Chỉ số PCI với việc ban hành chính sách của tỉnh Quảng Ninh
Cập nhật : 15:23 - 27/12/2019

Trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoat động, sản xuất kinh doanh nhằm đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Hàng năm, tỉnh đã nghiêm túc tổ chức hội nghị phân tích kết quả chỉ số PCI, nhận diện những mặt mạnh và những mặt cần được cải thiện về môi trường kinh doanh ở tỉnh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Trên cơ sở đó Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách, các Kế hoạch và giải pháp cụ thể triển khai để thực hiện mục tiêu nói trên. 

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả mà kết quả thực hiện chỉ số PCI của tỉnh đã được cải thiện qua từng năm. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay tỉnh luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh đứng đầu cả nước và năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp tỉnh Quảng Ninh vươn lên đứng đầu cả nước trong bảng xếp hạng chỉ số PCI.

Trong quá trình cụ thể hóa các chủ trương của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh đã quan tâm tham khảo các thông tin từ PCI như một kênh quan trọng trong quá trình ban hành nghị quyết cũng như thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân. Các nghị quyết của HĐND tỉnh khi triển khai thực hiện có hiệu quả đã tác động trở lại các chỉ số PCI theo hướng tích cực. Như vậy, trong mối quan hệ này, chỉ số PCI và chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh có quan hệ qua lại, mật thiết và tác động trở lại với nhau theo hướng tích cực.

Cụ thể, các chỉ số PCI được Hội đồng nhân dân coi như là những nguồn tham khảo đáng tin cậy để Hội đồng nhân dân thẩm tra, thảo luận, biểu quyết các nghị quyết liên quan, có thể coi đó là một căn cứ, mục tiêu để ban hành, cải thiện và thực hiện chính sách. Việc phân tích các điểm số của các chỉ số thành phần PCI đã gợi ý để Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề về cung cấp dịch vụ công, thực thi các quy định pháp luật nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền, thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong quá trình xây dựng, ban hành nghị quyết về kinh tế xã hội tỉnh nhiệm kỳ, hàng năm của Hội đồng nhân dân tỉnh đều nghiên cứu các chỉ số thành phần của PCI những năm trước (chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý), để quyết nghị các nhóm giải pháp về thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh tế địa phương. 

Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành các nghị quyết với nội dung chuyên biệt dựa trên một chỉ số PCI. Cụ thể:
- Về chỉ số tiếp cận đất đai: 
Năm 2015  chỉ số này của tỉnh đạt điểm số là 6,26; sang năm 2016 chỉ số bị giảm điểm xuống còn 6,07, trước tình hình đó, tỉnh đã phân tích nguyên nhân của việc giảm điểm và thực hiện một số các giải pháp, trong đó: Sớm công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai để các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư biết, tạo thuận lợi trong nghiên cứu đầu tư các dự án; Ban hành các biện pháp quản lý đất đai và nâng cao trách nhiệm, năng lực của cán bộ công chức trong giải quyết các thủ tục đất đai. 
Cụ thể các nghị quyết được Hội đồng nhân dân ban hành: Nghị quyết số 80/NQ-HĐND Về một số biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Nghị quyết 63/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 Thông qua điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Quảng Ninh; ban hành kịp thời nhiều nghị quyết về thông qua quy hoạch (Quy hoạch 03 loại rừng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Về Quy hoạch ngành khác); kịp thời ban hành các nghị quyết về việc thông qua Danh mục các dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh…
- Về chỉ số về đào tạo lao động
Xác định nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là lao động có kỹ năng, chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng để phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của tỉnh nhất là đối với ngành than, các khu kinh tế, khu công nghiệp, chính sách thu hút nguồn nhân lực chưa phát huy được hiệu quả, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các nghị quyết tiêu biểu như: Nghị quyết số 221/2015/NQ-HĐND về Chương trình việc làm tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016–2020; Nghị quyết số 220/2015/NQ-HĐND Ban hành chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết số 208/2015/NQ-HĐND Về một số chính sách khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND Về việc ban hành Quy định chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại trường Đại học Hạ Long, giai đoạn 2016 -2020; Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND Ban hành chính sách hỗ trợ về nhà ở để thu hút lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà đến năm 2020; Nghị quyết số 23/NQ-HĐND Thông qua Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…
- Về chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp
Để cải thiện và tăng điểm chỉ số này Hội đồng nhân dân ban hành một số nghị quyết: Nghị quyết số 148/2018/NQ-HĐND Về việc ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Số 48/2016/NQ-HĐND Về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 – 2020; Nghị quyết số 232/2015/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 – 2020; Số 43/2016/NQ-HĐND; Về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 – 2020…
- Về chỉ số chi phí thời gian
Thông qua Trung tâm hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, các thủ tục hành chính đã được tỉnh thường xuyên rà soát cắt giảm so với quy định chung, làm giảm thời gian cung cấp dịch vụ hành chính, giảm thời gian đi lại của  công dân, tổ chức. Cùng với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng làm việc ở các Trung tâm hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các cơ quan, đơn vị, địa phương  các cấp (Nghị quyết 69/2016/NQ-HĐND, Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND; Nghị quyết 69/2017/NQ-HĐND). Qua chính sách đã nhằm động viên, khích lệ đội ngũ CB,CC,VC tiếp tục nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy năng lực góp phần thực hiện công tác cải cách hành chính ngày một hiệu quả và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức tốt hơn.
Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng về đường biển, đường bộ, đường hàng không... tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá  nhân khác trong kết nối giao thương trên địa bàn, thời gian qua HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị về  cơ chế tạo nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng động lực của tỉnh như thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cân đối nguồn vốn Dự án Hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục (Nghị quyết 168/NQ-HĐND ngày 14/3/2019), Nghị quyết về chính sách hỗ trợ mở đường bay đi đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Nghị quyết 147/2018/NQ-HĐND)…. 
Nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Quảng Ninh với nhiều các giải pháp đồng bộ triển khai trong thời gian qua, các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chỉ số PCI từ năm 2006 (xếp vị trí 25) đến nay có chuyển biến tích cực, Quảng Ninh chuyển dần từ nhóm điều hành Trung bình sang Khá, Tốt, Rất tốt. Năm 2018 là năm thứ 6 liên tiếp tỉnh đứng trong nhóm 5 tỉnh đứng đầu cả nước về PCI và năm 2018 là năm thứ hai tỉnh được xếp hạng ở vị trí 1/63 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất (với tổng điểm 70,36 điểm). Trong đó có 5 chỉ số tăng điểm so với năm 2017: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Lần đầu tiên chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh vươn lên vị trí 2/63 tỉnh, thành phố. Điểm cải thiện tích cực là chỉ số cơ sở hạ tầng của tỉnh năm 2018 tăng 20 bậc so với cùng kỳ, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố, cho thấy lợi thế cạnh tranh trong trong thu hút đầu tư của tỉnh ngày càng cải thiện đồng bộ.
Tuy nhiên còn một số mục tiêu trong cải thiện chỉ số PCI của tỉnh chưa đạt như mong muốn để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp và của tỉnh: năm 2018 các chỉ số tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, gia nhập thị trường và chi phí thời gian giảm điểm nhẹ so với năm 2017.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong nhóm dẫn đầu cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh. Hội đồng nhân dân tiếp tục sử dụng chỉ số PCI như một kênh thông tin, phân tích các nguyên nhân chỉ số thành phần chưa được cải thiện, chưa đạt mục tiêu, kế hoạch theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, từ đó nghiên cứu ban hành chính sách tác động góp phần làm cải thiện các chỉ số thành phần PCI. 
Trong kỳ họp thường lệ giữa năm 2019, HĐND tỉnh sẽ nghiên cứu ban hành một số chính sách có liên quan và được kỳ vọng sẽ góp phần tác động tích cực đến PCI của tỉnh trong thời gian tới: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 89/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 của HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (đối tượng hỗ trợ là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN và các dự án đầu tư thứ cấp trong KCN trên địa bàn tỉnh);  Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh (trong đó có chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở với các đối tượng thu nhập thấp, làm việc tại các khu công nghiệp tập trung); Nghị quyết về  chính sách hỗ trợ công chức, viên chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc theo nguyện vọng (nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện sắp xếp bộ máy công chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả); Về việc ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị ra khỏi khu dân cư....

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK