Các địa phương với quá trình hội nhập quốc tế - Những thách thức đặt ra
Cập nhật : 9:21 - 27/08/2020
Việt Nam đang tiến vào quá trình hội nhập và liên kết quốc tế toàn diện, sâu rộng. Hiện nước ta là tâm điểm của mạng lưới kết nối các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác, mở ra cơ hội mở rộng và đa dạng hóa thị trường, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Theo Bộ Ngoại giao, năm 2019, Việt Nam bước vào giai đoạn thực thi các cam kết kinh tế quốc tế then chốt như FTA ASEAN-Trung Quốc, FTA ASEAN-Hong Kong (Trung Quốc), nhất là FTA thế hệ mới. Việt Nam nằm trong nhóm nước đầu tiên triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có quy mô cam kết rộng và tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, việc ký kết FTA Việt Nam-EU vào tháng 6/2019 được EU đánh giá là một FTA tham vọng nhất mà họ từng thỏa thuận với một nước đang phát triển.
 
Việc tham gia các Hiệp định quốc tế là những đột phá quan trọng của hội nhập quốc tế nước ta, tạo ra cơ hội thúc đẩy kinh tế đối ngoại và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo đường lối phát triển của Đảng. Song hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng cũng đặt ra những yêu cầu mới hoàn toàn khác so với giai đoạn trước, nhất là việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với công nghệ số; hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực đồng bộ và sự đồng hành của các cấp, ngành, các địa phương. Các địa phương đã ngày một tích cực và chủ động trong đàm phán, tham gia và tranh thủ cơ hội từ các cam kết kinh tế quốc tế của Việt Nam để phát triển và thúc đẩy thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường... góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội là muôn vàn thách thức đối với các địa phương trong quá trình hội nhập quốc tế.

Thứ nhất, nhận thức về cam kết hội nhập quốc tế và thực hiện các chính sách nhằm hội nhập quốc tế hiệu quả có phần còn hạn chế. Mặc dù đã có chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế từ đầu năm 2016, không nhiều cơ quan, địa phương hiểu được sự khác biệt giữa các tuyến hội nhập ASEAN, TPP, WTO…chưa nói đến việc tương tác và lộ trình hài hòa hóa các tuyến hội nhập này. Nhận thức phổ biến là quá trình hội nhập kinh tế chủ yếu liên quan đến cách giảm thuế quan, trong khi sự quan tâm đến các vấn đề mới như bảo hộ sở hữu trí tuệ, cạnh tranh… còn chưa đúng mức. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề riêng của địa phương, mà cũng xảy ra với không ít cơ quan nhà nước. Đồng thời, nhiều địa phương chỉ quan tâm đến phần thực hiện cam kết quốc tế, trong khi chưa chú ý nhiều đến các biện pháp chính sách để tận dụng cơ hội, xử lý thách thức từ hội nhập. Điều này khiến việc thực hiện hội nhập quốc tế còn khá tách biệt, chưa được lồng ghép vào phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Cần nhận thức rằng các chính sách giúp hội nhập quốc tế hiệu quả không chỉ bao gồm chủ trương, chính sách của Trung ương, mà còn có các chính sách bổ trợ riêng của từng địa phương.

Ở một số địa phương, vấn đề trên còn khó khăn hơn do thiếu liên kết chặt chẽ với các cơ quan trực tiếp tham gia đàm phán hoặc là đầu mối thực hiện các điều ước hội nhập quốc tế. Rõ ràng, hiểu biết đủ sâu về các khía cạnh của hội nhập quốc tế, dù chỉ trong một lĩnh vực hẹp cũng là không dễ đối với đội ngũ cán bộ địa phương do không phải lĩnh vực chuyên môn chính. Tuy nhiên, nếu không duy trì liên kết với đội ngũ cán bộ đầu mối về đàm phán hoặc thực hiện thì đến khi cần, các địa phương sẽ khó nhận được sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời về các nội dung hội nhập mà mình đang quan tâm.

Thứ hai, các địa phương chưa xây dựng kế hoạch cụ thể, khả thi nhằm thực hiện hội nhập quốc tế và phát huy lợi thế riêng về sản xuất kinh doanh, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ cho địa phương mình. Trên thực tế, sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, các địa phương được yêu cầu xây dựng kế hoạch hành động trên địa bàn nhằm đảm bảo tiếp tục phát triển bền vững. Tuy nhiên các báo cáo này đều gặp những vấn đề như: thiếu đánh giá sâu sắc về lợi thế và thách thức riêng của địa phương mình trong quá trình thực hiện cam kết WTO; không chỉ ra được nguồn lực để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ liên quan; không làm nổi bật được các vấn đề, giải pháp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, kế hoạch hành động khá giống với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; kế hoạch hành động của một số địa phương trung lập với kế hoạch hành động chung của chính phủ… Do chưa xác định đủ những vấn đề riêng của địa phương, quá trình hội nhập và phát triển kinh tế xã hội của không ít địa phương thiếu đặc trưng, nổi bật nhất là vấn đề đầu tư trùng lắp ở nhiều địa phương.

Thứ ba, không ít địa phương thiếu hài hòa giữa cạnh tranh và hợp tác trong phát triển kinh tế. Về nguyên tắc cạnh tranh giữa các địa phương, chẳng hạn như theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, cải cách thủ tục hành chính và môi trường đầu tư có thể giúp cải thiện hiệu quả phát triển kinh tế xã hội ở trong vùng và cả nước. Tuy nhiên nếu cạnh tranh chỉ dựa trên thu hút đầu tư mà không chú ý đến đặc thù và lợi thế riêng của địa phương thì sẽ dẫn đến cơ cấu kinh tế các địa phương là giống nhau và sẽ khó phát triển hài hòa. Thế giới ngày nay đang chuyển mạnh sang phát triển các chuỗi giá trị, trong đó một sản phẩm từ khi bắt đầu thiết kế cho tới khi đến tay người tiêu dùng sẽ đi qua nhiều địa bàn, khu vực, thậm chí nhiều quốc gia. Vì vậy, nếu các địa phương có sự hợp tác, phối hợp ở các vùng thì có thể phát triển nhiều chuỗi sản phẩm, dịch vụ như du lịch công nghiệp...

Thứ tư, các địa phương cũng chưa có nhiều đối thoại, kiến nghị trực tiếp với cơ quan trung ương về chính sách, biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân địa phương trong việc xử lý các vấn đề trong quá trình hội nhập. Các đối thoại, kiến nghị sẽ giúp các cơ quan trung ương hiểu rõ hơn về vấn đề vướng mắc của các địa phương, qua đó có biện pháp để tháo gỡ kịp thời.

Thứ năm, các địa phương chưa thích ứng với cách làm chính sách mới trong điều kiện hội nhập. Nhiều văn bản chính sách chất lượng chưa cao do thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, thiếu tham vấn đầy đủ các nhóm đối tượng liên quan ở địa phương. Chẳng hạn, việc ban hành các chính sách thiếu hợp lý, thiếu giải trình thường gây hại cho nhà đầu tư do họ không được tham vấn trước, có thể dẫn tới nguy cơ bị kiện ra tòa quốc tế.

Thứ sáu, các địa phương cũng gặp thách thức trong việc cân bằng giữa ưu tiên phát triển kinh tế và giảm thiểu các tác động bất lợi của hoạt động kinh tế đến môi trường xã hội. Không ít địa phương vì quá ưu tiên thu hút FDI mà ít lưu tâm đến trình độ công nghệ, các tác động bất lợi vì xã hội môi trường.... Thực tế không ít các dự án còn thiếu hoặc thực hiện không nghiêm túc các báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo tác động xã hội..., công tác thẩm định các dự án có chất thải công nghiệp đôi khi còn thiếu nghiêm túc. Trong khi đó, một khi các hệ lụy xảy ra, chẳng hạn với môi trường, việc xử lý là không dễ vì tốn kém cả thời gian và tiền bạc, đồng thời có thể ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư mới đang quan tâm đến địa bàn.

Do đó, để nắm bắt được cơ hội từ hội nhập quốc tế, các địa phương cần chủ động sáng tạo và vận dụng trong đề xuất, xây dựng chính sách và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình, có những định hướng cũng như các giải pháp đột phá phát triển để chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp tại địa phương tạo nên sức sống mới, đặc biệt là khí thế mới cho mỗi địa phương.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nội vụ, Tài liệu Bồi dưỡng đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016.
2. Giúp các địa phương tự tin phát triển và hội nhập quốc tế 
(http://baochinhphu.vn/Hoi-nhap/Giup-cac-dia-phuong-tu-tin-phat-trien-va-hoi-nhap-quoc-te/371486.vgp).


 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK