo khoa. 


GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị

Mỗi chuyên đề nêu trên đều có phần thảo luận toàn thể hoặc thực hành theo nhóm sau phần trình bày của báo cáo viên. Các Báo cáo viên được mời là các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý giáo dục và tài chính công. Trong số đó, phải kể đến GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, người đang trực tiếp là Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của một số chuyên gia có nhiều kinh nghiệm đến từ Học viện Quản lý giáo dục, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (World Bank)…

Đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu mong muốn các đại biểu tham dự hội nghị, đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ cùng các chuyên gia tích cực trao đổi để từ quy định của pháp luật, từ thực tiễn của Việt Nam sẽ cùng nhau đưa ra được những góp ý cho khung chính sách nhằm thực hiện tốt việc phát triển hệ thống giáo dục của Việt Nam trong tương lai./.

TTBD

Cập nhật : 10:10 - 25/04/2019
In trang này Click here to Print it!