Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thành phố Đà Nẵng, ngày 06/6/2023
Cập nhật : 10:54 - 06/06/2023

Sáng ngày 06 tháng 6 năm 2023, tại Hội trường Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Ban Công tác đại biểu phối hợp cùng Thường trực Hội đồng nhân dân thoành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động năm 2023 cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021 – 2026. 

Tham dự Hội nghị, về phía Ban Công tác đại biểu có sự tham gia của ông Trịnh Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, các Báo cáo viên gồm: ông Bùi Đặng Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; ông Phạm Đình Cường, Nguyên Cục trưởng Cục Công sản, Bộ Tài chính …, và chuyên viên của Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử.

Về phía Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, có sự tham dự của đồng chí Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng – chủ trì Hội nghị và đồng chí Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố. Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 13 điểm cầu ở Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang và trụ sở 11 xã có tổ chức Hội đồng nhân dân, cụ thể gồm: đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng (51 đại biểu), đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Hòa Vang (31 đại biểu), Thường trức Hội đồng nhân dân các xã thuộc huyện Hòa Vang (22 đại biểu) và lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng…



Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết, trước những yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động của người đại biểu dân cử trong giai đoạn hiện nay, việc thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là vô cùng cần thiết. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng luôn chú ý quan tâm và đề cao việc cập nhật, bổ sung và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực cho các đại biểu Hội đồng nhân dân, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp..

Theo chương trình Hội nghị, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của thành phố Đà Nẵng được truyền đạt các chuyên đề liên quan đến các nội dung: Kỹ năng giám sát đầu tư công của Hội đồng nhân dân, Hội đồng nhân dân trong lĩnh vực đất đai ... Đây là những nội dung rất được các đại biểu quan tâm nhưng khá chuyên sâu nên cần sự chia sẻ từ những báo cáo viên có trình độ chuyên môn sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong hệ thống cơ quan dân cử. Ở các chuyên đề, mỗi báo cáo viên đều dành thời gian để các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng nêu lên những câu hỏi về khoảng trống hoặc sự khác biệt giữa các quy định của pháp luật và thực tiễn triển khai hoạt động ở địa phương. Nhất là những khó khăn trong lĩnh vực đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân tái định cư, cũng như việc quyết định, phân bổ các dự án đầu tư công, việc giải ngân đầu tư công, bổ sung/ điều chuyển ngân sách nhà nước trong đầu tư công hàng năm, … đều được các đại biểu đề cập, trao đổi và đề xuất hướng giải quyết nhằm đảm bảo vừa hợp lý vừa hợp tình, tránh các trường hợp khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân trên địa bàn.



Báo cáo chuyên đề tại hội nghị, TS. Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội khóa XIV cho biết, đầu tư công có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, tập trung vào đầu tư các công trình hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội thông qua các chương trình và dự án kinh tế hỗ trợ các vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao, cải thiện đời sống của nhân dân.

Theo TS. Bùi Đặng Dũng, đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chi chiếm tỷ trọng cao của ngân sách nhà nước; tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn lực đầu tư có hạn thì việc nâng cao hiệu quả đầu tư công từ vốn ngân sách nhà nước càng trở nên quan trọng và cấp bách. Trong thực tế hiện nay, việc quản lý, sử dụng và giải ngân vốn đầu tư công đang là vấn đề nóng, triển khai chậm, còn nhiều hạn chế, thậm chí sai phạm. Hội đồng nhân dân có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động giám sát ngân sách Nhà nước nói chung và giám sát đầu tư công nói riêng.

Trong lĩnh vực đất đai, Nguyên Cục trưởng Cục Công sản, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) Phạm Đình Cường cho biết, theo Hiến pháp, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Thực hiện quyền này, Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai, đến nay là lần thứ 3 và đang soạn dự thảo luật sửa đổi lần thứ 4. Quá trình thực hiện các luật này đã đạt được nhiều thành quả mà quan trọng nhất là xác định quyền sở hữu toàn dân thông qua người đại diện là Nhà nước đối với các nội dung quan trọng nhất: quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất; quyết định giá đất; quyết định trao quyền sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Theo ông Phạm Đình Cường, Luật Đất đai cũng đã cụ thể hóa thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai, đó là Hội đồng nhân dân thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền duyệt, thông qua bảng giá đất, thông qua việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền; giám sát việc thi hành pháp luật đất đai của địa phương.

Bên cạnh Luật Đất đai, quyền hạn của Hội đồng nhân dân đối với đất đai còn được quy định tại các Luật có liên quan, trong đó quan trọng nhất là Luật Đầu tư công (2019) và Luật Ngân sách nhà nước (2013).


TTBD

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK