Những điều cần biết về bệnh truyền nhiễm được quy định trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Cập nhật : 15:59 - 25/09/2020

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm được Quốc hội nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Với tính chất là một đạo luật chuyên ngành, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã bao quát đầy đủ các nội dung liên quan đến phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tao cơ sở pháp lý quan trong cho cuộc đấu tranh phòng, chống đại dịch COVID-19 ở nước ta hiện nay.

1. Khái niệm
Có quan điểm cho rằng, bệnh truyền nhiễm hay còn gọi là bệnh lây, là bệnh có thể gặp ở tất cả các châu lục nhưng đặc biệt phổ biến ở các nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Căn nguyên bệnh truyền nhiễm là do vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng...) gây ra, hay còn gọi là mầm bệnh. Bệnh có khả năng lây lan trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau hoặc đôi khi chỉ lây bằng một đường. Các bệnh truyền nhiễm thường có thể trở thành các vùng dịch với số lượng người mắc rất lớn và thường diễn biến theo các giai đoạn: Nung bệnh, khởi phát, toàn phát, lui bệnh và hồi phục.
Cũng có quan điểm cho rằng, bệnh truyền nhiễm là tập hợp những bệnh được gây ra bởi các vi sinh vật, bao gồm vi khuẩn, virus, vi nấm, kí sinh trùng gây ra. Những bệnh này có khả năng lây nhiễm  trong cộng đồng. Mức độ lây sẽ khác nhau giữa các loại bệnh, những bệnh có khả năng lây lan cao có thể tạo thành dịch, đại dịch và có thể gây ra nhiễm bệnh thậm chí tử vong nhiều người cùng một thời điểm.
Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tại Điều 2 định nghĩa: Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm; Người mắc bệnh truyền nhiễm là người bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có biểu hiện triệu chứng bệnh. Tuỳ từng vùng địa lý, khí hậu, tuỳ trình độ dân trí và điều kiện sống của mỗi vùng mà tỷ lệ mắc bệnh và cơ cấu bệnh truyền nhiễm cũng khác nhau. Bệnh truyền nhiễm đều có khả năng lây từ người bệnh sang người lành, nhiều bệnh phát triển thành dịch, thậm chí là đại dịch. Con đường lây bệnh giữa các căn bệnh khác nhau cũng có nhiều đặc điểm da dạng, đường lây truyền có thể chỉ một hoặc nhiều đường phối hợp, có thể mức độ lây lan không phải là giống nhau giữa các hình thức, chẳng hạn như: với hình thức hô hấp thì thông qua các giọt bắn, thường đặc biệt tăng khi người bệnh ho hoặc hắt hơi; hình thức Lây qua tiếp xúc trực tiếp như lây qua đường máu, tiếp xúc dịch tiết, qua quan hệ tình dục; hình thức Lây qua động vật trung gian truyền bệnh; Lây qua đường tiêu hoá; Truyền từ mẹ sang con…

2. Phân loại
Theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây:
a) Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. 
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh;
b) Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota);
c) Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác.
Tùy theo đặc điểm, mức độ nguy hiểm của từng bênh, khả năng lan truyền và hậu quả bệnh gây ra mà có thể phân loại bệnh truyền nhiễm theo từng nhóm bệnh trên.

3. Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Đó là lấy phòng bệnh là chính. Nguyên tắc trên được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 4 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007.
“Lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm”
Về mặt kinh tế, chi phí phòng bệnh luôn luôn thấp hơn chi phí chữa bệnh, vì thế phòng bệnh được xem là giải pháp cần thiết trong kiểm soát mọi dịch bệnh. 
Bên cạnh đó, thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch. Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.
Cụ thể, Nhà nước ưu tiên, hỗ trợ đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng; ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu sản xuất vắc-xin, sinh phẩm y tế. Hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, trao đổi và đào tạo chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hỗ trợ điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm do rủi ro nghề nghiệp và trong các trường hợp cần thiết khác; hỗ trợ thiệt hại đối với việc tiêu hủy gia súc, gia cầm mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật…
Về trách nhiệm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo chống dịch.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Luật số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007)
2. Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong công cuộc đấu tranh phòng, chống đại dịch covid-19 hiện nay ở nước ta. 
(http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=44462)
3. Bệnh truyền nhiễm là gì và những căn bệnh phổ biến cần lưu ý
(https://youmed.vn/tin-tuc/benh-truyen-nhiem-la-gi-va-nhung-can-benh-pho-bien-can-luu-y/)
4. Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm
(https://binhphuoc.gov.vn/Thong-tin-chi-dao-dieu-hanh/nguyen-tac-phong-chong-benh-truyen-nhiem-22543.html)

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK