Khiếu nại, tố cáo năm 2019: Một số điểm đáng lưu ý
Cập nhật : 14:41 - 27/08/2020
Sau khi Quốc hội ban hành Luật tố cáo năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện; ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật tố cáo; nghị định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong quân đội nhân dân, công an nhân dân; đồng thời các bộ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tố cáo; các đơn vị truyền thông tăng cường đăng tải giới thiệu các nội dung cơ bản, nhất là những điểm mới của Luật... Thông qua tổ chức thi hành Luật tố cáo năm 2018 nói riêng và triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; triển khai kết luận, kiến nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại các báo cáo giám sát và sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước có những chuyển biến nhất định theo hướng giảm hơn so với năm trước trên hầu hết các chỉ tiêu cơ bản. Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.  
 
Tuy vậy, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2019 của công dân vẫn diễn biến phức tạp trên một số lĩnh vực như: liên quan đến lĩnh vực môi trường (việc quy hoạch, xây dựng, vận hành nơi tập kết, nhà máy xử lý rác thải; việc xả thải của doanh nghiệp tại một số khu công nghiệp; việc quy hoạch, xây dựng nghĩa trang; khai thác tài nguyên, khoáng sản, dự án điện năng lượng gió, mặt trời); liên quan đến đất nông - lâm trường  ở một số tỉnh; liên quan đến quyền của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng… Đáng chú ý là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt.

Hầu hết khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp là các vụ việc cũ chưa được giải quyết dứt điểm hoặc những vụ việc đã được cơ quan nhà nước giải quyết hết thẩm quyền, các cấp, ngành kiểm tra rà soát nhưng công dân không đồng ý tiếp tục khiếu kiện với thái độ bức xúc, gay gắt. Số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, so với năm 2018, tuy tổng số đơn thư các loại (khiếu nại, tố cáo; kiến nghị, phản ánh) giảm 6,1%, số đoàn đông người giảm 0,86%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 2,8% nhưng số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng 4,3%. 

Cụ thể, theo Báo cáo Số: 452/BC-CP ngày 09/10/2019 của Chính Phủ về Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019, tình hình khiếu nại 2019 so với năm 2018 giảm 4,4% số đơn và giảm 1% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (66,9% tăng 5,1% so với năm 2018), trong đó tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khiếu nại, tranh chấp đất đai có nguồn gốc là đất do nông, lâm trường quản lý, liên quan đến sử dụng đất an ninh, quốc phòng, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, khiếu kiện, tranh chấp tại các dự án bất động sản, thu phí tại các trạm BOT, v.v…; khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp chiếm 4,6%, về chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người có công chiếm 6%, còn lại là các lĩnh vực khác.

Về tố cáo, so với năm 2018 giảm 11,4% số đơn nhưng tăng 3,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ; bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; một số trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo, chủ yếu là do kết quả giải quyết khiếu nại chưa đáp ứng được nguyện vọng của người khiếu nại. Trong tổng số đơn tố cáo, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 66,6% (tăng 7,6% so với năm 2018); tố cáo trong lĩnh vực tư pháp chiếm tỉ lệ 5,1%, chủ yếu là tố cáo cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng thiếu khách quan trong giải quyết các vụ án; tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng chiếm tỉ lệ 1,9%.

Một số nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo được chỉ ra đó là: 
- Một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, nhất là trong lĩnh vực đất đai; 
- Công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém, vi phạm; việc thanh, kiểm tra còn hạn chế, bất cập và chưa kịp thời, nhất là đối với một số lĩnh vực hay xảy ra khiếu kiện ở một số địa phương. Một số công chức thiếu trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, khi làm việc, tiếp xúc, giải quyết công việc với công dân, thậm chí có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, dẫn đến công dân bức xúc, phát sinh khiếu nại, tố cáo. 
- Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế nhất định, Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong việc tiếp công dân, đối thoại với dân, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo; 
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung hiệu quả còn chưa cao. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của công dân trong một số trường hợp còn hạn chế.

Ngoài ra, Báo cáo thẩm tra Số 2669/BC-UBPL14 ngày 10/10/2019 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ năm 2019, đã chỉ ra thêm một số nguyên nhân mới làm phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của doanh nghiệp tại một số khu công nghiệp gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân, dẫn đến tình trạng người dân bức xúc, phản ứng; cùng với đó là tình trạng không nhất quán trong việc xử lý, giải quyết giữa các cơ quan có thẩm quyền các cấp đối với những khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất; không ít trường hợp người dân cố tình khiếu nại thì lại được giải quyết theo hướng có lợi hơn, dẫn đến những người trước đó đã nghiêm chỉnh chấp hành nhưng thấy rằng không công bằng nên khiếu nại đòi thêm quyền lợi đã làm phát sinh mới khiếu nại. 

Tại Phiên họp thứ 37 chiều 11/9/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019, nhiều đại biểu đánh giá rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, tập trung giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt tỉ lệ khá cao, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội...Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả trong tương lai, cần đẩy mạnh hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Hiện đã có phần mềm cơ sở dữ liệu và bước đầu cập nhật tại các địa phương nhưng chưa đầy đủ, thời gian tới, khi hệ thống đi vào hoạt động tốt sẽ giúp cho việc xử lý đơn thư của người dân đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục tổ chức thực hiện và quán triệt đến các cấp, các ngành về quan điểm của Đảng và Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc biệt là quan tâm thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Nghị quyết số 30/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội và Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai; quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, bảo đảm giải quyết kịp thời, không để quá hạn luật định; tăng cường đối thoại, chú trọng giải thích chính sách, pháp luật cho công dân nhằm giảm tình trạng khiếu nại gay gắt, kéo dài, tồn đọng đơn không được giải quyết dứt điểm, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Tài liệu:
1. Báo cáo Số: 452/BC-CP ngày 09/10/2019 của Chính Phủ về Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019.
2. Báo cáo thẩm tra Số 2669/BC-UBPL14 ngày 10/10/2019 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ năm 2019.

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK