Chỉ số PCI với hoạt động giám sát của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh Ninh Thuận
Cập nhật : 15:26 - 27/12/2019

1. Khái quát chung về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và xếp hạng PCI tỉnh Ninh Thuận năm 2017, 2018
 a) Khái quát chung về chỉ số PCI
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện là thước đo quan trọng để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố thông qua kết quả điều tra, khảo sát cảm nhận của doanh nghiệp dựa trên 10 chỉ số thành phần có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh, gồm: (1) Chi phí gia nhập thị trường; (2) Tiếp cận đất đai; (3) Tính minh bạch; (4) Chi phí thời gian; (5) Chi phí không chính thức; (6) Cạnh tranh bình đẳng; (7) Tính năng động của chính quyền tỉnh; (8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; (9) Đào tạo lao động; (10) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

b) Kết quả xếp hạng PCI tỉnh Ninh Thuận năm 2017, 2018
Đối với tỉnh Ninh Thuận, năm 2017, VCCI đã gửi 400 phiếu điều tra, nhận về 132 ý kiến phản hồi của doanh nghiệp (chiếm 33%), trong đó có 30 doanh nghiệp mới thành lập. Kết quả chỉ số PCI năm 2017 của tỉnh đạt 61,60 điểm, xếp hạng 38/63; tăng 4,41 điểm (năm 2016 là 57,19 điểm) và tăng thứ hạng 11 bậc so với năm 2016, nằm trong nhóm các tỉnh có kết quả điều hành kinh tế trung bình.
 Năm 2018, VCCI đã gửi 297 phiếu điều tra, nhận về 133 ý kiến phản hồi của DN (đạt 45%), trong đó có 30 doanh nghiệp mới thành lập. Kết quả PCI năm 2018 của tỉnh đạt 62,21 điểm, tăng 0,61 điểm, giảm 05 bậc so với năm 2017, xếp hạng 43/63 tỉnh thành, nằm trong nhóm các tỉnh có kết quả điều hành kinh tế trung bình.

2. Chỉ số PCI đối với hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Ninh Thuận
Với quan điểm tập trung thu hút và khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển đối với các tỉnh trong khu vực và cả nước, đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến của tương lai. Do đó, đòi hỏi hệ thống chính quyền tăng cường thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật.

HĐND tỉnh với 02 chức năng, đó là: quyết định vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh. Với chủ đề của hội nghị hôm nay, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ một số kinh nghiệm sử dụng PCI đối với hoạt động giám sát của HĐND.

Kết quả chỉ số PCI đối với hoạt động giám sát có mối quan hệ 2 chiều, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Thông qua chỉ số PCI, cho phép HĐND có thông tin minh bạch về năng lực cạnh tranh. Từ đó, HĐND xác định mục đích, nội dung, chương trình giám sát, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khác quan, có trọng tâm, trọng điểm và có ưu tiên nên chương trình giám sát đảm bảo khả thi, phát huy mục đích của hoạt động giám sát. Ngược lại, thông qua hoạt động giám sát, sẽ nắm rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập, đề ra các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương. Do đó, kết quả PCI hàng năm luôn được HĐND tỉnh sử dụng hiệu quả, Thường trực HĐND chỉ đạo các Ban HĐND xem xét, giám sát các chỉ số thành phần PCI trong hoạt động giám sát tình hình kinh tế - xã hội, công tác cải cách hành chính hàng tháng, quý, 6 tháng, năm.

Đối với thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh Ninh Thuận trong những năm qua, ngoài hoạt động giám sát thường xuyên theo quy định pháp luật, HĐND tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề, trong đó có liên quan đến chỉ số PCI, đó là: 
Việc triển khai thực hiện và kết quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2016; Việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính (năm 2017); công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình và doanh nghiệp (năm 2017); tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh (năm 2018).
Tại các kỳ họp HĐND, thực hiện giám sát thông qua hoạt động chất vấn một số nội dung liên quan đến việc cải thiện chỉ số thành phần PCI như vấn đề công tác quản lý đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác quản lý, khai thác khoáng sản; công tác đào tạo nghề.

Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận nhận thấy, căn cứ kết quả chỉ số PCI, hàng năm, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, ban hành kế hoạch triển khai giao nhiệm vụ cụ thể từng chỉ tiêu cho các Sở, ngành, địa phương, đa dạng hóa và đổi mới công tác đối thoại hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, môi trường đầu tư kinh doanh đã có những chuyển biến tích cực tác động tích cực đến thu hút đầu tư của tỉnh; đáng chú ý là đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, chiến lược, có thương hiệu đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư vào các lĩnh vực Tỉnh Ninh Thuận có lợi thế, phù hợp với chủ trương đổi mới công tác thu hút mời gọi đầu tư của Tỉnh.

Sau giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết kết quả giám sát “Việc triển khai thực hiện và kết quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2016; Việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính”. Đồng thời, tại các nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh, HĐND tỉnh căn cứ kết quả chỉ số PCI, quyết định các chỉ tiêu, giải pháp, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, HĐND đã thống nhất với UBND tỉnh giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh; cụ thể:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Ninh Thuận, gắn với việc triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

2. Xây dựng kế hoạch triển khai nâng cao chỉ số PCI theo hướng phân công nhiệm vụ chi tiết cho từng Sở, ngành và địa phương dựa trên chức năng, nhiệm vụ theo 10 chỉ số thành phần.

3. Theo phương pháp tính PCI, các chỉ số có trọng số cao sẽ góp phần quyết định điểm số PCI và quyết định kết quả xếp hạng. Cụ thể: 04 CSTP “Tính minh bạch” (20%), “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” (20%), “Đào tạo lao động” (20%), “CP không chính thức” (10%) chiếm tổng cộng 70/100 điểm PCI, 06 chỉ số còn lại chỉ chiếm 30/100 điểm PCI. Do đó, để cải thiện PCI của tỉnh cần tập trung cải thiện mạnh 4 CSTP trên, quyết định đến kết quả xếp hạng PCI.

4. Tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch tổ chức gặp mặt giữa Lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp định kỳ hàng tháng theo hướng giản dị, gần gũi để lắng nghe nhằm kịp thời giải quyết các tồn tại vướng mắc của doanh nghiệp một cách thực chất và có ý nghĩa để tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, các Sở, ngành, địa phương tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra, nhất các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường có những vướng mắc như: Chính sách về thuế, đất đai và đền bù giải phóng mặt bằng, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp.... Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chuyên mục hỏi đáp trực tuyến giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp nhằm tạo kênh thông tin để doanh nghiệp phản ánh, đề đạt ý kiến tới các cơ quan nhà nước.

5. Tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng giảm đầu mối thực hiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết, nhất là công tác phối kết hợp trong giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh hơn nữa triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích,...
Chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành theo hướng minh bạch hơn, nhất là tiếp cận các tài liệu của tỉnh; đăng tải đầy đủ các thông tin liên quan đến doanh nghiệp như quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, ngành,... 

6. Khẩn trương đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả nhằm cải thiện môi trường kinh doanh góp phần nâng cao chỉ số thành phần PCI của tỉnh. 

7. Khẩn trương đưa Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh vào khảo sát, thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để qua đó nghiên cứu giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, đồng thời kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.

8. Chú trọng đào tạo và nâng cao nhận thức trong cán bộ công chức làm công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa, bố trí cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ tốt để tiếp nhận và hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ ngay tại bộ phận một cửa, giúp giảm thời gian bổ sung hồ sơ, góp phần cải thiện và làm tăng các chỉ tiêu khác như: Cán bộ hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ; cán bộ am hiểu về chuyên môn; cán bộ nhiệt tình, thân thiện. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Qua thực tiễn sử dụng PCI trong hoạt động giám sát của HĐND, đại biểu HĐND, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế như: Kỹ năng vận dụng kết quả chỉ số PCI vào hoạt động giám sát của đại biểu HĐND còn lúng túng, chưa đạt kết quả, hiệu quả; việc tuyên truyền, cung cấp thông tin về kết quả chỉ số PCI hàng năm của tỉnh đến đại biểu HĐND còn chưa đảm bảo rộng rãi, trong khi phần lớn đại biểu chưa chủ động truy cập, tìm kiếm các thông tin về chỉ số PCI để vận dụng khi thực hiện nhiệm vụ giám sát; một số đánh giá đối với chỉ số thành phần PCI chưa đảm bảo tương thích với kết quả giám sát của HĐND. 

Thời gian đến, Thường trực HĐND tỉnh đề ra giải pháp, kế hoạch để việc vận dụng có kết quả, hiệu quả chỉ số PCI vào hoạt động của HĐND, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin về chỉ số PCI của tỉnh đến đại biểu HĐND; đề nghị UBND tỉnh báo cáo kết quả đánh giá chỉ số PCI hàng năm tại các kỳ họp HĐND; chỉ đạo rà soát những chỉ số thành phần đánh giá điểm thấp, tổ chức giám sát, khảo sát, phối hợp chặt chẽ cùng UBND tỉnh, các Sở, ngành, địa phương xác định nguyên nhân; kiến nghị, đề xuất giải pháp để khắc phục hạn chế, góp phần nâng cao chỉ số CPI của tỉnh như tăng cường tuyên truyền về các hoạt động và các nỗ lực của Tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư có chuyển biến nhưng chưa thật sự lan tỏa đến người dân và doanh nghiệp, nhiều hoạt động đi vào thực chất có tác động lớn trong giải quyết có hiệu quả các vướng mắc của doanh nghiệp chưa được cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận một cách đầy đủ, kịp thời; chỉ đạo giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, nhất là vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất, áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư; chỉ đạo cơ quan nhà nước quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp, nhiệt tình giúp đỡ và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; bảo đảm cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động doanh nghiệp một cách đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Ban Công tác đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, hỗ trợ việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng vận dụng kết quả chỉ số PCI vào hoạt động giám sát, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; có cơ chế quy định việc lấy phiếu điều tra của VCCI, đảm bảo rộng rãi, số đông doanh nghiệp để việc đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền toàn diện hơn, sát tình hình thực tiễn hơn./. 

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK