KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG PHỤC HỒI TÀI NGUYÊN NƯỚC
Cập nhật : 9:25 - 26/06/2023
KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG PHỤC HỒI TÀI NGUYÊN NƯỚC


1. Quy định, kinh nghiệm quốc tế về phục hồi nguồn nước 

Hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển, đều đã trải qua giai đoạn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước nặng nề sau thời kỳ ưu tiên phát triển công nghiệp trong bối cảnh công tác quản lý tài nguyên nước chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

1.1. Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, trước bối cảnh ô nhiễm nguồn nước gia tăng, trong Chương trình quản lý tổng hợp chất lượng nước, Chính phủ đã quyết định triển khai Dự án phục hồi bốn dòng sông lớn gồm sông Hàn, Nakdong, Geum và Yeongsan. Dự án được triển khai thực hiện từ 2009 đến 2013 với 05 mục tiêu chính: (i) đảm bảo nguồn nước dồi dào nhằm phòng chống khan hiếm nước; (ii) thực hiện các biện pháp toàn diện kiểm soát lũ; (iii) nâng cao chất lượng nước, phục hồi các hệ sinh thái sông, (iv) tạo ra các không gian đa năng cho người dân địa phương; (v) phát triển vùng tập trung vào các sông. Kết quả dự án là hơn 929 km sông, suối quốc gia và hơn 10.000 km sông, suối địa phương đã được phục hồi; hơn 35 vùng đất ngập nước ven sông cũng đã được tái cấu trúc.

Dự án Phục hồi 4 dòng sông được triển khai thành công một phần quan trọng là nhờ sự điều chỉnh kịp thời trong các chính sách pháp luật của Chính phủ Hàn Quốc; trong đó phải kể đến việc điều chỉnh các luật về tài chính, luật sông, luật sử dụng đất ven sông… Về tài chính, các nhà lập pháp đã sửa đổi Đạo luật để đẩy nhanh việc thực hiện Dự án bằng cách miễn các dự án quản lý rủi ro thiên tai khỏi các nghiên cứu khả thi sơ bộ; thiết lập một khuôn khổ để quản lý tài chính và các hoạt động tài khóa lành mạnh. Đối với sông, Đạo luật sửa đổi cho phép Tổng công ty tài nguyên nước Hàn Quốc (K-water), một công ty quản lý tài nguyên nước công, vận hành và duy trì các cơ sở tích hợp. Trước khi sửa đổi, chính quyền địa phương giữ trách nhiệm này.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc đã xác định một số công cụ chính sách để tối đa hóa tiềm năng phát triển của địa phương thông qua sáng kiến khôi phục sông. Các nhà lập pháp đã sửa đổi pháp luật để thúc đẩy sự phát triển của địa phương bằng cách tăng tỷ lệ tham gia bắt buộc cho các công ty xây dựng địa phương trong các liên doanh. Quy hoạch tổng thể yêu cầu các công ty địa phương phải chiếm ít nhất 40% trong tổng số các liên doanh. 

1.2. Pháp

Tại Pháp, trong những năm 60 của cuối thế kỷ trước, do công nghiệp, đô thị cùng các hoạt động sản xuất, dịch vụ phát triển mạnh khiến gia tăng nhu cầu sử dụng nước và làm cho ô nhiễm nước phát triển rộng với mức độ trầm trọng. 

Trong điều kiện nguồn nước cũng như ngân sách có hạn nên nhà nước và dư luận xã hội đều thống nhất là phải đấu tranh chống ô nhiễm và thống nhất về nguyên tắc là mọi người sử dụng nước và gây ô nhiễm nước phải trả tiền. Quan điểm này đã tạo thuận lợi để đưa nhiệm vụ trọng tâm chống ô nhiễm vào luật cùng với mục tiêu đáp ứng và điều hòa các nhu cầu sử dụng trong phân phối, Luật nước 1964 đã đề cập đến việc đảm bảo duy trì dòng chảy sinh thái cho hạ lưu, đồng thời đã thiết lập ra tổ chức quản lý nước khoa học, chặt chẽ theo lưu vực sông và trách nhiệm đóng góp tài chính của những đối tượng sử dụng nước và gây ô nhiễm nước qua thuế tài nguyên nước và phí ô nhiễm nước. 

1.3. Úc

Tại Úc, quan điểm hợp pháp về việc sử dụng dòng chảy môi trường đã mở rộng sang nước ngầm. Trong khi, về mặt lịch sử, mối quan tâm về dòng chảy môi trường ở Úc chủ yếu tập trung vào các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước mặt. Hai thập kỷ qua, các quy tắc pháp lý để bảo vệ các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước ngầm ngày càng được quan tâm. Các hệ sinh thái như vậy không chỉ bao gồm các con sông nhận dòng chảy từ nước ngầm, mà còn bao gồm rừng và đất ngập nước. Các quy tắc để bảo vệ các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước ngầm bao gồm các ràng buộc về việc bơm nước ngầm nếu mực nước giảm xuống dưới một mức nhất định và các khu vực cấm khai thác các giếng mới trong một khoảng cách nhất định của hệ sinh thái phụ thuộc vào nước ngầm. Ngoài ra còn có việc sử dụng việc phân bổ nước ngầm cho các mục đích môi trường, có khả năng được mở rộng cả ở Úc và các khu vực pháp lý khác.

Qua nghiên cứu tổng hợp kinh nghiệm của tất cả các quốc gia phát triển (Úc, Mỹ, Châu âu, Hàn Quốc, Nhật Bản) và đang phát triển về vấn đề phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt, đều có điểm chung là hầu hết các quốc gia đều phải trải qua 3 giai đoạn chính từ sơ khai cho đến chiến lược:

- Giai đoạn thứ nhất (sơ khai): thực hiện hoạt động, biện pháp đơn lẻ, chỉ phục vụ cho một đối tượng cụ thể, chưa có tính đồng bộ, chưa tích hợp chính sách và kỹ thuật. Giai đoạn này ở mức độ sơ khai, chưa đồng bộ trong việc định hướng và quản lý tài nguyên nước cũng như các lĩnh vực liên quan.

- Giai đoạn thứ 2 (kỹ thuật): các chính sách, giải pháp phục hồi nguồn nước (ô nhiễm, cạn kiệt) tập trung vào đầu tư, cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng và lập kế hoạch vận hành, trong đó các giải pháp kỹ thuật chuyên môn được ưu tiên và các bước thực hiện vẫn tập trung vào các giải pháp kỹ thuật là chính. Việc tập trung vào triển khai một cách đồng bộ các giải pháp kỹ thuật cũng đã đem lại một số hiệu quả nhất định, tuy nhiên đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Do đó, hầu hết các quốc gia trong quá trình phục hồi nguồn nước từ giai đoạn 2 sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là giai đoạn chiến lược.

- Giai đoạn thứ 3 (chiến lược): Các quốc gia phát triển như Mỹ, Châu âu, Úc, bắt đầu nhận thức được các giải pháp kỹ thuật thuần túy không còn đủ để giải quyết các vấn đề đa ngành trong quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là trong điều kiện cần có sự đánh đổi giữa các lợi ích và giá trị cạnh tranh . Vì lẽ đó, trong giai đoạn chiến lược, đã hướng đến các giải pháp quy hoạch đa ngành, tích hợp chính sách, và kỹ thuật, áp dụng các giải pháp kinh tế, sinh thái và quản lý, giai đoạn này tập trung nhiều hơn vào các biện pháp liên quan đến pháp lý, thể chế, kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. 

2. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Áp lực phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm nguồn nước gia tăng là một trong 9 thách thức về an ninh nguồn nước của Việt Nam (Theo Đề án bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên & Môi trường, 2021). Cùng với sự phát triển kinh tế vượt bậc, quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, gia tăng các hoạt động xả nước thải nhất là các loại hình nước thải không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật,… đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, trầm trọng đến cả về số lượng và chất lượng nguồn nước các các sông, suối và các tầng chứa nước trong những năm gần đây, đặc biệt là các nguồn nước phục vụ để sản xuất nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt. Hầu hết các đoạn sông chảy qua khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp, các làng nghề đều đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Bên cạnh đó, còn tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về tài nguyên nước và môi trường, đã làm cho tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm không ngừng gia tăng về cả mức độ lẫn quy mô. Ngân hàng Thế giới   đánh giá ô nhiễm chất lượng nước có thể làm giảm 4,3% GDP mỗi năm, nếu Việt Nam không áp dụng các giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề xử lý nước thải thì GDP của Việt Nam sẽ giảm 2,5% vào năm 2035, nếu giải quyết triệt để thì GDP sẽ tăng 2,3%.

Trong khi đó, Luật Tài nguyên nước 2012 tuy đã có một số quy định liên quan đến phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt (Điều 27); dòng chảy tối thiểu (Điều 3, 13, 53) nhưng các quy định còn phân tán và chưa thực sự rõ ràng; các nội dung quy định về bảo vệ hệ sinh thái thuỷ sinh, đa dạng sinh học hầu như vắng bóng. Một số quy định cụ thể có liên quan như dòng chảy tối thiểu (đối với sông), ngưỡng giới hạn khai thác (đối với nước dưới đất) đã được ban hành trong văn bản dưới luật nhưng cơ bản ở cấp thông tư nên tính hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế.

Thực tế cho thấy rằng việc quản lý tài nguyên nước phải lấy bảo vệ, phòng ngừa là chính, vì nguồn nước một khi đã bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng cũng như tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước. Quá trình phục hồi nguồn nước cũng sẽ đòi hỏi thời gian, chi phí lớn cùng nhiều nguồn lực khác. Do đó, các vấn đề phục hồi nguồn nước và bảo vệ nguồn nước gắn liền với các giá trị tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học phải được quan tâm, chú trọng hơn trong Luật tài nguyên nước sửa đổi.

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung vào Mục bảo vệ tài nguyên nước, cụ thể là nội dung về Chức năng nguồn nước, theo đó Chức năng nguồn nước là một trong các căn cứ để xem xét việc điều hoà phân phối tài nguyên nước; lựa chọn các giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; xem xét, quyết định việc chấp thuận, phê duyệt, cấp phép cho các dự án có hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật. Rà soát, bổ sung nội dung về dòng chảy tối thiểu là một trong các căn cứ xây dựng Phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm. Đối với nước dưới đất, bổ sung thêm quy định về ngưỡng khai thác nước dưới đất là một trong những căn cứ để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định phê duyệt các nhiệm vụ về Phương án điều hòa, phân phối nguồn nước; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm đối với nguồn nước dưới đất.

Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung thêm một điều khoản về phục hồi nguồn nước ô nhiễm, theo đó Phục hồi nguồn nước nhằm khôi phục chức năng nguồn nước và các giá trị sinh thái tự nhiên, giá trị văn hoá, lịch sử gắn liền với nguồn nước. Việc phục hồi nguồn nước thông qua điều chỉnh chế độ vận hành, bổ sung, nâng cấp các công trình điều tiết, khai thác để cải thiện khả năng lưu thông dòng chảy, số lượng, chất lượng của nguồn nước, khả năng bổ cập nước dưới đất; giảm thiểu mức độ ô nhiễm; khôi phục hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hoá, lịch sử gắn liền nguồn nước.  Đồng thời, Kinh phí phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ bảo vệ môi trường hoặc nguồn vốn xã hội hoá. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

TTBD

Danh sách góp ý
 
  • Ông Nguyễn Văn Tố Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (2/3/1946 - 8/11/1946)
  • Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, XIV (Từ 31/3/2016 đến 30/3/2021)
  • Ông Vương Đình Huệ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV (từ ngày 31/3/2021)
  • Ông Bùi Bằng Đoàn Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (9/11/1946 - 13/4/1955)
  • Ông Tôn Đức Thắng Trưởng ban thường trực quốc hội khoá I (20/9/1955 - 15/7/1960)
  • Ông Trường Chinh Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI (15/7/1960 - 04/7/1981)
  • Ông Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Quốc hội khoá VII (4/7/1981 – 18/6/1987)
  • Ông Lê Quang Đạo Chủ tịch Quốc hội khoá VIII (18/6/1987 – 23/9/1992)
  • Ông Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội khoá IX, X (23/9/1992 – 27/6/2001)
  • Ông Nguyễn Văn An Chủ tịch Quốc hội khoá X, XI (27/6/2001 - 26/6/2006)
  • Ông Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội XI, XII (27/6/2006 - 23/7/2011)
  • Ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (Từ 23/7/2011)
QUỐC HỘI KHÓA XV
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tiến hành vào ngày 23/5/2021 với tổng số đại biểu Quốc hội là 499 đại biểu.
Cơ cấu như sau:
- 38,88% đại biểu ở các cơ quan Trung ương;
- 60,32% đại biểu ở địa phương;
- 0,80% đại biểu tự ứng cử;
- 17,84% đại biểu là người dân tộc thiểu số;
- 30,26% đại biểu là phụ nữ;
- 2,81% đại biểu là người ngoài Đảng;
- 9,42% đại biểu là người trẻ tuổi;
- 39,28% đại biểu là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử;
- 1,40% đại biểu đã là đại biểu Quốc hội các khóa trước;
- 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu;
- 78,56% đại biểu có trình độ trên đại học;
- 21,24% đại biểu có trình độ đại học;
- 0,20% đại biểu có trình độ dưới đại học.
WEBLINK