“Đã uống rượu bia thì không lái xe!”
Cập nhật : 16:08 - 27/12/2019

Ngày 14/6/2019, ngày cuối cùng của Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với 408/450 đại biểu (chiếm 84,30% tổng số đại biểu) tán thành. Đây là đạo luật được cử tri đặc biệt quan tâm khi cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Với điều khoản được quan tâm nhất đó là "đã uống rượu bia thì không lái xe" được đưa ra biểu quyết riêng.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 36 điều. Luật này quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia. Luật cũng quy định điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia…

Có lẽ trong nghị trường Quốc hội, hiếm có bộ luật nào mà sự giằng co tới từng câu chữ trong bộ luật lại căng thẳng và nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo đại biểu Quốc hội lẫn người dân như dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia. Với điều khoản được quan tâm nhất đó là "đã uống rượu bia thì không lái xe" được đưa ra biểu quyết riêng. Kết quả bất ngờ khi có đến 374/446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỉ lệ 77,2%. Chỉ có 54 đại biểu không tán thành và 18 đại biểu không biểu quyết. 

Trước đó, ngày 3/6/2019, trong phần lấy ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến hai phương án cấm uống rượu, bia khi lái xe tại dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia, đã có sự "giằng co" chưa từng có tiền lệ khi các ý kiến đồng ý và phản đối việc siết luật đều không đạt quá bán.

Trong đó, phương án 1 là đưa vào dự thảo luật nội dung "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn" chỉ có 44,21% đại biểu đồng ý và 43,80% ý kiến không đồng ý. Phương án 2 - "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông" -  cũng không có lựa chọn nào quá bán: 49,59% đồng ý và 34,92% không đồng ý.

Nhìn ở một góc độ khác, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng đang có sự "giằng xé" giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng liên quan dự thảo luật này. Từ dự luật khá chặt chẽ, được xây dựng trên các căn cứ khoa học nhưng qua nhiều lần trình, các chế định "xương sống" của dự luật đã dần bị "đẩy" ra ngoài. Có đại biểu còn ví von hình ảnh về bộ luật cũng "giống như một cơn bão lớn, gầm thét ngoài khơi nhưng giảm dần sức gió khi tiến về đất liền".

Nhưng cuối cùng, với sự "tha thiết đề nghị" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự luật đã được thông qua với 408 đại biểu tán thành trong số 450 đại biểu tham gia biểu quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, với mục tiêu cao nhất cả trước mắt và lâu dài là định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.

“Thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, điều kiện tiên quyết để những đạo luật có tính chất dự phòng, có xử lý nhưng rất coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục như Luật này có thể đi vào cuộc sống thì khi xây dựng Luật cần có nhận thức xã hội đúng đắn, phát huy được sự tham gia tích cực từ mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, xã hội, đặc biệt là quyết tâm bền bỉ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị” – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh nói.

Đồng tình quan điểm này, TS. Trần Hữu Minh – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá cao quyết sách của Quốc hội khi bổ sung vào Luật Phòng chống tác hại của rượu bia quy định “Đã uống rượu bia thì không được lái xe”. Bởi thực tế, cứ vào các dịp cao điểm lễ tết, tỉ lệ người nhập viện do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia là trên 60%.“Khi chúng ta thực hiện nghiêm quy định không uống rượu bia khi mà lái xe thì người dân sẽ tìm một phương tiện vận tải khác. Lúc đó chính là vận tải công cộng. Việc thông qua điều luật này sẽ là một cú hích tích cực để chúng ta phát triển hệ thống vận tải công cộng hiện nay, vốn đang có nhiều bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Khi luật ấy đi vào thực tế, hy vọng sẽ là bước đột phá trong vận tải công cộng, cung cấp cho người dân lựa chọn khi đi lại, kể cả sau khi uống rượu bia”.

Mừng vì có luật mạnh mẽ và điều mong chờ hơn cả là những thay đổi từ nhận thức của mọi người về sự an toàn là trên hết mỗi khi lái xe ra đường. Thiết nghĩ, trong thời gian tới cần có thêm nhiều quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa xung quanh việc cấm rượu bia khi lái xe.

Luật mới cũng mở ra hi vọng khiến nhận thức, ý thức về tác hại của rượu bia, ý thức bảo vệ sức khỏe của cộng đồng thay đổi dần. Lạm dụng rượu bia gây hại cho cơ thể là điều không cần bàn thêm. Nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn tìm đến, không vượt ra sự cám dỗ của nó. Trong thực tế việc lạm dụng rượu bia rất phổ biến như hiện nay, ở đâu cũng có quán nhậu, nhà nhà có sẵn rượu, tủ lạnh thường xuyên có sẵn bia...

Có thể rất lâu nữa mới thay đổi từ nhận thức mỗi người. Nhưng luật mới, có hiệu lực vào đầu năm mới, xem như một cột mốc để đi đến những thay đổi theo hướng chừng mực hơn, văn minh hơn khi uống rượu bia.

Có thể điều luật "cấm tiệt bia rượu khi lái xe" khó có thể đi ngay được vào cuộc sống, vì nó còn phụ thuộc vào năng lực thi hành của các cơ quan công vụ cũng như nhận thức của người dân. Nhưng ngay cả khi chưa được thực thi triệt để, cũng không có lý do gì để từ chối chào mừng sự "ra đời" của một điều luật phù hợp với xu hướng của thế giới văn minh, bảo vệ tính mạng và sức khỏe con người.

Dù còn 54 phiếu "chống" và 18 phiếu "trắng", nhưng Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2020 là cột mốc quan trọng trong lộ trình kiểm soát sản xuất, phân phối và tiêu thụ rượu bia của Việt Nam. Quá trình xây dựng, chỉnh sửa và ban hành bộ luật này cũng là một kinh nghiệm quý giá cho các nhà làm chính sách và cả các nhà vận động chính sách. Và một bộ luật ra đời cũng luôn tồn tại những “điểm cộng” và “điểm trừ”. Chúng ta hướng tới một bộ luật hài hòa, chứ khó có thể có một bộ luật hoàn hảo!

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK