MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM BẢO ĐẢM QUYỀN GIÁM SÁT CỦA CÔNG DÂN (phần 2)
Cập nhật : 17:00 - 03/01/2020

Trong xu thế chuyển đổi hiện nay, vấn đề quyền con người, quyền công dân được rất được quan tâm, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, nền dân chủ dần đi vào thực chất, khoa học công nghệ tiến bộ nhanh chóng… đã đặt ra nhu cầu phải bảo đảo quyền giám sát công dân như một cơ chế quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Bài viết tập trung đề xuất một số giải pháp bảo đảm quyền giám sát của công dân nhìn nhận từ trách nhiệm của nhà nước.

Quyền giám sát của công dân là nhu cầu và khả năng của công dân, thông qua các phương thức được pháp luật thừa nhận, tiến hành theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng chính sách, pháp luật, chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Quyền giám sát của công dân có cơ sở từ “nguyên lý chủ quyền nhân dân”, được ghi nhận trong hệ thống pháp luật và thể hiện sinh động trong thực tiễn. 

Trong phần 1, bài viết đã nêu ra một số giải pháp bảo đảm quyền giám sát của công dân nhìn nhận từ trách nhiệm của nhà nước, bao gồm: 
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm quyền giám sát của công dân.
Hai là, đổi mới hoạt động quản lý nhà nước bảo đảm quyền giám sát của công dân.
Ba là, nâng cao năng lực của công dân trong thực hiện quyền giám sát

3.1. Nâng cao trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của công dân, thay đổi, nâng cao nhận thức, tính tích cực chính trị của công dân về quyền giám sát. Điều này đặt ra yêu cầu phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo từ “Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội” [3]; nâng cao hiểu biết pháp luật cho công dân thông qua các giải pháp:i) Đưa các môn học Giáo dục pháp luật, Giáo dục công dân trở thành môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến trình độ đại học; ii) Đẩy mạnh xây dựng, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên nhiều hình thức, phương tiện khác nhau, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông; iii) Đổi mới công tác giới thiệu, truyền đạt các văn bản của trung ương, địa phương đến cơ sở và người dân, để họ có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu, góp ý và giám sát. 
Thay đổi, nâng cao nhận thức, tính tích cực chính trị của công dân về quyền giám sát, cần tạo điều kiện cho công dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của chính quyền theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.

3.2. Nâng cao kỹ năng giám sát của công dân. Hiện nay, công dân đang thiếu những kỹ năng giám sát mang tính trực tiếp và hiệu quả. Sự phát triển của xã hội cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và trình độ dân trí làm cho việc giám sát của công dân đối với quản lý nhà nước có sự thay đổi lớn về nội dung và phương thức. Khả năng theo dõi, giám sát bộ máy công quyền của công dân tăng lên do sự phát triển của điện thoại thông minh, mạng xã hội, báo chí; việc giám sát có nhiều thay đổi so với truyền thống; khả năng theo dõi, phản ứng việc xử lý kết quả giám sát của công dân hiệu quả hơn. 

Vấn đề đặt ra là việc kiểm chứng thông tin, sự phát triển của nền hành chính hiện nay không đồng đều, chưa đồng bộ, trình độ dân trí và khả năng ứng dụng khoa học của nhân dân còn khác nhau. Cùng với đó, vấn đề an toàn, an ninh mạng và thông tin giả mạo là những thách thức mà nhà nước, công dân phải đối phó trong bối cảnh phức tạp như hiện nay. Do đó, bên cạnh việc giám sát bằng phương thức hiện đại vẫn phải duy trì phương thức truyền thống, áp dụng thiết bị khoa học kỹ thuật tiên tiến vẫn phải duy trì chế độ “giám sát giấy tờ”. 

3.3. Củng cố niềm tin, nâng cao văn hóa và kỷ cương trong việc thực hiện quyền giám sát của công dân. Nhà nước cần làm tốt công tác định hướng thông tin, chấn chỉnh hoạt động thông tin, tuyên truyền; cần quản lý có hiệu quả hoạt động báo chí theo đúng định hướng. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, tham nhũng, lãng phí, xâm phạm quyền công dân nói riêng. Công tác cán bộ có tính nêu gương rất lớn, nếu cán bộ vi phạm pháp luật, tham nhũng, xâm phạm quyền công dân không bị xử lý nghiêm, công khai, minh bạch sẽ gây giảm sút niềm tin của nhân dân nói chung và từng công dân nói riêng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước. Nhiều vụ việc vi phạm của cán bộ, công chức được “xử lý nội bộ” đã gây ra không ít hoài nghi, băn khoăn cho công luận ở tính nghiêm khắc, khách quan. Ngoài ra, cần có giải pháp bảo đảm để công dân cần thực hiện quyền giám sát với thái độ tích tực, tuân thủ pháp luật, nghiêm cấm sử dụng quyền giám sát để thực hiện những mục đích mang tính cá nhân, chống phá chính quyền, bôi nhọ cán bộ, công chức. Xử lý nghiêm các trường hợp công dân vi phạm trong thực hiện quyền giám sát. Bên cạnh trách nhiệm pháp lý, cần có hình thức để công dân chịu trách nhiệm trước xã hội, cộng đồng về hoạt động giám sát của mình, nhất là việc giám sát thông qua tố cáo. 

Trong xu thế chuyển đổi hiện nay, vấn đề quyền con người, quyền công dân được rất được quan tâm, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, nền dân chủ dần đi vào thực chất, khoa học công nghệ tiến bộ nhanh chóng… đã đặt ra nhu cầu phải bảo đảm quyền giám sát của công dân như một cơ chế quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Để bảo đảm quyền giám sát của công dân, hiện thực hóa quan điểm “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện pháp luật về quyền giám sát của công dân cả về nội dung, hình thức; nâng cao năng lực thực hiện quyền giám sát của công dân từ nhận thức, hiểu biết đến kỹ năng và ý thức, trách nhiệm với pháp luật, cộng đồng; nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức và tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan công quyền. Những giải pháp trên cần đặt trong môi trường dân chủ, quyền con người, quyền công dân được tôn trọng trong một nhà nước pháp quyền. Có như vậy mới góp phần hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), 2013.
2. Alexis De Tocqueville, Nền dân trị Mỹ (người dịch: Phạm Toàn), NXB Tri thức, Hà Nội, 2008.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016.
4. Phan Trung Lý, Đặng Xuân Phương (đồng chủ biên), Xây dựng và hoàn thiện cơ chế nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp - cơ sở lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2017.
5. Phạm Hồng Thái, Vũ Công Giao, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn (đồng chủ biên), Hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở nước ta hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2017.
6. Nguyễn Tiến Thành, Hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ ở sở ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2016.
7. Đào Trí Úc, Võ Khánh Vinh (đồng chủ biên), Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2003.

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK