Pháp luật và thực hiện pháp luật về quyền giám sát của công dân ở Việt Nam hiện nay
Cập nhật : 9:37 - 17/09/2019
 Quyền giám sát của công dân là nhu cầu và khả năng của công dân, thông qua các phương thức được pháp luật thừa nhận, tiến hành theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng chính sách, pháp luật, chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Quyền giám sát của công dân có cơ sở từ “nguyên lý chủ quyền nhân dân”, được ghi nhận trong hệ thống pháp luật và thể hiện sinh động trong thực tiễn. 

1. Pháp luật về quyền giám sát của công dân
Pháp luật về quyền giám sát của công dân có lịch sử hình thành, phát triển cùng với sự phát triển của nền dân chủ với mốc lịch sử đầu tiên là Hiến pháp 1946. Với quan điểm “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam” (Điều 1), Hiến pháp 1946 đặt nền móng cho quyền tự do, dân chủ, trong đó có quyền giám sát. Trải qua các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 (Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001) quyền giám sát của công dân tiếp tục được hoàn thiện. Đến Hiến pháp 2013 quyền này đã được hiến định rõ ràng: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân” (Khoản 2, Điều 8).
Điều chỉnh pháp luật về quyền giám sát của công dân được thể hiện đa dạng, phong phú trên các nội dung khác nhau: công dân giám sát thông qua kiến nghị, phản ánh; khiếu nại, tố cáo; báo chí; thực hiện dân chủ ở cơ sở và một số nội dung khác. Pháp luật trao cho công dân giám sát các giai đoạn trong chu trình quản lý nhà nước, từ giai đoạn xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; tổ chức thực thi chính sách, pháp luật đến thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật. 
Với tư cách là một tập hợp quyền, quyền giám sát của công dân có cơ sở pháp lý cao nhất là Hiến pháp. Hiến pháp 2013 trao cho công dân được quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức (Điều 8); công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp (Điều 25); công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước (Điều 28); công dân có quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 30)... Cụ thể hóa các quy định, văn bản luật và văn bản dưới luật được ban hành tạo hành lang pháp lý bảo đảm dân chủ nói chung, quyền giám sát của công dân nói riêng. Đây là một hệ thống các luật, văn bản dưới luật khá đồ sộ, có thể kể tên một số văn bản tiêu biểu như: Luật Khiếu nại 2011, Luật Báo chí 2016, Luật Tố cáo 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007 và nhiều văn bản pháp luật khác.     
       Đánh giá chung, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền giám sát của công dân là phù hợp với yêu cầu triển khai thực hiện Hiến pháp 2013, phù hợp với tinh thần đổi mới Hiến pháp, tiếp tục ghi nhận và bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong nhà nước pháp quyền. Pháp luật về quyền giám sát của công dân ngày càng hoàn thiện theo hướng thống nhất, đồng bộ và hiện đại. Tuy nhiên, Hiến pháp chưa quy định trực diện giám sát là quyền độc lập của công dân như một quyền hiến định mặc dù đều khẳng định nhân dân có quyền giám sát, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức chịu sự giám sát của nhân dân. Pháp luật về quyền giám sát của công dân cần hoàn thiện về đối tượng, nội dung giám sát và quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể giám sát. Về hình thức pháp luật, đến nay, nhà nước chưa ban hành văn bản pháp luật nào ở cấp độ luật và dưới luật quy định chi tiết về quyền giám sát của công dân: chủ thể giám sát, đối tượng giám sát, nội dung giám sát, phương pháp giám sát, hình thức giám sát, phạm vi giám sát, xử lý kết quả giám sát; tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật và kỹ thuật lập pháp còn nhiều hạn chế.

2. Thực hiện pháp luật về quyền giám sát của công dân
Về khái quát, so với trước đây, quyền giám sát của công dân trong giai đoạn hiện nay được tôn trọng, có điều kiện bảo đảm thực hiện tốt hơn, được thực hiện trong thực tế đầy đủ và sâu sắc hơn; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong việc bảo đảm quyền giám sát của công dân có nhiều tiến bộ.
Trên các phương diện cụ thể, quyền giám sát của công dân thông qua kiến nghị, phản ánh tăng về số lượng, giá trị thông tin ngày càng nhiều, phản ánh nhận thức, trách nhiệm của công dân đối với các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội hay dân sinh có sự thay đổi tích cực. Khiếu nại, tố cáo của công dân thực sự đã trở thành phương thức bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Giám sát của công dân thông qua báo chí có sự phát triển nhanh chóng và ngày càng tỏ ra hiệu quả. Tiếng nói của công dân thông qua báo chí tạo ra dư luận, sức ép lớn buộc các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức phải tiến hành xác minh, giải quyết, thông qua đó nhiều cán bộ, công chức bị xử lý, tài sản nhà nước được thu hồi, quyền lợi của công dân được bảo đảm, người tốt được tuyên dương. Ở cơ sở, giám sát của công dân thông qua thực hiện dân chủ ở cơ sở có nhiều tiến bộ, đi vào chiều sâu. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực ở cơ sở; phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở nhiều nơi hoạt động hiệu quả, phát huy được dân chủ trực tiếp của nhân dân tại địa bàn dân cư.
Mặc dù có được một số kết quả, thực hiện pháp luật về quyền giám sát của công dân còn nhiều hạn chế. Giám sát của công dân thông qua kiến nghị, phản ánh còn yếu, chưa phát huy hết hiệu quả. Còn tình trạng xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan với nhau hoặc giải quyết không tới nơi, tới chốn hoặc hướng dẫn sai địa chỉ gây mất thời gian, lòng vòng, làm bức xúc của người dân thêm gia tăng. Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức còn lúng túng, chậm, chưa dứt điểm làm cho vụ việc kéo dài; còn một số trường hợp giải quyết không đúng pháp luật. Giám sát thông qua báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng còn vướng mắc ở việc kiểm chứng thông tin báo chí còn chậm, độ chính xác chưa cao. Giám sát của công dân thông qua thực hiện dân chủ ở cơ sở còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. “Hoạt động giám sát của Mặt trận và nhân dân đối với chính quyền mặc dù đã có chuyển biến nhất định nhưng chất lượng còn thấp, hiệu quả giám sát chưa cao, nhất là giám sát việc xây dựng các công trình do ngân sách Nhà nước đầu tư ở cơ sở và giám sát việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo” [6, tr. 97].

3. Nguyên nhân của những hạn chế
      3.1. Nguyên nhân chủ quan: Hệ thống pháp luật còn hạn chế, bất cập, chồng chéo. Nhận thức của các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, công dân và xã hội đối với quyền giám sát của công dân mới dừng lại ở mức độ nhất định, chưa thống nhất, chưa đồng đều và thực sự rõ nét. Tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của bộ máy nhà nước còn nhiều bất cập, hình thức, còn tình trạng lợi dụng quy định bảo vệ bí mật nhà nước để bưng bít thông tin. Quyết tâm chính trị trong bảo đảm quyền giám sát của công dân có khi, có nơi còn chưa cao, thậm chí còn tình trạng lo sợ việc khó kiểm soát.
       3.2. Nguyên nhân khách quan: quyền giám sát của công dân có phạm vi rộng lớn, nội dung đa dạng, hình thức thể hiện phong phú, ranh giới giữa các quyền hiện nay chưa thực sự rõ ràng đã gây khó khăn cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Công cuộc đổi mới đất nước chưa dài nên nhiều quy định cũ, mô hình cũ không phù hợp nhưng chưa kịp huỷ bỏ. Điều đó nằm ngay ở cả trong các quy định pháp luật, tổ chức bộ máy nhà nước và các yếu tố bảo đảm thực hiện quyền giám sát. Mặt khác, các yếu tố phong tục, tập quán, nếp sống, trình độ dân trí, mức độ hiểu biết pháp luật còn chi phối, ảnh hưởng nhiều đến tác phong, hành xử của mọi thành viên trong xã hội khiến cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quyền giám sát của công dân chưa đạt được yêu cầu như mong muốn.

TTBD

 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK