MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM BẢO ĐẢM QUYỀN GIÁM SÁT CỦA CÔNG DÂN (phần 1)
Cập nhật : 16:58 - 03/01/2020

Trong xu thế chuyển đổi hiện nay, vấn đề quyền con người, quyền công dân được rất được quan tâm, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, nền dân chủ dần đi vào thực chất, khoa học công nghệ tiến bộ nhanh chóng… đã đặt ra nhu cầu phải bảo đảo quyền giám sát công dân như một cơ chế quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Bài viết tập trung đề xuất một số giải pháp bảo đảm quyền giám sát của công dân nhìn nhận từ trách nhiệm của nhà nước.

1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm quyền giám sát của công dân
1.1. Hoàn thiện nội dung pháp luật về quyền giám sát của công dân
Xác lập, hoàn thiện quyền giám sát của công dân trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Nghiên cứu xây dựng luật riêng về giám sát của công dân - Luật Hoạt động giám sát của công dân. Đề xuất này đã được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu trước đây, đặt trong bối cảnh hiện nay càng cần thiết hơn bao giờ hết. Việc ban hành Luật cần: i) Hệ thống hoá quyền giám sát của công dân đối với chủ thể, nội dung, phương thức, thủ tục, các biện pháp bảo đảm quyền giám sát đã được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật: Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Cán bộ, công chức, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Báo chí, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn... ; ii) Nghiên cứu, ban hành những quy định mới tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích và nâng cao tính chủ động, tích cực của công dân trong việc thực hiện quyền giám sát.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện pháp luật về trình tự, thủ tục thực hiện quyền giám sát của công dân. Đặc biệt, việc giám sát của công dân thông qua các phương thức hiện đại trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần phổ biến, mang lại hiệu quả nhưng quy định pháp lý về quy trình giám sát, xử lý kết quả giám sát còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý kết quả giám sát của công dân một cách nghiêm túc. Trước mắt, cần sửa đổi các quy định về tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, thắc mắc của công dân trong các luật như Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Báo chí bảo đảm kết quả giám sát của công dân gửi đến các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải được tôn trọng, nghiên cứu, xem xét và giải quyết thấu đáo, tránh tình trạng lơ là, thậm chí che giấu. Việc tiếp nhận, giải quyết kết quả giám sát phải được phản hồi cho công dân để họ nắm được tình hình và kết quả.

1.2. Hoàn thiện hình thức pháp luật về quyền giám sát của công dân 
Cần nghiên cứu nâng cấp các pháp lệnh, nghị định, thông tư, quy chế thành luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn để thuận lợi cho việc triển khai; pháp luật về quyền giám sát của công dân cần hoàn thiện theo hướng các quy định phải rõ ràng, logic, đơn nghĩa, có tính khả thi, tránh quy định chung chung như các tuyên ngôn chính trị hay những nguyên tắc chính trị - pháp lý tạo cơ hội cho cho việc trốn tránh, từ chối quyền giám sát của công dân hoặc suy diễn pháp luật theo hướng có lợi của các cơ quan công quyền. Ngoài ra, pháp luật về quyền giám sát của công dân cần được hoàn thiện thống nhất cả ở phương diện nội dung và phương thức thực hiện quyền giám sát. Sự thống nhất ở cấp độ Hiến pháp, luật (bộ luật), nghị định, thông tư, trong các chế định và từng quy phạm cụ thể. Tránh việc ban hành nhiều văn bản nhưng tính nhất quán không đảm bảo gây khó khăn, cản trở, thậm chí phản tác dụng khi thực hiện pháp luật.

2. Đổi mới hoạt động quản lý nhà nước bảo đảm quyền giám sát của công dân
Đầu tiên, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức về quyền giám sát của công dân. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng mới, đào tạo bồi dưỡng lại gắn với tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức kết hợp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, công chức, nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân, cán bộ với nhân dân, về đạo đức cách mạng và vai trò làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, ban hành và áp dụng các bộ quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp gắn với bồi thường về tính liêm chính đối với cán bộ, công chức. Việc ban hành, công khai và áp dụng các bộ quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị có ý nghĩa quan trọng tạo ra những khuôn mẫu, thước đo đối với cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, nhiệm vụ. Qua đó, người dân và những người xung quanh, bao gồm cả chính những đồng nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức  trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể giám sát hoạt động của họ. Quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp cần đưa ra những yêu cầu về thái độ và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ. 

Tiếp đến là nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức: thường xuyên giáo dục, nâng cao ý thức của cán bộ, công chức về công khai, minh bạch và tính liêm chính trong hoạt động công vụ. Mỗi cán bộ, công chức phải coi việc thực hiện công khai, minh bạch trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ là trách nhiệm của mình. Tính liêm chính thể hiện phẩm chất của mỗi người, song cần được coi như yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, công chức - những người là công bộc của nhân dân và phải gương mẫu trước nhân dân để họ “nói không với tham nhũng” và phát huy tinh thần trách nhiệm trong đấu tranh với những hành vi hoặc biểu hiện tiêu cực đó. 

Đảm bảo công khai, minh bạch: từ quá trình soạn thảo, ban hành chính sách, pháp luật đến tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật (đặc biệt là các lĩnh vực có nguy cơ sai phạm cao) đến quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chính sách, pháp luật và xử lý tham nhũng. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và giữ gìn sự tin tưởng của nhân dân, phát huy các giá trị quyền giám sát công dân.

Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo vệ bí mật nhà nước hạn chế quyền giám sát của công dân cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình trong hoạt động quản lý nhà nước.

(còn tiếp)

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK