TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT VIỆC BỔ NHIỆM CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Cập nhật : 11:14 - 23/12/2019

1. Thực tiễn giám sát việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay
Giám sát việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý là hoạt động xem xét, theo dõi, quan sát của chủ thể giám sát đối với khách thể giám sát nhằm bảo đảm sự tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật. Giám sát việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý bao gồm giám sát việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, pháp quy, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước và giám sát việc ban hành và thực hiện các quyết định hành chính; giám sát trước khi bổ nhiệm, trong khi bổ nhiệm và sau khi bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước nhằm theo dõi, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm để xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết 26 - NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII, về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đã thẳng thắn nhận định: “Công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, việc thực hiện một số nội dung còn hình thức… Quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm "động" và "mở"… Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc” . Các quy định pháp luật về giám sát việc thực hiện bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước chưa có tính hệ thống, đồng bộ còn nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật như Hiến pháp năm 2013, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015... 

Trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay phản ánh rất nhiều vấn đề nóng về công tác bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý gây bức xúc dư luận từ trung ương đến địa phương. Cụ thể là theo kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Nội vụ từ năm 2011 đến tháng 9/2017 tại một số bộ, ngành, địa phương cho thấy . Việc bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý còn thiếu về các điều kiện, tiêu chuẩn khác (trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ…) diễn ra phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh Gia Lai, Thái Bình, Sóc Trăng… Xét về bản chất đây là một trong những loại tham nhũng trong công tác cán bộ nhiều khi thuộc loại “tham nhũng quyền lực”, “tham nhũng quan hệ”, vụ lợi tinh thần, rất khó kết luận là tham nhũng, lại càng khó khởi tố, xét xử, như những chuyện “cả họ làm quan”, “cả nhà làm quan”, “nâng đỡ không trong sáng”... Cái lợi người ta nhận được ở đây suy cho cùng vẫn là lợi ích vật chất, nhưng biểu hiện ra lại là lợi ích phi vật chất . 

Thậm chí, có trường hợp bổ nhiệm cả công chức lãnh đạo, quản lý làm ăn thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước, bổ nhiệm khi chưa có quyết định tuyển dụng công chức, đề bạt người thân vào các vị trí lãnh đạo, quản lý khi chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Bên cạnh đó, năng lực giám sát của các cơ quan có thẩm quyền giám sát việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý còn nhiều hạn chế, giám sát cấp trên nhiều chưa có cơ chế giám sát trong việc bổ nhiệm công chức ở cấp dưới, đồng nghiệp...

2. Một số giải pháp góp phần tăng cường việc giám sát việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, tăng cường tính phối hợp của các chủ thể giám sát
Việt Nam cần tăng cường tính phối hợp giữa các chủ thể giám sát việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước như giữa Quốc hội, Hội đồng nhân dân với cơ quan thanh tra, Viện kiểm sát, Tòa án và cơ quan chuyên ngành như thanh tra, kiểm toán.. với nhân dân nhằm mục tiêu phát hiện ra các sai phạm trong quá trình bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0 việc nâng cao vai trò phối hợp giữa cơ quan quyền lực nhà nước với cơ quan báo chí có vai trò quan trọng. Đa số các vi phạm trong việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được đưa ra từ cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, dư luận xã hội có vai trò quan trọng trong việc giám sát, phát hiện ra các sai phạm có liên quan đến công tác cán bộ, đặc biệt là vấn đề bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý.

Thứ hai, đảm bảo tính liên tục trong quá trình giám sát
Giám sát việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý phải đảm bảo tính liên tục trước khi bổ nhiệm, trong khi bổ nhiệm, sau khi bổ nhiệm. Thực trạng hiện nay, các chủ thể giám sát chỉ chú ý đến việc giám sát trước và trong quá trình bổ nhiệm, sau khi bổ nhiệm vẫn còn là khoảng trống cần tiếp tục giám sát của các chủ thể.

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ thể tiến hành giám sát việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý 
Năng lực giám sát của các chủ thể còn một số điểm hạn chế, do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ là yêu cầu bức thiết cho các chủ thể trong quá trình giám sát việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước. Đào tạo, bồi dưỡng cho chủ thể giám sát nhấn mạnh đến việc xử lý các vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật Đảng, tham nhũng, hậu quả pháp lý của việc bổ nhiệm sai trong quá trình giám sát việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước.

Thứ tư, xử lý trách nhiệm của các chủ thể giám sát
Thực tế có một số trường hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát hoạt động bổ nhiệm công chức như cơ quan thanh tra, tuy nhiên, các cơ quan đó không thực hiện việc giám sát. Cụ thể là: “Con số phát hiện 1 vụ sai phạm trong hơn 2.300 cuộc thanh tra ở một địa phương vừa bị "nhắc nhở" đang đặt ra câu hỏi lớn. Thanh tra không phát hiện sai phạm hay thanh tra nhiều nhưng phát hiện rất ít sai phạm khiến dư luận không khỏi băn khoăn” . Do vậy, các chủ thể có thẩm quyền giám sát phải tăng cường giám sát, nếu không thực hiện giám sát việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý hoặc giám sát chưa hiệu quả thì sẽ bị chế tài xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật/./ 

TS. Trần Thị Hải Yến
Học viện Hành chính Quốc gia


Chú thích:
 1. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-26-NQ-TW-2018-xay-dung-doi-ngu-can-bo-co-nang-luc-va-uy-tin-ngang-tam-nhiem-vu-382179.aspx
 2. http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/bo-nhiem-mot-so-can-bo-co-bieu-hien-chay-chuc-chay-quyen-407412.html
 3. Nguyễn Văn Giang , Nhận diện tham nhũng trong công tác cán bộ
\http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2018/52570/Nhan-dien-tham-nhung-trong-cong-tac-can-bo.aspx
 4. https://viettimes.vn/vi-sao-thanh-tra-nhieu-nhung-phat-hien-sai-pham-it-1571.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết 26 - NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII, về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.
1. Luật Cán bộ, công chức năm 2008
2. http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/bo-nhiem-mot-so-can-bo-co-bieu-hien-chay-chuc-chay-quyen-407412.html
3.http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2018/52570/Nhan-dien-tham-nhung-trong-cong-tac-can-bo.aspx
4. https://viettimes.vn/vi-sao-thanh-tra-nhieu-nhung-phat-hien-sai-pham-it-1571.html

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK